Trong vòng 10 năm tới, nếu chiến tranh thương mại vẫn tiếp diễn, nền kinh tế Mỹ sẽ chịu thiệt hại ít nhất 1.000 tỷ USD. Đây là cảnh báo được đưa ra trong báo cáo mới nhất của Phòng Thương mại Mỹ.
Báo cáo được thực hiện dựa trên phân tích số liệu thu thập được từ tác động kinh tế sau những đòn trả đũa thuế quan qua lại giữa Bắc Kinh và Washington tới nay, đồng thời tính toán tác động tích lũy trong trường hợp thuế trừng phạt đánh lên 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, hiện ở mức 10%, được tăng lên 25%.
Kinh tế Mỹ sẽ thiệt hại nặng
Các mô hình tính toán chỉ ra các hàng rào thuế quan sẽ làm giảm đáng kể tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ, cũng như tác động tiêu cực tới đầu tư và việc làm. Trong khi đó, hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ tăng giá, khiến cho các sản phẩm của Mỹ mất đi tính cạnh tranh tại các thị trường nước ngoài, đồng thời người dân Mỹ sẽ phải chi nhiều tiền hơn cho mua sắm.
"Trong 5 năm sau khi các biện pháp thuế quan được thực hiện, GDP hàng năm của Mỹ sẽ giảm từ 64 tỷ USD đến 91 tỷ USD (tương đương 0,3-0,5%) so với tiềm năng cơ bản", báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ chỉ ra.
Phái đoàn Mỹ và Trung Quốc đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận thương mại song phương. Ảnh: SCMP. |
Trong 1 thập kỷ, tác động lũy kế sẽ khiến GDP giảm tổng cộng 1.000 tỷ USD so với mức tiềm năng nếu không áp dụng các chính sách thuế quan. Trong khi đó, theo ước tính, nền kinh tế Mỹ đạt khoảng 20.000 tỷ USD vào cuối năm 2018.
Báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ cho thấy công nghệ thông tin viễn thông (ICT) là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của chiến tranh thương mại. Trong 5 năm, hàng hóa ICT xuất khẩu, từ vi mạch, máy tính xách tay, đến sản phẩm bán dẫn, sẽ thấp hơn 20% so với mức trước chiến tranh thương mại.
Điều này được lý giải là bởi thuế nhập khẩu cao hơn sẽ tác động lớn tới các nhà sản xuất của Mỹ phụ thuộc vào nguyên vật liệu giá rẻ từ Trung Quốc. Báo cáo chỉ ra rằng 49% hàng hóa nhập khẩu là đối tượng của mức thuế mới là hàng hóa trung gian, sau đó chúng được các nhà sản xuất Mỹ sử dụng để tạo ra sản phẩm hoàn thiện.
Ngành công nghệ cao giữa tâm bão
Trong tháng 7 và 8/2018, Mỹ đã áp dụng thuế 25% đánh lên một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD. Tới tháng 9/2018, Washington bổ sung mức thuế 10% lên các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá tới 200 tỷ USD. Mức thuế 10% này dự kiến được tăng lên 25% trong tháng 1, nhưng kế hoạch này sau đó được lùi lại tới cuối tháng 3 nhờ một số tiến triển trong quá trình đàm phán thương mại.
Đáp trả Washington, Bắc Kinh áp thuế 25% với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 50 tỷ USD, đồng thời có các biện pháp thuế quan ở mức từ 5-10% với nhiều hàng hóa nhập khẩu khác trị giá 60 tỷ USD.
Các sản phẩm điện tử trung gian là hàng hóa phổ biến nhất trong danh sách đối tượng của các lệnh áp thuế trừng phạt qua lại của hai nước, nổi bật là vi xử lý máy tính, bảng mạch, các bộ phận của sản phẩm bán dẫn và sợi cáp quang.
Các sản phẩm điện tử trung gian bị ảnh hưởng nặng bởi các biện pháp thuế quan. Ảnh: CNBC. |
Phòng Thương mại Mỹ nhận định chiến tranh thương mại sẽ gây thiệt hại cho ngành sản xuất ICT của Trung Quốc. Tuy nhiên, người chiến thắng thực sự không phải là Mỹ mà lại là Canada và Mexico khi các doanh nghiệp Mỹ sẽ chuyển hướng tìm nguồn cung sang 2 thị trường này. Các nước Đông Á khác cũng sẽ hưởng lợi khi các doanh nghiệp tìm địa điểm đặt nhà máy sản xuất, nhằm tránh thuế trừng phạt của Mỹ.
Báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ là nghiên cứu mới nhất cho thấy ngành công nghiệp công nghệ cao của Mỹ sẽ chịu thiệt hại từ chiến tranh thương mại.
Tháng 9/2018, Quỹ Sáng tạo và Công nghệ thông tin Mỹ đã chỉ ra thuế đánh vào hàng công nghệ Trung Quốc "sẽ gây nguy hại tới những lợi ích cơ bản đáng kể mà công nghệ điện toán đám mây có thể mang lại cho nền kinh tế Mỹ".
Tổ chức này cho biết mức thuế 25% đánh vào các tổ hợp bảng mạch in, cấu phần thiết yếu của các máy chủ dữ liệu, "sẽ khiến giá thành tăng 6% và giảm sức tiêu thụ 12% trong năm 2019".
Cuối năm 2018, giá cổ phiếu Apple sụt giảm mạnh, hệ quả của việc công ty này cắt giảm dự báo doanh thu mà phần lớn nguyên nhân do doanh số bán hàng sụt giảm tại Trung Quốc. CEO Tim Cook đã đổ lỗi một phần cho chiến tranh thương mại.
"Chúng tôi tin rằng môi trường kinh doanh ở Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ", CEO Apple viết trong bức thư gửi tới các cổ đông tháng 1 vừa qua.
Tạo liên minh quốc tế thách thức Trung Quốc
Trong bức thư gửi tới Bộ trưởng Thương mại Steven Mnuchin tháng 4/2018, Chủ tịch Hội đồng Công nghiệp công nghệ quốc tế Dean Garfield cho rằng "Trung Quốc đã lợi dụng đặc quyền với tư cách thành viên WTO", đồng thời ủng hộ hoàn toàn các biện pháp điều tra cần thiết. Tuy nhiên, ông Garfield cho biết không thể ủng hộ "việc quá chú trọng sử dụng các biện pháp thuế quan" để giải quyết vấn đề Bắc Kinh.
"Thay vì các biện pháp thuế quan, chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc xây dựng một liên minh quốc tế để thách thức Trung Quốc tại WTO và có các biện pháp khác", ông Garfield nhấn mạnh.
Nhiều nhà quản lý, điều hành các công ty công nghệ Mỹ đã lên tiếng cảnh báo thiệt hại mà chiến tranh thương mại gây ra cho doanh nghiệp của họ sau khi các biện pháp thuế quan được áp dụng từ tháng 7/2018.
CEO Apple Tim Cook nói chuyện với Tổng thống Trump tại buổi tọa đàm về công nghệ năm 2017. Ảnh: Getty. |
"Thuế đánh vào các hàng hóa có mặt trong nhiều sản phẩm mạng cốt lõi của chúng tôi, vì thế nó gây tác động rất lớn", Chủ tịch Cisco Chuck Robbins cho biết hồi tháng 9/2018.
Tỷ phú Bill Gate thì miêu tả căng thẳng thương mại là điều "hãi hùng", ông cho rằng việc các nước co mình lại và dựng lên các rào cản thuế quan sẽ khiến nền kinh tế thế giới không thể vận hành trơn tru.
Trong khi đó, CEO của tập đoàn sản xuất máy tính DELL Michael Dell cho rằng Mỹ và Trung Quốc đang cùng đi trên con đường dẫn tới "sự diệt vong" nếu quan hệ thương mại song phương đổ vỡ.
"Đây sẽ là kết quả cực kỳ tồi tệ cho cả hai nước", ông Dell trả lời CNBC. Trung Quốc và Mỹ là hai thị trường tiêu thụ lớn nhất các sản phẩm của DELL.
Ngoài báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ, nhiều báo cáo của các tổ chức khác chỉ ra Trung Quốc sẽ là bên chịu thiệt hại nhiều hơn nếu chiến tranh thương mại kéo dài.
Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, việc Washington theo đuổi kế hoạch tăng thuế lên 25%, phản ứng của thị trường tài chính cùng tác động tiêu cực lên niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, sẽ khiến GDP của Trung Quốc sụt giảm 1,6%, cao gần gấp 3 lần mức suy giảm 0,6% của Mỹ.
Dữ liệu thương mại chính thức của Trung Quốc cũng cho thấy nước này đã bắt đầu chịu thiệt hại từ căng thẳng với Mỹ. Trong tháng 2, sản lượng xuất khẩu đã suy giảm 20,7%, mức suy giảm lớn nhất trong 3 năm qua.
Riêng tại thị trường Mỹ, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm 14%, dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chững lại.