Tàu chiến Nga phóng tên lửa trong đêm 7/10 từ biển Caspian. Ảnh: Sputnik |
Kể từ khi tham gia vào cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), các tàu chiến Hải quân Nga ở biển Caspian phóng nhiều tên lửa hành trình tấn công mặt đất (TLAM) 3M-14T Kalibr vào các mục tiêu của IS. VPK (tờ tin tức của Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng Nga) dẫn lời một chuyên gia Hải quân Nga cho biết, tổng chi phí cho đợt tấn công lên đến 10 tỷ Rupee (163 triệu USD).
Nếu theo con số trên, Moscow phải chi tới 6,2 triệu USD cho mỗi quả tên lửa bay tới Syria. Số tiền này bao gồm chi phí mua tên lửa cũng như các hoạt động hỗ trợ liên quan để chỉ thị mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa trúng đích. Trong khi đó, theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), đơn giá mỗi quả tên lửa BGM-109 Tomahawk dao động từ 729.000 đến 1,4 triệu USD.
Vị chuyên gia Nga cho rằng, đây là lần đầu tiên Nga sử dụng vũ khí tấn công xuyên biên giới nên chi phí có thể cao hơn so với Mỹ. Mặc khác, số lượng tên lửa sản xuất chưa nhiều nên chi phí cho mỗi quả sẽ cao hơn.
Dùng dao mổ trâu để giết gà
Tàu hộ tống tên lửa Buyan-M số hiệu 021 phóng tên lửa Kalibr trong một cuộc tập trận. Ảnh: Russian Defence |
Tên lửa hành trình tấn công mặt đất là vũ khí lợi hại trong các chiến dịch tấn công phủ đầu. Mỹ là quốc gia tiên phong trong việc sử dụng vũ khí này. Theo Global Security, trong chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991, Mỹ đã phóng 288 tên lửa Tomahawk vào Iraq. Đến chiến dịch Tự do Iraq năm 2003, 802 quả tên lửa đã được phóng đi đánh bại phần lớn sức mạnh quân đội Iraq.
Các nhà phân tích quân sự lập luận, cơ chế hoạt động của tên lửa hành trình là được dẫn đường đến mục tiêu bằng định vị toàn cầu GPS. Như vậy, nó phù hợp để tấn công các vị trí cố định như: Sân bay, kho tàng, bến cảng, trung tâm chỉ huy. Mục đích sử dụng chính của tên lửa hành trình là đánh đòn phủ đầu nhằm tiêu hao khả năng kháng cự, làm tê liệt hệ thống chỉ huy của đối phương.
TLAM thường là vũ khí đầu tiên mà Quân đội Mỹ sử dụng để mở màn các chiến dịch quân sự. Vài giờ sau đợt dọn đường bằng vũ khí điều khiển từ xa, các máy bay Mỹ mới xuất kích làm nhiệm vụ oanh kích những vị trí còn lại.
Trong khi đó, Nga thực hiện đợt phóng tên lửa sau gần 2 tuần tiến hành các đợt không kích. Nhận định về việc sử dụng TLAM của Nga, nhà phân tích quân sự Justin Bronk, Anh cho rằng, dùng TLAM để tấn công một tổ chức phiến quân là quá lãng phí. Lầu Năm Góc hiếm khi sử dụng nó để tấn công các tổ chức khủng bố, nhóm phiến quân vì chi phí quá cao. Ông ví von động thái của Moscow chẳng khác nào “dùng dao mổ trâu để giết gà” ở Syria.
Năng lực phòng không của IS khá yếu nên khó có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho chiến đấu cơ của Nga. Các máy bay Nga oanh kích IS với bom thông thường hoặc vũ khí dẫn đường sẽ hiệu quả hơn so với sử dụng TLAM, vừa giảm được chi phí, ông Bronk lập luận.
Phô diễn sức mạnh
Các phiên bản của gia đình tên lửa Klub. Ảnh: Naval |
Nhà phân tích quốc phòng Alexander Khrolenko, cựu sĩ quan Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Nga, lại có cái nhìn khác về đợt phóng tên lửa. Ông trao đổi với RT rằng, đợt tấn công mang nhiều ý nghĩa quan trọng vượt xa ngoài vấn đề chi phí.
Cuộc tấn công đêm 7/10 đã chứng minh cho phương Tây thấy sức mạnh quân sự của Nga, loại bỏ thế độc tôn của Mỹ trong việc tấn công xuyên biên giới. Kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Mỹ là quốc gia duy nhất có khả năng nã các tên lửa TLAM vào đối phương. Nhưng từ ngày nay, Nga là quốc gia thứ 2 có khả năng làm điều đó.
Trong bối cảnh phương Tây gia tăng sức ép với Nga, thành công của đợt tấn công chứng minh rằng, không một thế lực nào có thể gây khó khăn cho Moscow, ông Khrolenko lập luận.
Một nhà phân tích khác, ông Daniel Fielding cho rằng, IS chỉ là cái cớ trong kế hoạch của Moscow. Ông trao đổi với Russia Insider rằng thời gian gần đây, Nga phát triển rất nhiều mẫu vũ khí hiện đại nhưng chưa có điều kiện sử dụng thực tế. Bất ổn tại Syria là cơ hội tốt để Nga kiểm nghiệm vũ khí. Thực tế Moscow đã triển khai đến Damascus nhiều vũ khí hiện đại nhất của họ. Ví dụ như tiêm kích – bom Su-34 và tiêm kích Su-30SM.
Khả năng oanh kích mặt đất của chiến đấu cơ Nga đã được chứng minh sau hàng loạt phi vụ. Nhưng năng lực tấn công tầm xa vẫn chưa được kiểm tra. Do đó, IS là cái cớ không thể tốt hơn để Nga thử nghiệm tên lửa TLAM 3M-14T Kalibr, ông Fielding nhận định.
Giá trị về mặt chính trị, quân sự từ đợt phóng tên lửa lớn hơn nhiều so với khoản ngân sách 10 tỷ Rupee mà Moscow phải bỏ ra. Đó là một bằng chứng cho sự hồi sinh về mọi mặt của nước Nga, ông Khrolenko kết luận.