Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nga dùng chiến trường Syria thử nghiệm vũ khí mới

Giới phân tích quân sự phương Tây cho rằng, chiến trường Syria là nơi quân đội Nga thử nghiệm các loại vũ khí và chiến thuật mới sau 7 năm hiện đại hóa.

a
Tàu chiến Nga phóng tên lửa Kalibr từ biển Caspian. Ảnh: RT

Theo Foreign Policy, năm 2008, tại chiến trường Gruzia, quân đội Nga giành chiến thắng trước quân đội Gruzia. Tuy nhiên, trong thắng lợi đó, quân đội Nga đã che đậy hiệu suất kém của không quân nước này.

Ngay sau đó, ông Vladimir Putin (lúc đó là thủ tướng) đã phát động chương trình hiện đại hóa quân đội quy mô lớn. Quân đội Nga cải tổ sâu rộng, giảm quân số thường trực, tăng cường đào tạo, tái vũ trang quy mô lớn bằng các loại khí tài hiện đại.

Thử nghiệm vũ khí mới

Trải qua 7 năm cải tổ quân đội, Nga cần một chiến trường để thử nghiệm hiệu quả chương trình cải cách. Từ cuối tháng 9, Không quân Nga bất ngờ triển khai một số lượng lớn trang thiết bị quân sự đến Syria tiến hành chiến dịch không kích chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Theo Foreign Policy, điện Kremlin đang sử dụng các chiến dịch không kích để thử nghiệm cho các hệ thống vũ khí mới.

Sau hơn hai tháng tấn công IS, quân đội Nga đã cho thấy kết quả từ chương trình hiện đại hóa. Đầu tuần này, Moscow sử dụng tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm trên Địa Trung Hải đánh trúng mục tiêu gần Raqqa kết hợp với không kích tăng cường.

“Không có nhiều lý do chiến thuật để Nga bắn tên lửa hành trình. Họ sử dụng nó để thế giới thấy rằng họ có khả năng đó”, Chris Harmer, một nhà phân tích hải quân cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, nhận định.

Theo ông Harmer, phóng tên lửa từ tàu ngầm là một vũ khí mang tính chính trị nhắm vào Washington hơn là để chống IS.

Vụ phóng nhanh chóng được chia sẻ trên mạng. “Giá trị tuyên truyền từ các clip ở trong và ngoài nước Nga là rất lớn. Đó cũng là một động thái nhằm giới thiệu vũ khí Nga với các khách hàng tiềm năng”, Mark Galeoti, giáo sư tại Đại học New York nói với Foreign Policy.

Không lâu sau khi Hải quân Nga phóng 26 tên lửa hành trình Kalibr từ biển Caspi, video ghi hình quá trình phóng cũng được chia sẻ trên kênh truyền thông đại chúng của Bộ Quốc phòng Nga.

Ngoài “màn thể hiện” của Hải quân, Không quân Nga cũng phát động chiến dịch không kích quy mô lớn bằng các máy bay ném bom chiến lược cất cánh từ miền Nam nước này. Moscow còn điều đến Syria hệ thống phòng không tối tân S-400.

Những thách thức

a
Tổng thống Vladimir Putin bên trong buồng lái máy bay ném bom chiến lược Tu-160. Ảnh: Điện Kremlin

Các chiến dịch quân sự tại Syria đánh dấu sự leo thang đáng kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea trong năm 2014 và biến cố chính trị ở Ukraine. Đó là những kết quả từ chương trình cải cách quân đội của ông Putin sau cuộc xung đột ở Gruzia và chương trình tái vũ trang quân đội mà ông tuyên bố trong năm 2010.

Tuy vậy, kế hoạch hiện đại hóa quân sự Nga đang gặp trở ngại do khó khăn kinh tế.

Kế hoạch cần khoảng 400 tỷ USD, khoản ngân sách này có thể là một gánh nặng đối với Moscow khi giá dầu liên tục giảm. Theo báo Vedomosti của Nga, trong điều kiện kinh tế hiện nay, một số lĩnh vực có thể phải cắt giảm.

Ông Galeotti cho rằng, Moscow đang đối mặt với cuộc chạy đua với thời gian trước khi áp lực kinh tế ảnh hưởng đến tốc độ cải cách quân sự.

Làm thế nào để Moscow duy trì cải cách quân sự là một câu hỏi chưa có đáp án, nhưng trong ngắn hạn chiến dịch quân sự tại Syria đã đem lại lợi ích cho điện Kremlin.

Nã tên lửa vào IS, Nga dùng dao mổ trâu giết gà

Nhà phân tích Anh nhận định tên lửa hành trình là hỏa lực quá mạnh để chống IS, hành động của Moscow chỉ mang tính chính trị và phô diễn vũ khí hơn là tiêu diệt phiến quân.

Phương Tây nhấp nhổm vì sức mạnh Nga phô diễn tại Syria

Các hoạt động quân sự tại Syria cho thấy sự hồi sinh mạnh mẽ của quân đội Nga sau nhiều thập kỷ trì trệ và khiến phương Tây lo lắng về một Moscow ngày càng quyết đoán hơn.

Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm