Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phương Tây nhấp nhổm vì sức mạnh Nga phô diễn tại Syria

Các hoạt động quân sự tại Syria cho thấy sự hồi sinh mạnh mẽ của quân đội Nga sau nhiều thập kỷ trì trệ và khiến phương Tây lo lắng về một Moscow ngày càng quyết đoán hơn.

Su-30SM, một trong những tiêm kích chiếm ưu thế trên không hiện đại nhất của Nga được triển khai hoạt động tại Syria. Ảnh: Theaviationist
Một trong những tiêm kích của Nga hoạt động tại Syria. Ảnh: New York Times

Sau hai tuần không kích và nã tên lửa vào các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria, Moscow đã cho giới tình báo và quan chức quân đội phương Tây một cái nhìn sâu sắc hơn về sức mạnh quân đội Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin.

Moscow phô diễn khả năng tiến hành các hoạt động quân sự ngoài biên giới và cung cấp màn trình diễn trước công chúng về các vũ khí mới, chiến thuật và chiến lược. Các phi vụ không kích được thực hiện bởi các chiến đấu cơ chưa từng thử nghiệm trong chiến đấu như tiêm kích bom Su-34 Fullback, đặc biệt đợt là phóng tên lửa hành trình từ tàu chiến ở biển Caspian cách Syria khoảng 1.500 km.

Một số nhà phân tích trao đổi với New York Times rằng, năng lực công nghệ của Nga đã tương đương với Mỹ. Máy bay phản lực của Nga đã tiến hành các chiến dịch hỗ trợ quân đội Syria tiến quân từ khu vực nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ. Bên cạnh đó, cuộc tấn công do Iran dẫn đầu có thể sớm bắt đầu trở lại từ phía bắc tỉnh Aleppo.

Đây là lần đầu tiên Nga tiến hành các chiến dịch quân sự ngoài biên giới được lập kế hoạch tỉ mỉ trong nhiều tháng kể từ khi Liên Xô sụp đổ, theo một quan chức Mỹ. Nhìn chung, những điều mà các quan chức, nhà phân tích mô tả về hoạt động của Nga chưa phản ánh đầy đủ quá trình hiện đại hóa quân đội nước này trong nhiều năm bất chấp những áp lực về ngân sách.

Bên cạnh đó, sự can thiệp của Nga ở Ukraine đã gia tăng mức độ báo động ở các nước phương Tây. Trong báo cáo của Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại (ECFR), nhà phân tích Gustav Gressel cho rằng, ông Putin đã trực tiếp giám sát quá trình chuyển đổi nhanh chóng nhất của lực lượng vũ trang nước này kể từ năm 1930.

"Hiện nay Nga là một sức mạnh quân sự có thể áp đảo các nước láng giềng nếu các nước này không nhận được sự hỗ trợ của phương Tây", ông Gressel nhận định.

Khẳng định sự hồi sinh từ đống đổ nát
a
Tàu chiến Nga nã tên lửa hành trình tấn công mặt đất vào các mục tiêu IS ở Syria đêm 7/10. Ảnh: Sputnik

Các hoạt động quân sự của Nga ở Syria từ chỗ rất hạn chế đã trở thành một thế lực mới, một minh chứng cho nước Nga ngày càng cứng rắn dưới thời Tổng thống Putin. Chính ông Putin đã gợi ý rằng, các hoạt động quân sự tại Syria được thiết kế để gửi thông điệp đến Mỹ và phương Tây về sự phục hồi sức mạnh quân sự ở quy mô toàn cầu sau nhiều thập kỷ từ khi Liên Xô tan rã.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình nhà nước, Tổng thống Putin từng nói: "Công nghiệp quốc phòng Nga đã tạo ra nhiều vũ khí chất lượng cao và chúng ta đã đào tạo những con người có thể đưa chúng vào sử dụng một cách hiệu quả. Bây giờ, Nga đã sẵn sàng sử dụng các vũ khí này nếu điều đó là cần thiết cho đất nước và nhân dân Nga".

Theo New York Times, quá trình chứng minh sự hồi phục sức mạnh của Nga bắt đầu từ việc sáp nhập bán đảo Crimea trong năm 2014 một cách nhanh chóng và êm đẹp với các hoạt động bí mật. Các hoạt động tại Syria tiếp tục là sự phô trương sức mạnh với nhiều video về quá trình không kích, tương tự điều Lầu Năm Góc đã làm trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất.

Các hoạt động quân sự tại Syria đã cho phương Tây một cái nhìn khác về quân đội từng được cho là già cỗi, trang thiết bị lạc hậu, nạn tham nhũng, ít có khả năng tạo ra mối đe dọa vượt ra ngoài biên giới kể từ khi Liên Xô tan rã.

"Máy bay tiêm kích mới và tên lửa hành trình Kalibr là những gì mà chúng ta phải nghiên cứu về khả năng của quân đội Nga ngày nay", Micah Zenko, thành viên cao cấp của ECFR, chia sẻ.

Các nhà phân tích phương Tây cho rằng, năng lực quân sự Nga thể hiện tại Syria là thành quả mà Moscow rút ra sau bài học ở cuộc xung đột với Georgia vào năm 2008. Sau cuộc chiến này, ông Putin lúc đó là thủ tướng đã bắt đầu tiến hành chương trình hiện đại hóa quân đội quy mô lớn.

Quân đội Nga tập trung mua sắm vũ khí hiện đại, cải thiện quy trình huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tinh gọn bộ máy quân đội. Bên cạnh đó, những chính sách kinh tế hiệu quả dưới thời Putin cho phép ngân sách quốc phòng liên tục tăng và đạt con số kỷ lục 81 tỷ USD vào năm 2014.

Thành quả quá trình hiện đại hóa quân sự của Nga vượt ra ngoài các trang bị vũ khí mới, nó phản ánh sự gia tăng tính chuyên nghiệp và sẵn sàng. Chỉ trong vòng 3 tuần, Nga đã thiết lập căn cứ ở sân bay Latakia, điều động hơn 40 máy bay các loại, triển khai xe tăng, xe bọc thép, tên lửa phòng không và nhà ở lưu động cho khoảng 2.000 quân.

Đây là lần đầu tiên Moscow triển khai lực lượng lớn nhất đến Trung Đông kể từ khi Liên Xô điều động quân đội đến Ai Cập vào năm 1970. "Điều gây ấn tượng với tôi là khả năng di chuyển nhiều trang thiết bị với tốc độ nhanh từ khoảng cách rất xa", trung tướng Ben Hodges, chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu, cho biết.

Thông điệp cứng rắn với phương Tây
a

Su-34 máy bay tấn công mặt đất hiện đại nhất của Nga thả bom trong một phi vụ không kích tại Syria. Ảnh: Theaviationist

Kể từ khi tiến hành không kích vào ngày 30/9, Nga đã nhanh chóng gia tăng số phi vụ xuất kích từ vài lần mỗi ngày lên 90 lần xuất kích/ngày. Moscow không chỉ triển khai những vũ khí tiên tiến nhất cho cuộc chiến mà còn xây dựng khu nhà ăn quy mô lớn, thậm chí điều động cả vũ công, ca sĩ phục vụ nhu cầu giải trí của binh lính.

"Họ triển khai trọn gói, nó cho tôi thấy rằng, họ có thể triển  khai lực lượng viễn chinh lớn trong thời gian dài", Jeffrey White, chuyên viên phân tích của Cơ quan tình báo quốc phòng Trung Đông, bình luận.

Trong khi đó, Michael Kofman, thuộc Trung tâm phân tích Hải quân Mỹ nhận xét, hoạt động quân sự tại Syria cho thấy, Nga đã bắt kịp khả năng của Mỹ trong chiến đấu kể từ năm 1990, đó là một tiến bộ vượt bậc.

"Không kích vào ban đêm, đánh giá thiệt hại bằng máy bay không người lái, đó là bước nhảy vọt trong năng lực chiến đấu hỗn hợp của Nga", ông Kofman nói.

Ông Kofman cùng giới phân tích phương Tây rất ngạc nhiên trước đợt phóng tên lửa hành trình Kalibr từ biển Caspian cách Syria tới 1.500 km. "Đây là một vũ khí mới có năng lực đáng kinh ngạc", ông chia sẻ.

Sau thành công của vụ phóng tên lửa, truyền hình nhà nước Nga tuyên bố hôm 12/10 rằng, từ biển Caspian, họ có thể tấn công vịnh Ba Tư, bán đảo Arab và toàn bộ Địa Trung Hải. Bên cạnh đó, hỗ trợ cho nhóm không kích trên mặt đất là lực lượng đặc nhiệm dẫn đầu là tuần dương hạm Moskva - soái hạm của Hạm đội Biển Đen. Nhóm tàu chiến này thiết lập ô phòng không hỗ trợ cho các tiêm kích hoạt động trên bầu trời Syria.

Không kích, tấn công tầm xa bằng tên lửa hành trình, thiết lập ô phòng không, tất cả các hoạt động này cho thấy một quân đội Nga đầy sức mạnh, một thế lực đang trở lại bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây. "Quả thật, Nga đang sử dụng chiến trường Syria như một hoạt động thử nghiệm vũ khí và phô diễn sức mạnh", Tướng David A. Deptula, cựu chỉ huy Không quân Mỹ, người lập kế hoạch trong các chiến dịch ở Afghanistan và Chiến tranh vùng Vịnh nhận xét.

Nã tên lửa vào IS, Nga dùng dao mổ trâu giết gà

Nhà phân tích Anh nhận định tên lửa hành trình là hỏa lực quá mạnh để chống IS, hành động của Moscow chỉ mang tính chính trị và phô diễn vũ khí hơn là tiêu diệt phiến quân.

Tên lửa TOW và 'chiến tranh ủy nhiệm' Mỹ - Nga

Một loại tên lửa Mỹ cung cấp cho quân nổi dậy Syria đang làm thay đổi chiến trường quốc gia Trung Đông và biến xung đột Syria trở thành cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” giữa Nga và Mỹ.

Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm