“Chúng tôi đã lường trước động thái như vậy từ Nga và sẵn sàng đáp trả ngay lập tức”, Reuters dẫn lời Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 21/2. "Tổng thống Biden sẽ sớm ban hành sắc lệnh hành pháp về cấm đầu tư, thương mại và tài chính mới của người Mỹ đến, từ hoặc trong khu vực DNR và LNR của Ukraine".
DNR và LNR lần lượt là tên viết tắt cho “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa Nhân dân Lugansk”. Hai “nhà nước tự xưng” này do phe ly khai thân Nga lập ra ở vùng Donbas từ năm 2014.
Lệnh cấm sẽ "trao thẩm quyền áp đặt biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ người nào hoạt động trong các khu vực đó của Ukraine", bà Psaki nói.
Bà Psaki cho biết sắp có thêm nhiều biện pháp nữa. Những biện pháp này tách biệt với các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và đồng minh đã chuẩn bị trong trường hợp Nga tấn công Ukraine.
Cùng ngày, Nhà Trắng thông báo tổng thống Mỹ đã phản đối quyết định của ông Putin trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymr Zelenskiy.
Ngoài ra, ông cũng thảo luận với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz về cách họ tiếp tục phối hợp phản ứng trong các bước tiếp theo. Cả 3 nhà lãnh đạo bày tỏ tình đoàn kết với Ukraine và khen ngợi phản ứng thận trọng của Ukraine cho đến nay.
Tổng thống Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập của hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine do Nga hậu thuẫn. Ảnh: Reuters. |
Cuối ngày 21/2 (giờ địa phương), truyền hình quốc gia Nga phát cảnh Tổng thống Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập của DNR và LNR.
Trong bài phát biểu, ông Putin nói Ukraine là một phần không thể tách rời trong lịch sử Nga, vùng đông Ukraine là miền đất của Nga từ thời xa xưa, theo Reuters. Sau khi công nhận độc lập của DNR và LNR, ông Putin cho biết sẽ tiến tới ký các thỏa thuận hợp tác với những lãnh đạo khu vực này.
Điện Kremlin cho biết ông Putin đã thông báo về quyết định này với những nhà lãnh đạo Pháp và Đức.
Thủ tướng Anh Boris Johnson là nhà lãnh đạo phương Tây lên tiếng chỉ trích hành động của Moscow sớm nhất. Ông nói bước đi của Nga là "sự vi phạm rành rành với chủ quyền và toàn vẹn của Ukraine".
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết các nước Liên minh châu Âu đã đồng ý áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt hạn chế "nhắm vào những người chịu trách nhiệm" về việc Nga công nhận các khu vực nổi dậy, theo Reuters.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng lên án bước đi của Moscow, nói điều đó vi phạm các thỏa thuận quốc tế mà Nga đã ký kết.
Trước đó, hôm 15/2, Hạ viện Nga đã thông qua dự luật cho phép công nhận độc lập với hai vùng ly khai trên. Ban đầu, ông Putin nói sẽ hoãn quyết định này, vì muốn giải quyết cuộc đối đầu hiện tại thông qua Thỏa thuận Minsk.
Theo thỏa thuận này, Kyiv phải trao quy chế tự trị cho hai vùng ly khai, trong khi Nga sẽ trả quyền kiểm soát biên giới. Tuy nhiên, thỏa thuận đang rơi vào bế tắc.