Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ hôm 8/1 xác nhận cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc tại Bắc Kinh để giải quyết chiến tranh thương mại sẽ kéo dài thêm một ngày, so với kế hoạch 2 ngày ban đầu.
Đây là lần đầu tiên hai bên ngồi lại với nhau kể từ các nhà lãnh đạo đồng ý đình chiến trong 90 ngày để tìm ra giải pháp, bắt đầu từ ngày 1/12. Việc thương thảo đã kéo dài đến đêm muộn hôm 8/1 (giờ Bắc Kinh), theo South China Morning Post.
Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Phó đại diện thương mại Jeffrey Gerrish. Ảnh: AFP. |
Trên Twitter hôm 8/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói cuộc đàm phán đang diễn ra "rất tốt". Song cho đến nay, quan chức của cả hai bên không cung cấp nhiều thông tin về quá trình thương thảo, ngoại trừ một tấm ảnh bị rò rỉ cho thấy sự xuất hiện ngoài dự đoán của Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại cuộc gặp được thiết kế ở cấp thứ trưởng.
Theo bà Claire Reade, cựu trợ lý đại diện thương mại Mỹ về vấn đề Trung Quốc thời Tổng thống Obama, cho rằng việc đàm phán kéo dài qua ngày thứ ba là dấu hiệu cho thấy "mọi thứ vẫn chưa đi đến đâu và họ tin rằng cần thiết phải nói chuyện thêm nữa".
"Nếu họ dừng lại sau 2 ngày và mọi người nói 'dẹp đi' thì đó mới không phải là chuyện tốt", bà nói.
Song theo bà Reade, việc kéo dài như vậy, bà nói là chuyện phổ biến trong các cuộc đàm phán thương mại, cũng có thể là bằng chứng về "một động thái rất điển hình, đau đớn và dồn nén của Trung Quốc để thử thách sự cương quyết và kiên định của Mỹ trong những lĩnh vực cụ thể".
"Phía Trung Quốc có lẽ muốn cố thả những quả bóng thử nghiệm các cách tiếp cận mà phía Mỹ có thể nhanh chóng bắn hạ", bà nói thêm.
Bà cũng cho rằng phái đoàn Mỹ có thể nói rõ với phía Trung Quốc rằng những đề xuất nào là không thể chấp nhận với chính quyền Trump, dù họ không có nhiều quyền lực dưới sự lãnh đạo của một tổng thống "đã tuyên bố thẳng thừng rằng ông mới là người quyết định thỏa thuận với bất kỳ nước nào đó là tốt hay chưa".