Đang mắc kẹt trong một cuộc chiến thương mại kéo dài, Mỹ và Trung Quốc còn lặng lẽ đối đầu ở một mặt trận khác để cạnh tranh tầm ảnh hưởng siêu cường, đó là cuộc đua xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng chiến lược trên toàn cầu.
Việc Italy trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), được cho là bước tiến đáng kể đối với Trung Quốc. Về phần mình, Washington cũng tiết lộ kế hoạch “Chiến lược Châu Á – Thái Bình Dương” để thúc đẩy những dự án cơ sở hạ tầng ở châu Á, với sự hỗ trợ của các đồng minh khu vực như Nhật Bản hay Australia.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte tại thủ đô Roma ngày 23/3, hai nước đã ký các thỏa thuận hợp tác trị giá 2,5 tỷ USD. Ảnh: Reuters. |
Đối trọng của Ngân hàng Thế giới
Tới nay, đây mới chỉ là cuộc cạnh tranh về chính sách giữa hai chính phủ, nhưng hiện tại, nó đã kéo theo hai tổ chức hỗ trợ phát triển quốc tế.
BRI vốn được coi là kế hoạch đảm bảo sự tiếp cận chiến lược của Trung Quốc đến khu vực Đông và Tây Âu thông qua Trung Á, bằng các tuyến cao tốc, đường sắt và cảng mới, đang phải đối mặt với phản ứng ngày càng mạnh mẽ của Mỹ và các đồng minh chủ chốt.
Nhưng để hiện thực hóa những chính sách đầy tham vọng này, cả Washington và Bắc Kinh cần một sự triển khai quy trên mô toàn cầu của thể chế và sức mạnh tài chính.
Đối với Liên minh châu Âu (EU), sự xuất hiện của các công trình thuộc hệ thống BRI không đáng chú ý bằng sự hiện diện của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Ngân hàng do Trung Quốc đứng sau này từ trước tới giờ đã cố gắng tránh một sự liên hệ chặt chẽ về mặt hình ảnh với BRI vì không muốn bị coi là công cụ kinh tế của Bắc Kinh.
Trong những bình luận sau khi AIIB ra mắt, chủ tịch ngân hàng này, ông Kim Lập Quần nhấn mạnh tổ chức này tách biệt khỏi BRI. "Chắc chắn là AIIB có liên quan (đến BRI) nhưng chúng không phải là là một", ông Kim trả lời trong một cuộc phỏng vấn và cho biết AIIB "hoạt động ở nhiều quốc gia hơn trên khắp thế giới".
Sự thận trọng của ông Kim liên quan đến mục tiêu của AIIB nhằm được xếp hạng tín dụng AAA bởi các tổ chức tín dụng quốc tế, và ngân hàng không được tập trung quá nhiều vào một nhóm hạn chế những con nợ nhất định. AIIB trong thời gian qua đã đạt được mức xếp hạng tín dụng này.
Các chuyên gia tài chính thế giới từ lâu đã nhận thấy AIIB và BRI liên kết chặt chẽ như một cặp song sinh dính liền, và về mặt tài chính có thể nói rằng vai trò của chúng bổ sung lẫn nhau.
Với tham vọng kết nối một nửa trái đất bằng những công trình giao thông, BRI cần nguồn tài chính ở mức độ thậm chí lớn hơn số dự trữ ngoại tệ trị giá 3.000 tỷ USD của Trung Quốc. AIIB sẽ được trang bị những phương tiện để cung cấp số vốn khổng lồ đó thông qua khả năng tiếp cận thị trường trái phiếu toàn cầu.
Trong khi đó, BRI không phải là một sáng kiến như vậy, trên lý thuyết nó là một tập hợp các thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và các quốc gia có dự án thuộc BRI. Không có ràng buộc nào về mặt pháp lý giữa các bên.
AIIB có 69 cổ đông dưới dạng các chính phủ, và 24 thành viên triển vọng, tất cả đều có tầm ảnh hưởng đến chính sách cho vay để xây dựng những dự án BRI. Về mặt này, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các bên.
Ông Kim Lập Quần, chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Ảnh: Reuters. |
Phản ứng của Mỹ
Vào tháng 12/2018, thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Xây dựng, trong đó cam kết đầu tư 60 tỷ USD để phát triển các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, động thái dường như để đối trọng sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc và BRI.
Đạo luật này sẽ tạo ra một cơ quan mới có tên Cơ quan Phát triển Tài chính Quốc tế Mỹ, điều hành Cơ quan Đầu tư Nước ngoài (OPIC) và các cơ quan phát triển khác của chính phủ.
Những cơ quan này sẽ cho vay vốn để phát triển các dự án năng lượng, cảng và cơ sở hạ tầng liên quan đến nước ở các quốc gia đang phát triển.
Các quan chức Mỹ từng bày tỏ sự quan ngại về những quốc gia trở thành nạn nhân khi mắc kẹt trong “bẫy nợ” của Trung Quốc và sẽ từ bỏ sự kiểm soát các cơ sở quan trọng như bến cảng và đường cao tốc, khi họ không thể trả nợ các khoản vay từ Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, Mỹ, Nhật Bản và Australia cũng ký một hiệp định đối tác 3 bên vào năm 2018 nhằm hỗ trợ đầu tư một cách hệ thống các cơ sở hạ tầng và dự án chiến lược ở khu vực liên Ấn Độ - Thái Bình Dương chính là để phản ứng trước BRI của Trung Quốc, và khiến cuộc chạy đua trở nên căng thẳng hơn. Ấn Độ nhiều khả năng cũng sẽ tham gia cùng với Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Thêm vào đó, Washington cũng thúc đẩy một sự thay đổi để giành lợi thế trong cuộc đua này, với vị trí người đứng đầu Ngân hàng Thế giới (WB). Ông Kim Jim Yong đột ngột từ chức chủ tịch WB hồi tháng 2, khi còn tận hơn 2 năm nữa nhiệm kỳ của ông mới kết thúc.
Không có lý do nào được đưa ra ngoại trừ chia sẻ của ông Kim về việc mong muốn chinh phục những thách thức mới với vai trò hấp dẫn ở một quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng. Đề cử của ông Trump cho vị trí này là David Malpass, thứ trưởng tài chính Mỹ về các vấn đề quốc tế, trong bối cảnh không có một đề cử nào khác.
Đáng chú ý là ông Malpass cũng từng là một người tham gia đàm phán thương mại, và từng chỉ trích mạnh mẽ WB trước đây. “Quốc gia vay tiền nhiều nhất của Ngân hàng Thế giới là Trung Quốc”, ông Malpass phát biểu vào năm 2017.
David Malpass, đề cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho vị trí chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Ảnh: AP |
“Thật không hợp lý khi tiền được vay ở Mỹ, sử dụng bảo lãnh của chính phủ Mỹ, được đem tới cho vay ở Trung Quốc, một quốc gia có những nguồn lực khác và cũng có sự tiếp cận với thị trường vốn… Vì vậy, một trong những điều mà chúng tôi muốn Ngân hàng Thế giới làm là xếp hạng các quốc gia, khi họ đã thành công rồi, hãy giảm khoản vay cho họ và đưa tới những quốc gia cần vay hơn”, ông Malpass phát biểu trong một buổi hội thảo tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.
Sẽ rất bất ngờ nếu như Ngân hàng Thế giới không mang một quan điểm gần với ông Trump hơn trong tương lai. Điều này có nghĩa là cơ quan này có thể cho vay nhiều hơn để xây dựng cơ sở hạ tầng, một cách song song hoặc cạnh tranh với AIIB.