Ám ảnh thời thơ ấu đôi khi sẽ trở thành nguồn cơn cho những hành động lệch lạc ở tuổi trưởng thành. Ảnh: H.W. |
Imre Kertész là nhà văn người Hungary và từng đoạt giải Nobel. Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Fateless (được xuất bản tại Việt Nam với nhan đề Không số phận), ông đã kể rất chi tiết việc ông đến trại tập trung Auschwitz.
Khi đó ông mới 15 tuổi. Ông cố diễn tả những điều cực kì khủng khiếp mà ông từng trải qua khi ở Auschwitz. Nhờ có may mắn và kỳ tích của số phận, mà nhà văn đã vượt qua những ngày tháng kinh hoàng đó. Nếu không, ông đã không thể thoát khỏi nỗi sợ hãi rằng mình sẽ chết.
Có lẽ mọi đứa trẻ từng bị ngược đãi đều có thái độ như thế để có thể sống sót. Những đứa trẻ này diễn giải lại nhận thức của mình trong một nỗ lực tuyệt vọng, để coi đó là những điều tốt và có lợi cho chúng, trong khi những người quan sát bên ngoài sẽ ngay lập tức coi là tội ác.
Trẻ em không có quyền lựa chọn. Chúng phải kìm nén cảm xúc thực sự của mình nếu chúng không thể tự vạch trần hoặc có “nhân chứng giúp đỡ” để buộc tội những kẻ ngược đãi và làm khổ chúng. Khi những đứa trẻ trở thành người lớn, họ may mắn gặp được những “nhân chứng khai sáng”, họ mới biết mình có quyền lựa chọn.
Sau đó, những người lớn đầy tổn thương ấy có thể thừa nhận sự thật của họ. Họ có thể ngừng thương xót và “hiểu” cho những kẻ làm họ tổn thương. Họ có thể ngừng cố gắng cảm nhận những cảm xúc vỡ vụn, không thể chịu đựng nổi. Họ có thể thẳng thắn phản kháng những người đã ngược đãi họ.
Việc làm này sẽ giúp cơ thể nhẹ nhõm hơn. Họ không còn phải nhắc nhở bản thân về lịch sử bi thương mà họ đã phải trải qua khi còn nhỏ. Một khi tôi trưởng thành, tôi quyết định tìm ra hết sự thật về bản thân, cơ thể sẽ cảm thấy được hiểu, được tôn trọng và bảo vệ.
Tôi gọi các loại bạo lực là lạm dụng “giáo dục”, không chỉ vì trẻ em bị khước từ quyền được tôn trọng và trân quý như con người. Cách nuôi dạy con cái như vậy sẽ thiết lập nên một chế độ độc tài, trong đó trẻ em không thể nhận ra sự sỉ nhục, phẫn nộ và thiếu tôn trọng chúng đã phải chịu đựng, chứ chưa nói đến việc tự bảo vệ mình trước sự lạm dụng “giáo dục” đấy.
Những khuôn mẫu thời thơ ấu này chắc chắn sẽ được các nạn nhân sử dụng và áp đặt lên bạn đời và con cái của họ, tại nơi làm việc, trong hoạt động chính trị. Với sự hỗ trợ của các luồng lực bên ngoài, họ trao truyền khuôn mẫu này ở bất cứ nơi đâu, nhằm chống lại nỗi sợ hãi và lo lắng của đứa trẻ đang rất bất an trong nội tâm họ. Bằng cách này, các nhà độc tài đã được sinh ra.
Đấy là những người thường có thái độ khinh miệt sâu sắc với những người xung quanh. Đấy là những người chưa bao giờ được tôn trọng khi còn nhỏ. Do đó, họ sẽ cố gắng hơn nhiều để có được sự tôn trọng với sự trợ giúp của bộ máy quyền lực khổng lồ mà họ đã cất công xây dựng.
Các khía cạnh chính trị đã cho chúng ta thấy rõ ràng rằng khao khát quyền lực và sự công nhận chẳng thể nào đong đếm được, vô độ. Đấy là nỗi khao khát không bao giờ có thể làm ai đó cảm thấy hoàn toàn hài lòng.
Người càng có nhiều quyền lực càng bị thôi thúc thực hiện những hành vi mà trong quá trình đó, họ buộc phải lặp đi lặp lại, khôi phục lại cảm giác bất lực ban đầu mà họ đang cố gắng trốn tránh: Hitler vùng vẫy trong những khó khăn, Napoléon bị lưu đày, Milosevic sợ hãi vì tù đày...
Điều gì đã thôi thúc họ lạm dụng quyền lực mà họ đã đạt được, đến mức cuối cùng đẩy họ vào tình trạng bất lực và sợ hãi? Tôi tin rằng đấy là thân xác của họ. Cơ thể của họ duy trì nhận thức về sự bất lực mà họ cảm thấy trong thời thơ ấu. Cơ thể lưu trữ những nhận thức này trong từng tế bào và đặt ra mục tiêu buộc “chủ nhân” phải đối mặt với nhận thức đó. Nhưng thực tế thời thơ ấu của họ đã gieo vào lòng những kẻ độc tài này nỗi sợ hãi đến mức họ muốn quét sạch toàn bộ dân tộc, tiêu diệt hàng triệu con người, hơn là đối đầu với sự thật.