Cả thế giới đang chú ý đến cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc để chấm dứt chiến tranh thương mại. Tình trạng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm thị trường chao đảo trong những tháng vừa qua. Theo South China Morning Post, cuộc đàm phán Mỹ - Trung sau khi "đình chiến" đang tiến triển đúng hướng, nhưng rõ ràng hai bên sẽ không thể sớm đưa ra một thỏa thuận.
Trong lúc đó, rất nhiều quốc gia khác trên thế giới nhìn thấy cơ hội trong cuộc chiến này. Mexico và các quốc gia Đông Nam Á trở thành nơi thu hút các nhà sản xuất, vì họ có thể tránh được mức thuế chính phủ Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc.
Ngành công nghiệp xe hơi Nhật Bản cũng sẽ được lợi khi Bắc Kinh và Washington tăng thuế lên sản phẩm và linh kiện ôtô của nhau. Và với việc Trung Quốc hạn chế nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ, những nông dân trồng đậu tương của Brazil và Canada bỗng có cơ hội tiếp cận thị trường đông dân nhất thế giới.
Cơ hội mở rộng thị trường
"Nếu Việt Nam đang tăng trưởng mạnh vì dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc sang, tại sao chúng ta không thể?", Wall Street Journal trích lời Phó tổng thống Indonesia Jusuf Kalla phát biểu ở một diễn đàn hôm 8/1.
Xe buýt đưa công nhân đến làm việc tại nhà máy Samsung Thái Nguyên, với việc giá lao động Trung Quốc tăng cao, nhiều tập đoàn đã chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong vài năm trở lại đây, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung càng làm gia tăng xu hướng này. Ảnh: Reuters. |
Mặc dù vậy cuộc chiến thưxơng mại chưa ấn định hồi kết giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn mang lại tâm trạng bấp bênh cho thị trường toàn cầu, và khiến các kế hoạch làm ăn bị ảnh hưởng. Hầu hết quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đều ủng hộ việc dỡ bỏ các rào cản thương mại, và đặc biệt là rào cản với thị trường Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố một thỏa thuận "đình chiến" kéo dài 90 ngày bắt đầu từ ngày 1/12/2018. Các quan chức cấp vừa của hai nước đã gặp gỡ tại Bắc Kinh hồi đầu tuần này để khởi động thảo luận giải quyết bất đồng và chuẩn bị cho cuộc gặp của các phái đoàn cấp cao trong thời gian tới.
Rất nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Âu, có chung quan điểm với Washington và phàn nàn về các phương thức mà họ cho là cạnh tranh không công bằng của Bắc Kinh. Trong số này có việc ưu tiên các tập đoàn nhà nước, hạn chế tiếp cận thị trường của các tập đoàn nước ngoài và ép buộc chuyển giao công nghệ.
Để đối phó với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các nước trên thế giới đã thúc đẩy việc đàm phán hiệp định thương mại tự do mà không có cả 2 quốc gia này. Khi Tổng thống Trump rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, 11 nước còn lại trong đó có Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico và Việt Nam đã quyết định tiếp tục thỏa thuận này. Hiệp định thương mại song phương giữa Nhật Bản và EU cũng sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 2 này.
Mặc dù vậy thì đây chỉ có thể được coi là những bước đi mang tính đối phó vì trên thực tế, đối với một quốc gia, không có thị trường nào có thể thay thế được Mỹ hoặc Trung Quốc.
Tại khu vực Đông Nam Á, các quốc gia ở khu vực này dựa rất nhiều vào dòng trung chuyển hàng hóa và chuỗi cung ứng với thị trường Mỹ và Trung Quốc.
"Cần giải quyết càng sớm càng tốt"
Bà Deborah Elms, giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại châu Á, một tổ chức nghiên cứu chính sách thương mại ở Singapore, nhận định: "Quan điểm chung cho rằng xung thương mại là điều xấu và cần được giải quyết càng sớm càng tốt. Nhiều quan chức cho rằng cuộc chiến thương mại kéo dài sẽ khiến các công ty rời bỏ Trung Quốc.".
Việc giá lao động Trung Quốc tăng cao trong nhiều năm đã khiến các công ty bắt đầu chuyển dịch nhà máy và dây chuyền sang Việt Nam, Campuchia và Bangladesh. Cuộc chiến thương mại với Mỹ trở thành một động lực mới thúc đẩy xu hướng này.
Ở nhiều nơi khác trên thế giới, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được kỳ vọng sẽ kích thích xuất khẩu nông nghiệp của một số nước như Brazil và Canada. Nhưng trong lĩnh vực này, sự bất ổn thị trường, dù mang lại lợi ích ngắn hạn, lại không phải là tín hiệu tích cực về lâu dài.
Brazil xuất khẩu 10 triệu tấn đậu tương nhiều hơn so với kế hoạch do Trung Quốc hạn chế nhập khẩu loại nông sản này từ Mỹ. Ảnh: Bloomberg. |
"Nhiều người cho rằng sẽ có cơ hội cho nhà sản xuất Canada để nhảy vào chỗ trống mà Mỹ để lại ở thị trường Trung Quốc", ông Mark Agnew, giám đốc cấp cao về chính sách quốc tế của Phòng Thương mại Canada, cho biết. Nhưng theo chuyên gia này, vấn đề là dù một sản phẩm nông nghiệp Mỹ không tới được Trung Quốc, nó cũng sẽ xuất hiện ở đâu đó, và làm giảm giá loại sản phẩm này trên toàn cầu.
"Điều đó là mối đe dọa với các doanh nghiệp Canada", ông Agnew nhận định.
Những nông dân trồng đậu tương ở Brazil đã xuất khẩu 10 triệu tấn nhiều hơn so với dự kiến trong năm 2018. Nhưng những nhà nhập khẩu nước này cho biết họ mong muốn sự ổn định thay vì những cơ hội ngắn hạn, và mong muốn cuộc xung đột này sẽ chấm dứt.
Ông Sergio Mendes, tổng giám đốc Hiệp hội Xuất khẩu Ngũ cốc Quốc gia Brazil, cho biết: "Mọi diễn biến mới đều tạo nên sự không chắc chắn, và đó là thứ mà chúng tôi không thích nhất ở lĩnh vực này".
Đối với Nhật Bản, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến họ phải đứng giữa hai lựa chọn, một bên là đồng minh chiến lược lâu năm, và bên còn lại là quan hệ kinh tế với thị trường lớn nhất thế giới.
Ông Akihiko Yasui, người phụ trách châu Âu và Mỹ tại Viện nghiên cứu Mizuho ở Tokyo, nhận định: "Cả Trung Quốc và Mỹ đều là thị trường quan trọng với Nhật Bản. Sẽ không tốt nếu Nhật Bản bị đặt vào tình thế phải chọn một bên".
Ở châu Âu, mặc dù chính phủ các nước chia sẻ sự quan ngại với Washington về những phương thức cạnh tranh không công bằng của Trung Quốc, họ không đồng ý với cách làm của ông Trump.
Nhà Trắng quyết định tăng thuế trước khi ngồi vào bàn đàm phán, còn Liên minh châu Âu kêu gọi bắt đầu bằng đối thoại. Theo Brussels, việc củng cố hệ thống luật pháp quốc tế là cách duy nhất để hạn chế các biện pháp thương mại không công bằng của Bắc Kinh.