Hình chụp Pele năm 1962. Ảnh: Pinterest. |
Ngày 21/6/1970, chiếc xe bus chở đội tuyển Brazil đang trên đường đưa đội bóng đến sân vận động Azteca của thủ đô Mexico để tham dự trận chung kết Giải vô địch thế giới lần thứ 9. Pele ngồi lẫn giữa những đồng đội nổi tiếng của mình: Jairzinho, Tostao, Rivelino, Carlos Alberto...
Tất cả đều căng thẳng nên không ai để ý đến Pele đang âm thầm khóc. Lại là những giọt nước mắt. Dường như những cảm xúc mãnh liệt khiến cho Pele không thể kiểm soát nổi bản thân. Pele giả vờ cúi xuống sàn xe bus tìm kiếm một vật gì đó để các đồng đội không nhận thấy mình đang khóc.
Không phải vì xấu hổ, bởi dù sao thì trong số những người có mặt tại đây, Pele cũng thuộc loại kỳ cựu nhất; đây đã là lần thứ 4 Pele tham dự một World Cup và là lần thứ hai có mặt trong trận chung kết ở giải đấu danh giá nhưng cũng khốc liệt nhất hành tinh này. Chẳng có gì phải xấu hổ vì những giọt nước mắt. Pele chỉ không muốn gây nên sự căng thẳng không cần thiết trong đội bóng của mình, đồng thời cứ để cho cảm xúc tự nhiên tuôn trào ra. Khi ấy, Pele cảm thấy thư thái hơn và điều đó có ích cho trận đấu sắp tới...
Chính trong lúc ngồi trên xe bus để tới sân vận động Azteca vào lúc giữa trưa ấy, Pele đã nhớ lại những gì xảy ra trong hai World Cup gần đây nhất của mình, sau cái mùa hè đáng nhớ đầy nước mắt trên đất Thụy Điển.
Năm 1962, trong tâm trạng tràn đầy hứng khởi, Pele cùng đội tuyển Brazil tới Chile tham dự World Cup lần thứ bảy. Đó sẽ là một sân khấu đích thực để Pele phát sáng, để thế giới chiêm ngưỡng tài năng đang độ rực rỡ của anh. Rất ít đội bóng cho rằng có cơ hội chiến thắng Brazil ở giải đấu này.
Đội hình vô địch thế giới bốn năm trước đó hầu như vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có vài thay đổi nhỏ. Huấn luyện viên Aymore Moreira đã thay huấn luyện viên Feola nắm đội tuyển. Trong số các cầu thủ, Bellini bị đẩy xuống ghế dự bị, thay thế bởi Mauro, người đã dự bị hồi năm 1958. Vị trí của Orlando, khi ấy đang chơi bóng tại Argentina, cũng được thay thế bằng cầu thủ da đen nhỏ con Zozimo.
Bên cạnh Pele, đội đương kim vô địch vẫn có Didi và Vava, hai danh thủ đi tìm vinh quang ở trời Âu nhưng thất bại trở về. Didi không sao hòa nhập được với lối chơi của Real Madrid, khi đó đang được cầm trịch bởi một huyền thoại khác là Di Stefano. Vava cũng không may mắn ở Atletico Madrid.
Ngoài ra còn có Garrincha ở cánh phải, cầu thủ bị dị tật ở chân nhưng có lối lừa bóng ma quái và tốc độ nước rút thần sầu. Bộ khung còn lại với thủ môn Gilmar, hai cầu thủ Santos, Zito, Amarildo, Zagallo vẫn giữ nguyên. Tính ổn định cùng với sự ăn ý của các cầu thủ có nhiều năm kinh nghiệm chơi bóng cùng nhau là sức mạnh lớn nhất của Brazil ở giải đấu lần này.
Có một điểm khá thú vị là để lấy hên, Ban lãnh đạo đội tuyển Brazil yêu cầu vẫn chiếc máy bay cùng với phi hành đoàn đã đưa đội tuyển sang Thụy Điển 4 năm trước đó - mà Brazil vô địch - lần này đưa đội Brazil sang Chile. May mắn ở đâu không thấy chứ đối với Pele thì chỉ gặp vận rủi.
Trận đầu gặp Mexico chủ nhà thi đấu kiên cường, phải sang đến hiệp 2, Zagallo mở điểm cho Brazil bằng một pha đánh đầu sau đường chuyền của Pele. Tiếp đó, Pele lần lượt lừa bóng qua 4 cầu thủ Mexico và cả thủ thành Carbajal, đưa bóng vào lưới, ghi bàn thắng thứ hai.
Một bàn thắng phi thường. Brazil thắng 2-0, trận thứ hai gặp Tiệp Khắc, đội bóng trước đó đã đánh bại Tây Ban Nha với tỷ số 1-0. Ngay đầu trận đấu, trong một pha va chạm với thủ thành Tiệp Khắc Schroiff, Pele bị chấn thương cơ. Đến phút thứ 25, nhận một đường chuyền từ Garrincha, Pele lấy hết sức bình sinh tung một cú sút mạnh. Bóng đập cột dọc dội ra và Pele tung tiếp cú sút thứ hai cũng rất mạnh. Bất chợt Pele thấy đau nhói lên ở háng. Pele đổ vật xuống sân.
Bác sĩ đội tuyển Brazil lao vào sân. Luật của FIFA khi ấy chưa cho phép thay người nên một cầu thủ như Pele dù tập tễnh có mặt trên sân vẫn buộc các hậu vệ của đối phương phải dè chừng. Thế nên Pele từ chối rời sân. Từ đó cho đến hết trận đấu, Pele chỉ chạy nhúc nhắc trên sân cho có mặt.
Tuy nhiên, Pele nhận thấy các cầu thủ phòng ngự Tiệp Khắc như Masopust, Popluhar, Lala vốn thường ngày chơi rất quyết liệt, đều cố gắng tránh những va chạm mạnh có thể khiến cho Pele bị chấn thương nặng hơn. Trong suốt sự nghiệp thể thao của mình, Pele không bao giờ quên được những cử chỉ cao thượng đó của các cầu thủ Tiệp Khắc, dù đương nhiên là họ muốn thắng Brazil trận này. Hai đội rời sân với tỷ số hòa 0-0.
Kể từ trận thứ ba trở đi, huấn luyện viên Brazil buộc phải đưa cầu thủ 24 tuổi Amarildo, người đang chơi cho câu lạc bộ Botafogo, vào chơi thay ở vị trí của Pele. Pele ngồi ngoài, xem người đồng đội nổi danh Garrincha tung hoành trước các đối thủ cũng như cầu thủ kế nhiệm của mình Amarildo chơi tuyệt hay. Trong trận gặp Tây Ban Nha, khi ấy có trong đội hình cầu thủ kỳ tài người Hungary Puskas, Amarildo ghi cả hai bàn, mang về thắng lợi 2-1 cho Brazil.
Các bác sỹ của đội tuyển Brazil, sau khi kiểm tra cẩn thận chấn thương của Pele đã khẳng định rằng Pele chỉ cần tĩnh dưỡng và điều trị bằng vật lý trị liệu là có thể tham dự trận chung kết. Vậy nhưng trong một buổi tập để chuẩn bị cho trận chung kết, khi thực hiện một đường chuyền từ ngoài biên vào giữa sân, Pele đột nhiên lại cảm thấy cơn đau dữ dội trở lại. Thường thì một chấn thương như vậy là do va chạm mạnh giữa hai cầu thủ. Thế mà Pele đã phải vắng mặt ở trận chung kết Giải vô địch thế giới do thực hiện đường chuyền trong một buổi tập!
Brazil gặp lại Tiệp Khắc trong trận chung kết ở Santiago ngày 17/6/1962, thắng 3-1, lần thứ hai đoạt cúp thế giới. Ở Brazil, tất cả mọi hoạt động ngừng lại trong hai ngày để dân chúng ăn mừng việc đội tuyển đoạt được cúp vàng thế giới. Đó cũng là chiếc cúp thế giới thứ hai trong sự nghiệp của Pele. Nhưng Pele vẫn cảm thấy áy náy vì đã không góp được nhiều công sức trong chiến thắng của đội tuyển.
Bốn năm sau, nỗi thất vọng còn lớn hơn nữa ở Giải vô địch thế giới lần thứ 8 diễn ra trên đất Anh. Brazil gọi tập trung đến 44 cầu thủ và chỉ gút lại danh sách ngay trước khi diễn ra vòng chung kết. Chính vì có quá nhiều cầu thủ được gọi tập trung và số bị loại chiếm gần một nửa nên vấn đề lớn nhất của đội tuyển Brazil ở giải này chính là những mâu thuẫn trong nội bộ đội.
Thậm chí nhiều cầu thủ trong đội không nói chuyện với nhau. Tâm trạng không chắc chắn đã tác động xấu đến các cầu thủ. Do yếu tố tâm lý, một số cầu thủ tài năng chơi không đúng với phong độ khiến cho có những người lẽ ra xứng đáng có mặt trong đội tuyển thì phải về nhà, trong khi cầu chơi tồi vẫn có mặt.
Ngoài ra, hai lần vô địch thế giới liên tiếp đã khiến cho những người làm bóng đá Brazil chủ quan. Công tác chuẩn bị hời hợt, các cầu thủ đội dự tuyển được chia làm 4 nhóm và lần lượt di chuyển đi tập huấn ở hết thành phố này đến thành phố khác ở Brazil.
Huấn luyện viên đội tuyển tham dự giải đấu này lại là Feola, nhưng đây đã không còn là Feola của giải thế giới năm 1958 nữa. Trong đợt tập huấn ở châu Âu trước khi giải diễn ra, ông Feola sắp xếp mỗi trận một đội hình, không có bất cứ sự kế thừa nào để đảm bảo tính ổn định của một đội bóng, dẫu đó là đương kim vô địch thế giới.
Vừa mới lấy vợ, rồi những chấn thương dai dẳng khiến cho Pele không thể thi đấu với phong độ cao nhất của mình. Các đối thủ, khi ấy đã biết quá rõ sự lợi hại của Pele, tìm mọi cách, kể cả những đòn triệt hạ ác ý, nhằm vô hiệu hoá cầu thủ nguy hiểm nhất của Brazil.
Trong trận mở màn Brazil thắng Bulgaria với tỷ số 2-0, Pele và Garrincha mỗi người ghi một bàn chia đều cho hai hiệp, nhưng Pele bị hậu vệ Bulgaria là Shechev thực hiện một cú “tắc” tàn bạo, phải rời sân. Do vậy, trận tiếp theo gặp Hungary của Florian Albert, Pele không thể thi đấu, Brazil thua 1-3.
Trận quyết định gặp Bồ Đào Nha của Eusebio, Brazil phải thắng thì mới lọt được vào vòng sau, bởi vậy huấn luyện viên Feola không có lựa chọn nào khác là vẫn phải mạo hiểm tung Pele, khi ấy vẫn còn khập khiễng, vào sân. Các cầu thủ Bồ Đào Nha nhanh chóng nhận thấy chìa khoá của chiến thắng là loại Pele ra khỏi cuộc chơi.
Người được giao nhiệm vụ đó là hậu vệ Morais và cầu thủ này thực hiện nhiệm vụ của mình “nhiệt tình” đến nỗi Pele ra khỏi sân trên cáng cứu thương. Brazil bị Bồ Đào Nha “vùi dập” với tỷ số thua 1-3, trắng tay rời khỏi giải ngay từ vòng đấu bảng. Có lẽ đó chính là thời điểm đen tối nhất trong sự nghiệp của Pele. Pele đã buồn bã thốt lên: “Bóng đá đã bị bạo lực làm cho trở nên dị dạng. Tôi không muốn trở thành một phế nhân”.
Sau giải đấu bi kịch này, Pele đã nghĩ đến chuyện từ giã sắc áo Selecao, chỉ tập trung chơi cho Santos. Nhưng rồi Pele nghĩ lại, để 4 năm sau, lần thứ 4 có mặt tại một World Cup, trên đất Mexico.