Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đỗ Bích Thúy: 'Cuộc đời chẳng còn gì nếu thiếu người phụ nữ'

Nữ nhà văn, nhà báo khẳng định hình tượng người phụ nữ vẫn là nguồn cảm hứng lớn trong sự nghiệp sáng tác của chị.


Thời gian gần đây, cuốn tiểu thuyết thứ tư của nhà văn Đỗ Bích Thúy - Chúa đất, dành được nhiều tình cảm của bạn đọc cũng như giới phê bình. Zing.vn đã có cuộc trao đổi cùng tác giả về cuốn sách và những câu chuyện văn chương đằng sau nó.

- Tiểu thuyết“Chúa đất” xuất hiện rất nhiều nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống của người H’mông. Có phải chị nuốn dùng tác phẩm của mình để lưu giữ nhưng giá trị quý báu này?

- Dùng tác một tác phẩm văn chương để lưu giữ văn hóa đó cũng là một phần trong chủ định của tôi. Ngoài ra, còn một lý do khác quan trọng hơn. Theo cá nhân tôi, văn hóa là linh hồn của một vùng đất. Mỗi câu chuyện, khi gắn với một địa danh nào đó thì đều mang những giá trị văn hóa riêng. Nếu ta chỉ tập trung kể chuyện, mà không lồng ghép được những giá trị văn hóa bản địa vào trong đó thì tác phẩm sẽ kém chân thực và hấp dẫn.

- “Chúa đất” là bức tranh phong phú về tâm trạng và số phận người phụ nữ. Nhân vật nào khiến chị trăn trở nhiều nhất trong quá trình sáng tác?

- Không chỉ một mà có tới hai nhân vật khiến tôi trăn trở khi viết tiểu thuyết này, đó là bà cả và Vàng Chở - bà tư của Sùng Chúa Đà. Hai nhân vật này có hai tính cách đối lập nhưng đều phải mang nỗi đau chung. Họ đều không được hưởng hạnh phúc làm mẹ thậm chí cả hạnh phúc làm vợ vì bên cạnh họ là một người chồng mắc chứng bất lực. Hai người phụ nữ ấy trở thành nơi để chúa đất trút lên bao phẫn uất, thịnh nộ đối với mặc cảm về khiếm khuyết của ông ta.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy.

- Vàng Chở là nhân vật dành được nhiều ấn tượng và tình cảm của số đông độc giả. Ngoài khát khao sống, khát khao hạnh phúc, chị còn muốn gửi gắm điều gì khác qua nhân vật này?

- Vàng Chở là một cô gái mạnh mẽ, cá tính và sống bản năng. Cô ấy rất coi trọng ý muốn của cá nhân mình. Nhân vật này luôn biết mình thích điều gì, ghét điều gì và làm mọi thứ để đạt được điều mình muốn.

Vàng Chở luôn ý thức được sự nghiệt ngã mà bản thân cô ấy phải gánh chịu và dám nói ra điều đó. Câu nói của Vàng Chở đã ám ảnh bà cả cho đến tận lúc chết: “Sống không bằng chết thì sống làm gì?”. Đó không chỉ là thông điệp về khát khao được sống, khát khao được hạnh phúc, Vàng Chở còn là hiện thân của một cô gái của thời hiện đại. Cô ấy cá tính, quyết liệt và chấp nhận đấu tranh để dành được hạnh phúc cho mình.

- Để viết được những tiểu thuyết giàu tính lịch sử và văn hóa như “Cánh chim kiêu hãnh” hay “Chúa đất”, hẳn chị phải dành nhiều thời gian để đi thực tế. Là một người phụ nữ có gia đình, chị làm thế nào để cân bằng giữa cuộc sống và công việc?

- Nhiều người nghĩ để viết về một vùng đất nào đó thì phải đến nơi ấy để tìm hiểu thực tế. Cách làm đó đúng với báo chí nhưng chưa hẳn đã đúng với văn chương.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Giang, với tôi đây là một vùng đất rất thân quen. Nhưng kiến thức về địa lý, văn hóa ở nơi đây, đặc biệt là văn hóa của người H’mông và người Tày đều được tôi thu thập từ rất lâu. Khi có một lượng kiến thức nhất định tôi bắt tay vào viết. Nên khi viết những cuốn tiểu thuyết này tôi có cảm giác như mình chỉ “thò tay vào túi” để lấy một vật có sẵn trong đó. Hơn nữa tôi có rất nhiều bạn bè ở Hà Giang, tôi có thể nhờ mọi người thu thập, tìm kiếm tài liệu rồi tham khảo trong đó.

Tiểu thuyết Chúa đất của Đỗ Bích Thúy

- Sau “Chúa đất” chị có dự định gì về tác phẩm mới chưa?

- Cuối năm nay, tôi sẽ cho ra đời một tiểu thuyết mới. Cuốn tiểu thuyết này tôi tiếp tục dành “đất” cho các nhân vật nữ. Với tôi, người phụ nữ làm cho đời sống này rực rỡ hơn. Cuộc đời chẳng còn gì nếu thiếu người phụ nữ.

'Chúa đất': Bi kịch của những người phụ nữ Đường Thượng

Với ngòi bút sắc sảo, tinh tế mà chan chứa yêu thương, Đỗ Bích Thúy mang đến cho người đọc một câu chuyện xúc động về những người phụ nữ Mông sống cuộc đời đau khổ trong nhung lụa.


Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm