Nobel Vật lý 2021 được trao cho ba nhà khoa học Syukuro Manabe, Klaus Hasselmann và Giorgio Parisi “vì những đóng góp đột phá cho hiểu biết của con người về các hệ thống vật lý phức tạp".
Một nửa giải thưởng được trao cho Syukuro Manabe (nhà nghiên cứu thuộc Đại học Princeton, Mỹ) và Klaus Hasselmann (Viện Khí tượng Max Planck, Hamburg, Đức), với nghiên cứu về "việc lập mô hình vật lý về khí hậu Trái Đất, định lượng sự thay đổi và dự đoán uy tín về hiện tượng ấm lên toàn cầu".
Một nửa giải thưởng còn lại được trao cho nhà khoa học Giorgio Parisi (Đại học Sapienza, Italy) “vì đã khám phá ra tác động qua lại của sự rối loạn và dao động trong các hệ thống vật lý, từ quy mô nguyên tử đến hành tinh”.
Theo ủy ban Nobel, giải Nobel Vật lý năm nay ghi nhận các phương pháp mới nhằm mô tả các hệ thống phức tạp và dự đoán hoạt động trong dài hạn của những hệ thống này. Một trong những hệ thống phức tạp có tầm quan trọng sống còn đối với loài người là khí hậu Trái Đất.
Cụ thể, trong nghiên cứu của mình, nhà khoa học Syukuro Manabe chứng minh mức độ gia tăng của carbon dioxide trong khí quyển dẫn đến nhiệt độ trên bề mặt Trái Đất tăng lên như thế nào. Nghiên cứu của ông đặt nền móng cho sự phát triển của các mô hình khí hậu hiện nay.
Ba tác giả nhận giải Nobel Vật lý 2021. Ảnh: Viện hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển. |
Trong khi đó, nhà khoa học Klaus Hasselmann tạo ra một mô hình liên kết thời tiết và khí hậu với nhau. Các phương pháp của ông được sử dụng để chứng minh rằng nhiệt độ tăng lên trong khí quyển là do con người thải ra khí carbon dioxide.
Ông Parisi đã phát hiện ra các mô hình ẩn trong các vật liệu phức tạp bị rối loạn. Khám phá của ông là một trong những đóng góp quan trọng nhất cho lý thuyết về hệ thống phức tạp.
Tại họp báo sau lễ công bố giải thưởng, khi được hỏi muốn gửi thông điệp gì đến các nhà lãnh đạo thế giới chuẩn bị hội đàm về vấn đề biến đổi khí hậu sắp tới, ông Giorgio Parisi nói: "Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta đã đưa ra quyết định, và tiếp tục tiến lên... Rõ ràng là vì thế hệ tương lai, chúng ta phải hành động ngay bây giờ, hành động thật nhanh".
Ảnh chụp từ video phát trực tiếp lễ công bố giải Nobel Vật lý 2021 hôm 5/10. |
Mùa giải Nobel năm nay bắt đầu hôm 4/10 với giải thưởng đầu tiên được trao trong lĩnh vực y học/sinh học (giải Nobel Y Sinh) cho hai nhà khoa học David Julius và Ardem Patapoutian “vì những khám phá của họ về các thụ thể đối với nhiệt độ và xúc giác”.
Sau giải Nobel Vật lý, các giải thưởng tiếp theo sẽ được công bố lần lượt trong các lĩnh vực Hóa học, Văn chương, Hòa bình và Kinh tế.
Vào năm 2020, giải Nobel Vật lý được trao cho nghiên cứu về hố đen vũ trụ. Tác giả của nghiên cứu này là các nhà khoa học Roger Penrose, Reinhard Genzel và Andrea Ghez.
Ủy ban Nobel cho biết ông Roger Penrose đã phát minh ra "các phương pháp toán học tài tình để khám phá lý thuyết tương đối rộng của Albert Einstein". Ông đã chỉ ra rằng lý thuyết này dẫn đến sự hình thành các hố đen trong vũ trụ.
Trong khi đó, hai nhà khoa học Reinhard Genzel và Andrea Ghez phát hiện ra rằng "một vật thể vô hình và cực nặng chi phối quỹ đạo của các ngôi sao ở trung tâm thiên hà của chúng ta". Và "một hố đen siêu lớn" là lời giải thích cho vật thể này.
Bà Andrea Ghez là người phụ nữ thứ 4 nhận giải Nobel Vật lý. Trước giáo sư Ghez, có ba nhà khoa học nữ từng được trao giải Nobel Vật lý là Marie Curie (năm 1903), Maria Goeppert-Mayer (năm 1963) và Donna Strickland (năm 2018).
Mỗi năm, Ủy ban Nobel trao các giải thưởng trong 6 lĩnh vực gồm y sinh học, vật lý, hóa học, văn học, khoa học kinh tế và hòa bình. Người giành giải Nobel sẽ được trao bằng chứng nhận, huy chương giải Nobel, và giải thưởng bằng tiền trị giá khoảng 1,1 triệu USD.