Cuối ngày 21/2 (giờ địa phương), truyền hình quốc gia Nga phát cảnh Tổng thống Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập của “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” (DNR) và “Cộng hòa Nhân dân Luhansk” (LNR). Hai “nhà nước tự xưng” này do phe ly khai thân Nga lập ra ở vùng Donbas thuộc miền Đông Ukraine từ năm 2014.
"Tôi cho rằng việc ngay lập tức công nhận độc lập và chủ quyền của 'Cộng hòa Nhân dân Donetsk' và 'Cộng hòa Nhân dân Luhansk' là cần thiết, và lẽ ra phải làm từ lâu", ông Putin nói.
Tổng thống Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập của hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine do Nga hậu thuẫn. Ảnh: Reuters. |
Mối đe dọa nếu Ukraine tham gia NATO
Trong bài phát biểu, ông Putin nói Ukraine là một phần không thể tách rời trong lịch sử Nga, vùng đông Ukraine là miền đất của Nga từ thời xa xưa, theo Reuters.
Nhà lãnh đạo Nga tự tin người dân sẽ ủng hộ quyết định này của ông, bất chấp cảnh báo của phương Tây rằng bước đi này là trái với luật pháp quốc tế, phá vỡ Thỏa thuận Minsk cũng như dập tắt nỗ lực đàm phán hòa bình.
Sau khi công nhận độc lập của DNR và LNR, ông Putin cho biết sẽ tiến tới ký các thỏa thuận hợp tác với những lãnh đạo khu vực này.
Ông Putin đồng thời chỉ trích NATO hoàn toàn phớt lờ những yêu cầu an ninh của Nga, đồng thời cảnh báo nếu Ukraine gia nhập NATO thì đó sẽ là "mối đe dọa trực tiếp" với Nga.
Tổng thống Putin nói Hiến pháp Ukraine vốn không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự, nhưng chính quyền Kyiv lại đi ngược lại để mời phương Tây xây căn cứ. Ông nói vũ khí từ phương Tây được đưa vào Ukraine ngày càng nhiều, còn Kyiv bị Washington lợi dụng để chống Nga.
Bên cạnh đó, ông Putin nói việc Ukraine muốn gia nhập NATO, để từ đó vũ khí và binh sĩ NATO sẽ được triển khai ở nước này, đặt ra nguy cơ an ninh trực tiếp rõ rệt cho Nga.
Vùng Donetsk và Luhansk (vàng đậm) ở miền Đông Ukraine do lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát. Bản đồ: New York Times. Việt hóa: Phương Linh. |
Phương Tây chỉ trích, chuẩn bị trừng phạt
Điện Kremlin cho biết ông Putin đã thông báo về quyết định này với những nhà lãnh đạo Pháp và Đức.
Thủ tướng Anh Boris Johnson là nhà lãnh đạo phương Tây lên tiếng chỉ trích hành động của Moscow sớm nhất. Ông nói bước đi của Nga là "sự vi phạm rành rành với chủ quyền và toàn vẹn của Ukraine".
Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói hành động của Nga cho thấy dấu chấm hết của Thỏa thuận Minsk, vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc. "Chúng tôi sẽ không để Nga vi phạm các cam kết quốc tế của mình mà không bị trừng phạt", bà Truss nói, theo AFP.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng lên án bước đi của Moscow, nói điều đó vi phạm các thỏa thuận quốc tế mà Nga đã ký kết.
Những người thân Nga tại thành phố Donetsk, Ukraine ăn mừng trước quyết định của Tổng thống Putin ngày 21/2. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm khoảng 35 phút với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ngay sau hành động của ông Putin.
Theo Reuters, một người phát ngôn Nhà Trắng nói diễn biến này là điều giới chức Mỹ đã tiên đoán, và sẵn sàng có phản ứng phù hợp tức thì.
Cả DNR và LNR đều khẳng định quân đội Ukraine đang lên kế hoạch tấn công để tái chiếm Donbas. Phía Ukraine bác bỏ cáo buộc này.
DNR và LNR chỉ chiếm đóng khoảng một nửa vùng Donbas nhưng khẳng định có quyền sở hữu đối với cả vùng lãnh thổ hiện dưới sự quản lý của quân chính phủ.
Tivi tại Phòng Báo chí ở Nhà Trắng phát tin thời sự việc Nga công nhận độc lập ở hai vùng ly khai tại Ukraine. Ảnh: Reuters. |
Hôm 15/2, Hạ viện Nga đã thông qua dự luật cho phép công nhận độc lập với hai vùng ly khai trên. Ban đầu, ông Putin nói sẽ hoãn quyết định này, vì muốn giải quyết cuộc đối đầu hiện tại thông qua Thỏa thuận Minsk.
Theo thỏa thuận này, Kyiv phải trao quy chế tự trị cho hai vùng ly khai, trong khi Nga sẽ trả quyền kiểm soát biên giới. Tuy nhiên, thỏa thuận đang rơi vào bế tắc.
Căng thẳng Nga - Ukraine
Ukraine trong nhiều năm trở lại đây dần xa rời Nga và trở nên thân thiết với phương Tây. Quan hệ hai bên rạn nứt lớn sau bất ổn chính trị ở Ukraine vào năm 2014, thời điểm Moscow sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine.
Cùng năm 2014, phe ly khai thân Nga ở Đông Ukraine nổi dậy, lập ra hai nhà nước tự xưng tại Donbas. Giao tranh ác liệt giữa quân chính phủ và quân ly khai tại Donbas tạm chấm dứt sau khi có Thỏa thuận hòa bình Minsk 2 năm 2015.
Thỏa thuận Minsk 2 sau đó bế tắc vì Kyiv không muốn trao quy chế tự trị cho hai vùng ly khai, trong khi Nga quyết không trả quyền kiểm soát biên giới nếu Ukraine không chuyển giao quyền lực tại Donbas.
Từ cuối năm 2021, Nga bắt đầu tập trung quân đội gần biên giới với Ukraine, làm dấy lên lo ngại Moscow muốn tấn công nước láng giềng. Đáp trả, các nước phương Tây hỗ trợ nhiều khí tài quân sự cho Kyiv.
Theo BBC, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace ước tính 60% lực lượng mặt đất của quân đội Nga đang đóng gần biên giới của Ukraine với Nga và Belarus.
Điện Kremlin phủ nhận ý đồ tấn công. Những ngày qua, Nga thông báo rút bớt quân gần biên giới nhưng các nước phương Tây nghi ngờ thông tin này.
Tuần trước, quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn, với các loạt nổ súng và pháo kích.
Hôm 18/2, hai “nhà nước cộng hòa” tự xưng ở Luhansk và Donetsk, thuộc miền Đông Ukraine, tuyên bố sơ tán công dân tới Nga.
Ngày 19/2, hai vùng này ra lệnh tổng động viên, làm dấy lên lo ngại chiến sự sẽ căng thẳng hơn.