Quay ngược thời gian, tiểu thuyết Chúa đất đưa người đọc trở lại vùng Đường Thượng, Yên Minh, Hà Giang cách đây 2 thế kỷ. Tác phẩm lấy bối cảnh là dinh thự rộng lớn, xa hoa của Sùng Chúa Đà - một thổ ty người Mông giàu có, nắm trong tay rất nhiều nương trồng thuốc phiệt. Nhưng bên trong con người đầy quyền lực đó là một tâm hồn độc ác với trái tim khô cằn và ích kỷ. Chính điều đó đã gieo rắc đau khổ cho những người phụ nữ xấu số phải trở thành vợ ông ta.
Là người đàn ông bị chứng bất lực, nhưng Sùng Chúa Đà đã dùng địa vị tối cao của mình để đưa rất nhiều cô gái Mông xinh đẹp về làm vợ. Ông ta đã giam hãm tuổi thanh xuân của họ trong dinh thự rộng lớn. Về làm vợ chúa đất là một bi kịch. Một cô gái khi đã bước vào cổng nhà dinh thự của chúa đất sẽ không được sống trong hạnh phúc trọn vẹn của một người phụ nữ, không được hưởng hạnh phúc làm mẹ. Nhưng mỗi người vợ của chúa đất lại có một cách khác nhau để đối mặt với bi kịch ấy.
Cuốn sách Chúa đất. |
Với bà Cả, người phụ nữ có quyền lực lớn nhất trong dinh thự, người phụ nữ chưa một lần được gọi tên, bà chọn cách cam chịu. Bởi Sùng Chúa Đà là tình yêu lớn nhất của đời bà. Từ khi còn là một thiếu nữ, bà Cả đã yêu Sùng Chúa Đà và người phụ nữ đó sẽ yêu chúa đất cho đến lúc chết. Vì bà hiểu rằng bên ngoài lớp vỏ xù xì, độc ác ấy là con người vô cùng cô độc, yếu đuối và vô cùng đáng thương.
Bà Cả hiểu thấu con người chúa đất nên đã nguyện nhẫn nại ở bên chăm sóc, bầu bạn, giúp ông cai quản tiền bạc. Cho dù Sùng Chúa Đà không bao giờ dành trọn vẹn tình cảm cho bà nhưng đến lúc chết bà Cả vẫn dành cho chúa đất một tình yêu vô bờ.
Vàng Chở, bà Tư xinh đẹp trẻ trung của chúa đất lại chọn một cách hoàn toàn khác để đối mặt với chuỗi ngày bi thương trong dinh thự lộng lẫy. Nếu bà Cả là một người phụ nữ cam chịu thì Vàng Chở lại là một người phụ nữ phá cách và quyết liệt.
Để được hưởng hạnh phúc trọn vẹn, cô đã dan díu với Sáng một người chăn ngựa trong dinh thự. Khi bị chúa đất phát hiện Vàng Chở hiên ngang chịu tội mà không hé miệng van xin nửa lời. Hình ảnh Vàng Chở bị treo trên cột đá đến chết sẽ để lại một ám ảnh sâu sắc trong lòng bạn đọc.
Sùng Pà Xính lại là một trường hợp khác. Giống như bao cô gái Mông khác, cô sợ bị chúa đất phát hiện ra vẻ xinh đẹp yêu kiều của mình chẳng khác nào người ta sợ cọp. Nhưng để bảo vệ tình yêu cô nhất quyết không cam chịu về làm vợ Sùng Chúa Đà.
Chúa đất không chỉ là một cuốn tiểu thuyết mang âm hưởng sử thi về số phận bi thương của những người phụ nữ Mông ở Đường Thượng. Ẩn sâu trong sự quyết liệt của Vàng Chở hay nét cá tính của Sùng Pà Xính là tiếng nói của nữ quyền. Sống trong xã hội chịu sức mạnh to lớn của thần quyền và tư tưởng trọng nam, những người nữ ấy vẫn muốn đấu tranh để giành quyền quyết định số phận của chính mình.
Sùng Chúa Đà vốn là một nhân vật có thật. Một thổ ty người Mông giàu có sống ở vùng Đường Thượng, Yên Minh vào khoảng thế kỉ 19. Tương truyền, ông ta cho dựng một cột đá cao tới 1,9m để xử tội những người dám trêu ghẹo vợ mình hay những người vi phạm những luật lệ mà ông ta đặt ra. Hiện nay, “cây cột đá hành quyết” nổi tiếng ấy đang được lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh Hà Giang.
Từ những câu chuyện lưu truyền trong dân gian, Đỗ Bích Thúy đã viết một cuốn tiểu thuyết trọn vẹn mà cảm động. Xen kẽ những câu chuyện tình đầy bi thương trong Chúa đất là những nét văn hóa đặc sắc của người Mông như những khúc hát dân ca, các phong tục cổ truyền. Là một cây bút có nghề, đặc biệt có sở trường về đề tài miền núi, Đỗ Bích Thúy đã dựng lên trong trang viết khung cảnh khó quên của vùng Đường Thượng, đẹp nhưng u buồn mà đầy day dứt.