Nhà văn Virginia Woolf luôn đau khổ vì những ký ức đen tối trong quá khứ. Ảnh: The New Yorker. |
Hai mươi năm trước, trong cuốn sách Thou Shalt Not Be Aware: Society’s Betrayal of the Child (tạm dịch: Người không nên thức tỉnh: Xã hội phản bội những đứa trẻ), tôi đã nói về cuộc đời của Virginia Woolf. Giống như chị gái của cô, Vanessa Bell, cô bị lạm dụng tình dục bởi hai người anh cùng cha khác mẹ khi cô còn nhỏ và dường như cho đến tuổi vị thành niên.[1]
Trong cuốn nhật kí dài 24 tập của mình, Woolf liên tục nhớ lại thời kì khủng khiếp đó, trong khi cô không dám tâm sự với cha mẹ vì cô biết rằng cô không thể trông đợi sự cứu giúp từ họ. Chứng trầm cảm của cô tái phát đi tái phát lại, song cô vẫn tìm thấy sức mạnh để viết lên những cuốn tiểu thuyết của mình.
Bằng cách này, hi vọng cô có thể thể hiện nỗi đau của mình và cuối cùng là vượt qua những tổn thương thời thơ ấu và tuổi thanh xuân. Nhưng vào năm 1941, căn bệnh trầm cảm của cô đã chiến thắng và Virginia Woolf đã gieo mình xuống sông Ouse ở gần nhà.
Theo nhà tiểu sử Louise DeSalvo, Woolf bắt đầu nghi ngờ sự chính xác về những kí ức của chính mình sau khi cô đọc các tác phẩm của Freud, dù cô đã ghi lại những câu chuyện đó trong một cuốn hồi kí và biết rằng chị gái mình cũng bị lạm dụng tình dục bởi một người anh cùng cha khác mẹ của họ.
DeSalvo cho rằng từ thời điểm đó, Woolf đã đi theo các lí thuyết của Freud. Cô không còn coi hành vi của con người là hệ quả hợp lí của những trải nghiệm thời thơ ấu mà thay vào đó, cô coi đó là kết quả của những ham muốn, tưởng tượng và mơ mộng.
DeSalvo cho rằng những bài viết của Freud đã khiến Woolf rơi vào tình trạng rất bối rối. Một mặt, cô biết chính xác chuyện gì đã xảy ra. Mặt khác, cô ước, giống như hầu hết nạn nhân của lạm dụng tình dục, rằng chuyện đó chưa bao giờ xảy ra. Cuối cùng, cô vui vẻ chấp nhận lí thuyết của Freud và hi sinh kí ức của mình để phục vụ cho sự phủ nhận kí ức này.
Cô bắt đầu lí tưởng hóa cha mẹ mình nhiều hơn và mô tả gia đình cô thật đầm ấm và đầy yêu thương, điều mà cô chưa bao giờ cảm nhận được. Sau khi thừa nhận rằng Freud đã đúng, cô trở nên không chắc chắn về bản thân. Cô bối rối và cuối cùng cô tin rằng mình bị mất trí.
DeSalvo tin rằng bước ngoặt này trong suy nghĩ của Woolf đã củng cố cho quyết định tự sát của cô, rằng việc cô chấp nhận lí thuyết của Freud đã phá bỏ mối quan hệ nhân quả mà cô cố gắng thiết lập, buộc cô phải rút lại lời giải thích của chính mình về những cơn ác mộng cô phải trải qua, về những cơn trầm cảm và trạng thái tinh thần của cô.
Trước đây, Woolf cho rằng trạng thái trầm cảm của cô là do trải nghiệm bị lạm dụng tình dục khủng khiếp và nhục nhã. Nhưng nếu theo lí thuyết của Freud, thì phải có những cách giải thích khác. Có lẽ kí ức của cô đã bị bóp méo, tôi không muốn nói là giả dối.
Chúng không phản ánh trải nghiệm thực tế mà là sự phóng chiếu những ham muốn của cô. Có lẽ, nói một cách ngắn gọn, tất cả những vấn đề mà cô gặp phải là sản phẩm của trí tưởng tượng. [2]
Tạo hình Virginia Woolf trong loạt phim truyền hình. Ảnh: Vulture. |
Tôi không nghi ngờ việc đọc tác phẩm của Freu có thể có ảnh hưởng đến Virginia Woolf. Nhưng tôi cho rằng điều này là nhân tố kích hoạt, chứ không phải là nguyên nhân gốc rễ khiến cô ấy tự tử. Chúng ta biết là đã có nhiều tổn thương từ rất lâu trước khi Virginia đọc các tác phẩm của Freud, cuốn đầu tiên vào năm 13 tuổi.
Tác phẩm của Freud có thể khiến cô ấy bối rối hơn, nhưng kì thực là gia đình và xã hội đã và vẫn che giấu về nạn lạm dục tình dục. Họ đổ lỗi cho nạn nhân và bảo vệ kẻ ngược đãi. Vì lí do đó, Woolf hoàn toàn cô độc với quá khứ quái dị của mình, mặc dù cô có rất nhiều bạn tốt.
Sự “chăm sóc” mà cô nhận được từ gia đình và từ chồng cô, Leonard luôn đi kèm với những lời nói dối và đạo đức giả mà cô không chịu nhận ra.
Cô được tự do đặt câu hỏi về thái độ như vậy trong tiểu thuyết của mình, song gia đình của cô vẫn là bất khả xâm phạm. Không nghi ngờ gì nữa, Woolf muốn tin rằng cô được yêu, rằng sự im lặng và thờ ơ mà cô phải chịu đựng thực chất là tình yêu.
Kết quả là cô ấy đã sống với những lời nói dối như vậy, và thay vì đối mặt với sự thật cô ấy lại tự trách mình. Cô tiếp tục hành xử theo cách này ngay cả sau khi cố gắng tự tử vào năm 1913, khi biết rằng chồng cô đã khôn khéo phỉ báng cô trong cuốn tiểu thuyết The Wise Virgins (Những cô gái thông thái) của anh ta. Sau đó, cô xin lỗi vì đã gây rắc rối cho anh.
Chúng ta có thể nói rằng Woolf không có chút dũng khí nào không? Không, chúng ta không thể. Cô can đảm hơn nhiều người trong việc tố cáo những lời nói dối, nhưng gia đình cô không thể chấp nhận sự trung thực như vậy. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên.
Cô gái nhỏ tiếp tục sống trong cơ thể một người phụ nữ trưởng thành, sợ hãi những người anh em cùng cha khác mẹ, sợ cả cha mẹ thân yêu của mình, những người vẫn im lặng. Nếu cô có thể lắng nghe cơ thể mình, Woolf thực sự chắc chắn sẽ lên tiếng.
Tuy nhiên, để làm được như vậy, cô cần ai đó nói với cô rằng: “Hãy mở mắt ra! Họ đã không bảo vệ bạn khi bạn có thể mất đi sức khỏe và tinh thần, và bây giờ họ còn từ chối xem bạn đã làm gì.
Sau tất cả những điều đó làm sao bạn có thể yêu họ đến như vậy?” Không ai sẵn sàng nói ra những điều như thế. Cũng không ai có thể chịu đựng sự lạm dụng đó một mình, kể cả Virginia Woolf.
[1] Alice Miller, Thou Shalt Not Be Aware: Society’s Betrayal of the Child (New York: Noonday/Farrar Straus Giroux, 1998.
[2] Louise DeSalvo, Virginia Woolf: The Impact of Childhood Sexual Abuse on Her Life and Work, New York: Feminist Press, 1995.