Cuộc chiến chống IS của Mỹ hiện chỉ ở các cuộc không kích. Ảnh: Newsweek |
James Jeffrey, cựu đại sứ Mỹ tại Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng, Tổng thống Obama cần cử nhiều đơn vị bộ binh đến Trung Đông để chống IS. Theo ông, việc chưa sử dụng bộ binh chính là thiếu sót lớn nhất trong chiến lược hiện tại của Nhà Trắng. "Điều đầu tiên mà tổng thống cần thực hiện là triển khai các lực lượng đặc nhiệm, sử dụng hỏa lực nhiều hơn nữa. Nếu là tôi, chắc chắn tôi sẽ thúc đẩy việc này", ông Jeffrey nói.
Vị chuyên gia nhận định việc Mỹ chủ trương sử dụng lực lượng chiến đấu địa phương từ Iraq và Syria để đối đầu với IS là chưa đủ, vì sức chiến đấu của các đội quân này không hiệu quả.
Ông Jeffrey thừa nhận điều khiến chính phủ vẫn ngần ngại sử dụng bộ binh là khả năng thương vong của binh sĩ. "Tuy nhiên, chúng ta đã bước vào cuộc chiến. Chúng ta đã tiến hành không kích, hỗ trợ xây dựng lực lượng địa phương. Nhưng những biện pháp này chưa hiệu quả. Do vậy tôi đề xuất thêm về khả năng sử dụng bộ binh".
Đầu tư kinh tế
Daniel Kurtzer, cựu đại sứ Mỹ tại Israel và Ai Cập, lại cho rằng, Mỹ cần đầu tư nguồn lực giúp xây dựng kinh tế vốn là một giải pháp đòi hỏi sự cam kết lâu dài. "Thời gian có thể tính bằng thập kỷ chứ không phải năm. Chúng ta cần đầu tư về hỗ trợ xã hội, kinh tế, giáo dục đối với những cộng đồng người Hồi giáo và Arab gặp khó khăn trong cuộc sống. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 'nguồn tuyển dụng' của phiến quân IS", ông nói.
Đối tượng chiêu mộ của IS là những thành phần bất mãn và có cuộc sống khó khăn. Ảnh: Reuters |
Kurtzer chỉ rõ rằng: "Chỉ những người mà cuộc sống của họ đang trong hoàn cảnh tồi tệ, không có điều kiện kinh tế tốt mới bị lôi cuốn vì những chiêu tuyên truyền của IS". Do đó, một trong những gợi ý của cựu đại sứ Mỹ là hỗ trợ tạo ra nhiều việc làm cho người dân ở Trung Đông.
Tham gia nhiều hơn ở Iraq và Syria
Kenneth Pollack, nguyên chuyên gia phân tích quân sự về Iran - Iraq của CIA, nói Mỹ đang sai lầm khi chỉ hoàn toàn tập trung vào cuộc chiến với IS. "Chỉ riêng IS không phải là vấn đề. Chúng là triệu chứng từ hàng loạt vấn đề phát sinh trong cuộc nội chiến ở Iraq và Syria. Chính quyền Obama đang cố gắng tiêu diệt IS mà không chịu thừa nhận rằng, điều này là không thể nếu không gắn với việc giải quyết nội chiến ở Iraq và Syria".
Vị cựu chuyên viên CIA gợi ý, Mỹ cần giúp đỡ phe nổi dậy Syria xây dựng khả năng quân sự vững mạnh hơn. Ông cũng cho rằng, việc Mỹ tham gia nhiều hơn ở Trung Đông là "một rủi ro cần thiết". "Chúng ta từng cố rút khỏi Iraq và Syria, nhưng bây giờ tình hình như thế nào? Do vậy, chúng ta cần phải thực hiện những điều mà ông Obama không muốn".
Chia sẻ quan điểm trên, Daniella Pletka, nguyên thành viên Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, cũng đồng tình rằng quân đội Mỹ cần tham gia nhiều hơn ở Syria và Iraq, "nhưng không phải ở vai trò chiến đấu, mà là hỗ trợ trên không và hướng dẫn".
Bà Pletka đề xuất thành lập vùng cấm bay dành cho nười tị nạn Syria, để họ có thể chạy sơ tán mà không lo ngại bị trúng bom không kích.
Đấu tranh chống ý thức hệ của IS
Douglas Feith, nguyên thứ trưởng quốc phòng chỉ ra một điều rằng chính quyền Obama đang đi chậm trong việc đấu tranh chống việc tuyên truyền ý thức hệ của IS. "Dường như tổng thống có xu hướng xem nhẹ tầm quan trọng của ý thức hệ trong cuộc chiến này".
Theo Feith, hiện Mỹ không có cơ quan nào chịu trách nhiệm hẳn trong việc đối phó với những tư tưởng ủng hộ khủng bố. Mục tiêu hoạt động của cơ quan này nhằm khuyếch đại những thông điệp tích cực, có ảnh hưởng từ cộng đồng Hồi giáo trong cuộc chiến chống IS, và phản bác những lập luận từ các phần tử cực đoan có thể gây nguy hiểm. "Tuy nhiên, rủi ro cũng sẽ rất nghiêm trọng nếu thực hiện không đúng cách", ông thừa nhận.
Hợp tác với Nga
Paul Salem, giám đốc Trung tâm Trung Đông Carnegie ở Lebanon, đề xuất chính quyền Obama cần hợp tác với những quốc gia ngoài châu Âu và vùng Vịnh, điển hình là nước Nga. Dù thừa nhận Moscow và Washington còn tồn tại nhiều bất đồng, ông Salem nói hai bên vẫn có nhiều lợi ích tương đồng từ cuộc chiến chống khủng bố.
Vị chuyên gia so sánh tình hình cuộc chiến với IS tương tự như Thế chiến 2, khi Mỹ phải bắt tay Liên Xô để đánh bại Đức Quốc xã. "Không có công thức cụ thể nào, nhưng ông Obama cần phải tham gia với Nga thay vì ngồi yên. Cuộc chiến này không có chỗ cho những luật lệ thông thường, Tổng thống Obama phải là người đầu tiên nhận ra điều đó", ông nói.