Việc Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ nền kinh tế sẽ phản tác dụng, theo Bùi Mẫn Hân, giáo sư về quản lý công ở Đại học Claremont McKenna (Mỹ) và nhà nghiên cứu cao cấp ở Quỹ German Marshall của Mỹ.
“Cho đến giờ, Trung Quốc vẫn không tận dụng cơ hội để làm điều nên làm”, ông Pei nói với South China Morning Post bên lề hội thảo đầu tư châu Á của ngân hàng Credit Suisse ở Hong Kong.
“Trung Quốc đã sẵn sàng nhượng bộ trong việc nhập thêm hàng hóa, và có thể cải thiện việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng những điều đó sẽ không cải thiện cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc”.
Ông Bùi Mẫn Hân, giáo sư về quản lý công ở Đại học Claremont McKenna và nhà nghiên cứu cao cấp ở Quỹ German Marshall của Mỹ. Ảnh: South China Morning Post. |
Ông Bùi Mẫn Hân cho rằng đang tồn tại “nhiều sự méo mó” trong nền kinh tế Trung Quốc vì nước này đã cố gắng tránh chu kỳ tăng trưởng và suy thoái mà bất kỳ nền kinh tế nào cũng phải trải qua một cách tự nhiên. “Lịch sử cho thấy suy thoái sẽ xảy ra - bạn đẩy lùi nó càng lâu, tổn thất sẽ càng lớn. Đợt suy thoái tiếp theo sẽ tồi tệ nhất trong lịch sử Trung Quốc thời kỳ gần đây”, ông Bùi cho biết.
Ông Bùi Mẫn Hân, tác giả cuốn sách Chủ nghĩa tư bản thân hữu ở Trung Quốc: Một chế độ đang khủng hoảng, tin rằng Trung Quốc không thể từ bỏ kiểm soát nền kinh tế hay giới hạn khu vực nhà nước một cách đáng kể vì không sẵn sàng thay đổi về chính trị.
Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ đạt được thỏa thuận ngắn hạn khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đến Washington trong tuần này, nhưng đây không phải là giải pháp mang tính căn bản cho căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trung Quốc đang trong quá trình mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng ông Bùi cho rằng chiến tranh thương mại sẽ khiến nước này càng thêm đóng cửa với thế giới. Trung Quốc sẽ phải lựa chọn giữa từ bỏ bớt kiểm soát để nền kinh tế giàu có hơn, hoặc cố giữ sự kiểm soát nhưng nghèo hơn.