Trong sắc lệnh do ông Putin ký hôm 21/2, Bộ Quốc phòng được chỉ đạo nối lại chức năng "gìn giữ hòa bình" ở vùng ly khai Donetsk và Luhansk của Ukraine.
Moscow chưa công bố thêm thông tin hoặc về ngày điều binh, còn sắc lệnh chỉ cho biết "có hiệu lực kể từ ngày ký".
Cũng theo sắc lệnh, Tổng thống Putin chỉ đạo Bộ Ngoại giao "thiết lập quan hệ ngoại giao" với hai "nhà nước cộng hòa" mà Nga vừa công nhận.
Văn bản này "tạo cơ sở pháp lý" cho sự hiện diện của quân đội Nga trên hai khu vực ly khai của Ukraine, nhằm "bảo đảm hòa bình và duy trì an ninh".
CNN dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ cho rằng quân đội Nga có thể di chuyển sớm nhất vào tối 21/2, hoặc hôm sau, để tới Donbas thực hiện nhiệm vụ mà Moscow gọi là sứ mệnh “gìn giữ hòa bình”.
Việc điều binh của Nga mở ra khả năng Mỹ và các quốc gia phương Tây áp đặt trừng phạt, AP nhận định.
Một đoàn gồm xe bọc thép, xe tải quân sự và xe tiếp tế của Nga cách biên giới với Ukraine hơn 95 km hôm 21/2. Ảnh: NYT. |
Giới chức Mỹ đang chờ đợi chuyển động quân sự từ Nga, nói rằng các vòng đàm phán vẫn sẽ diễn ra, cho đến khi “xe tăng chuyển động”.
"Chúng tôi sẽ đánh giá những gì Nga làm", CNN dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ. Người này khẳng định lực lượng Nga đã bí mật hiện diện ở các khu vực ly khai trong suốt 8 năm qua.
Tuyên bố gửi quân của Điện Kremlin được đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông Putin công nhận nền độc lập của DNR và LNR.
DNR và LNR lần lượt là tên viết tắt cho “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa Nhân dân Lugansk”. Hai “nhà nước tự xưng” này do phe ly khai thân Nga lập ra ở vùng Donbas từ năm 2014.
Vùng Donetsk và Luhansk (vàng đậm) ở miền Đông Ukraine do lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát. Bản đồ: NYT. |
Căng thẳng Nga - Ukraine
Ukraine trong nhiều năm trở lại đây dần xa rời Nga và trở nên thân thiết với phương Tây. Quan hệ hai bên rạn nứt lớn sau bất ổn chính trị ở Ukraine vào năm 2014, thời điểm Moscow sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine.
Cùng năm 2014, phe ly khai thân Nga ở Đông Ukraine nổi dậy, lập ra hai nhà nước tự xưng tại Donbas. Giao tranh ác liệt giữa quân chính phủ và quân ly khai tại Donbas tạm chấm dứt sau khi có Thỏa thuận hòa bình Minsk 2 năm 2015.
Thỏa thuận Minsk 2 sau đó bế tắc vì Kyiv không muốn trao quy chế tự trị cho hai vùng ly khai, trong khi Nga quyết không trả quyền kiểm soát biên giới nếu Ukraine không chuyển giao quyền lực tại Donbas.
Từ cuối năm 2021, Nga bắt đầu tập trung quân đội gần biên giới với Ukraine, làm dấy lên lo ngại Moscow muốn tấn công nước láng giềng. Đáp trả, các nước phương Tây hỗ trợ nhiều khí tài quân sự cho Kyiv.
Theo BBC, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace ước tính 60% lực lượng mặt đất của quân đội Nga đang đóng gần biên giới của Ukraine với Nga và Belarus.
Điện Kremlin phủ nhận ý đồ tấn công. Những ngày qua, Nga thông báo rút bớt quân gần biên giới nhưng các nước phương Tây nghi ngờ thông tin này.
Tuần trước, quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn, với các loạt nổ súng và pháo kích.
Hôm 18/2, hai “nhà nước cộng hòa” tự xưng ở Luhansk và Donetsk, thuộc miền Đông Ukraine, tuyên bố sơ tán công dân tới Nga.
Ngày 19/2, hai vùng này ra lệnh tổng động viên, làm dấy lên lo ngại chiến sự sẽ căng thẳng hơn.