Sáng 3/4, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người dẫn đầu phái đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc, đã có mặt ở văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ tại Washington, nơi chỉ cách Nhà Trắng vài bước chân và được đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer tiếp đón trọng thể.
Đó cũng là ngày một phụ nữ Trung Quốc, mang theo USB chứa phần mềm độc hại, bị bắt trong khuôn viên khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống Trump tại Florida. Nhưng bất chấp sự kiện chấn động trên, cả ông Lưu và ông Lighthizer đều bắt tay với những nụ cười thân thiện. Tới lúc này, sau hàng loạt cuộc gặp gỡ và đối thoại trong các vòng đàm phán, họ đã có cảm giác như những người thân quen.
Đến ngày 5/4 (theo giờ Trung Quốc, vẫn còn ngày 4/4 ở Mỹ), Tân Hoa xã đưa tin ông Tập kêu gọi "kết thúc sớm đàm phán thương mại". Nhưng Nikkei Asia Review nhận định Trung Quốc sẽ không dễ dàng nhượng bộ Mỹ ở nhiều điểm và đàm phán khó có thể kết thúc sớm.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer chào đón Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Washington hôm 3/4. Ảnh: Getty. |
Khi nào ông Trump gặp ông Tập?
Ông Lưu có nhiệm vụ khó khăn là tìm ra sự đồng thuận để tạo điều kiện cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Tập và ông Trump vào cuối tháng này. Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là ưu tiên một chuyến thăm Mỹ, để lại những đàm phán thương mại ở phía sau trước khi tổ chức Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 2 tại Bắc Kinh vào cuối tháng 4. Để điều này thành hiện thực, ông Lưu sẽ phải cố gắng hết sức để đạt được một thỏa thuận, hoặc ít nhất là thứ gần giống một thỏa thuận đầy đủ, trong thời gian sớm nhất có thể.
Phía Trung Quốc cũng được cho là đang chờ đợi một lời mời chính thức từ Washington theo thông lệ ngoại giao. Thời gian đang không đứng về phía ông Lưu.
Các quan chức chính quyền Trump đã ca ngợi về những tiến bộ trong quá trình đàm phán với Trung Quốc, nhưng cũng giống như cuộc gặp thượng đỉnh gần đây giữa Mỹ và Triều Tiên, đàm phán thương mại có thể đổ vỡ nếu những yêu cầu của Washington không được đáp ứng.
"Trung Quốc sẽ không đưa ra những nhượng bộ đơn phương. Hãy chú ý tới khả năng một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung tại Nhật Bản", một nguồn tin nói với Nikkei Asia Review.
Một cuộc gặp thượng đỉnh như vậy sẽ trùng hợp với sự kiện được lên lịch trình từ trước của hội nghị G20 tại Osaka, Nhật Bản vào 28-29/6. Cả ông Trump và ông Tập sẽ có mặt ở sự kiện này, và đây là cơ hội tuyệt vời để hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp riêng.
Nếu Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thể đưa ra một thỏa thuận thương mại vào tháng 6, mọi ánh mắt sẽ đổ dồn về cuộc gặp G20 tại Osaka.
Bắc Kinh còn một lựa chọn khác là tổ chức cuộc gặp sớm hơn một tháng, vào cuối tháng 5. Tổng thống Donald Trump có kế hoạch thăm chính thức Nhật Bản vào thời gian đó, ông Trump sẽ là vị nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên đến Nhật Bản trong triều đại mới của quốc gia này - có tên là Reiwa, sẽ bắt đầu từ ngày 1/5.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón tổng thống Mỹ và phu nhân tại Bắc Kinh hồi tháng 11/2017. Ảnh: Reuters. |
Mặc dù đường đi từ Nhật Bản đến Trung Quốc là rất dễ dàng, mọi chuyện lại khá phức tạp vì ở lần gần nhất, ông Trump đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc vào tháng 11/2017, và theo thông lệ ngoại giao thì bây giờ đến lượt Chủ tịch Tập thăm Mỹ.
Thêm vào đó, dựa trên những căng thẳng an ninh gần đây giữa Trung Quốc và Đài Loan, với sự kiện máy bay quân sự Trung Quốc vượt qua "đường trung tuyến" phân định hòn đảo và đại lục, sẽ rất khó để ông Trump phá vỡ thông lệ ngoại giao mà bay tới Trung Quốc.
Nhượng bộ nhưng không vội vàng
Mặc dù vậy, Bắc Kinh dường như đã có nhượng bộ nhất định trước các yêu cầu của Washington, với việc quốc hội Trung Quốc hồi tháng 3 đã thông qua dự thảo luật đầu tư nước ngoài mới, thừa nhận những thiếu sót của chính phủ trong việc bảo vệ tài sản và sở hữu trí tuệ của nhà đầu tư nước ngoài.
Luật mới sẽ cấm hành vi ép buộc chuyển giao công nghệ, và mặc dù đây được coi là động thái để xoa dịu sức ép từ Washington, phải tới ngày 1/1 năm sau điều luật mới có hiệu lực. Việc kéo dài thời gian thực thi luật này cho thấy Bắc Kinh, dù chấp nhận nhượng bộ, nhưng không hề vội vàng thực hiện những nhượng bộ này.
"Sẽ phải mất khoảng 2 năm để luật đầu tư nước ngoài mới có những tác động thật sự", một chuyên gia về luật cho biết.
Thêm một vấn đề khác, đó là việc cấm chuyển giao công nghệ chỉ áp dụng với các cơ quan nhà nước, trong khi trên thực tế các công ty tư nhân mới là bên gây áp lực để các nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ. Các hiệp hội của công ty nước ngoài tại Trung Quốc đã nhiều lần chỉ ra điều này, nhưng ý kiến của họ đã không được xem xét.
Ở Washington, ông Lighthizer và các thành viên khác của đoàn đàm phán Mỹ có nhiều kinh nghiệm trong quan hệ Mỹ - Trung và đã quen với rất nhiều vấn đề mà họ gặp phải, trong đó có việc Bắc Kinh không thi hành các điều luật mà họ cam kết trước đó.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trả lời câu hỏi của phóng viên trong buổi họp báo kết thúc phiên họp cuối cùng của đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc hôm 15/3. Ảnh: Reuters. |
Vì vậy Mỹ đang yêu cầu thực thi một cơ chế xác minh, trong đó bao gồm các cuộc gặp mặt định kỳ, đánh giá quá trình thực hiện và xử phạt nếu có vi phạm. Trong khi đó, Trung Quốc coi điều này là sự can thiệp không thể chấp nhận được vào công việc nội bộ.
Điều này cho thấy vẫn còn nhiều khác biệt cần phải hòa giải trong quá trình đàm phán thương mại giữa hai bên. Nhưng sẽ phải mất thời gian đáng kể để đưa ra các chi tiết cụ thể và cách dùng từ trong hàng nghìn văn bản liên quan. Rút kinh nghiệm từ quá khứ, lần này Mỹ được cho là không chấp nhận sự khác biệt dù chỉ là nhỏ nhất trong phiên bản tiếng Trung và tiếng Anh của các tài liệu.
Đối đầu sẽ kéo dài?
Các dấu hiệu từ Bắc Kinh cho thấy cuộc đối đầu vẫn có thể kéo dài, mới đây nhất, tạp chí của đảng Cộng sản Trung Quốc đã bất ngờ đăng lại bài phát biểu cách đây 6 năm của ông Tập về việc "hợp tác và cạnh tranh với các quốc gia tư bản chủ nghĩa". Đây là động thái được cho là gửi thông điệp đến Washington về cuộc chiến thương mại, cho rằng Bắc Kinh sẽ là bên giành thắng lợi cuối cùng.
Ông Tập được cho là đã đặt ra thời hạn để Trung Quốc vượt Mỹ vào năm 2049 - thời điểm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trên con đường tới cột mốc đó, Trung Quốc cũng sẽ nhắm tới việc bắt kịp nền kinh tế Mỹ vào năm 2035.
Phái đoàn Mỹ và Trung Quốc vẫn đang làm việc chăm chỉ để tiến tới một thỏa thuận thương mại giữa hai nước. Ảnh: AP. |
Điều này có nghĩa Trung Quốc không thể chấp nhận những yêu cầu của Mỹ, nếu những đòi hỏi đó làm lung lay nền tảng xã hội chủ nghĩa. Đối với Trung Quốc, việc loại bỏ các tập đoàn nhà nước và thực hiện những thay đổi cấu trúc căn bản sẽ không bao giờ diễn ra.
Điều quan trọng với Trung Quốc là "sự ổn định chính trị", thứ sẽ giúp giữ vững hệ thống xã hội chủ nghĩa - hệ thống mà theo tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình là sẽ giành thắng lợi trước chủ nghĩa tư bản.
Nếu cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung diễn ra, rất có thể tại Nhật Bản, bất cứ thỏa thuận nào mà hai bên ký kết nhiều khả năng sẽ không bền vững. Cả Washington và Bắc Kinh đều đối mặt với con đường nhiều trở ngại phía trước để đạt được một thỏa thuận ổn định trong dài hạn.