Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Covid-19 phủ bóng lên giải Nobel Y Sinh sắp công bố

Tác giả công nghệ mRNA ứng dụng trong vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech và Moderna được coi là ứng viên sáng giá của giải Nobel Y Sinh 2021.

Các giải thưởng Nobel của năm 2021 sẽ bắt đầu được trao từ ngày 4/10, khởi động bằng Nobel Y Sinh. Năm nay, giải Nobel Y Sinh đặc biệt được chú ý, trong bối cảnh các thành tựu về vaccine đã giúp thế giới nhìn thấy lối thoát khỏi đại dịch Covid-19, theo Reuters.

Những ứng viên cho Nobel Y Sinh

Hai cái tên được đánh giá có triển vọng nhất sẽ được trao giải Nobel Y Sinh năm 2021 là Katalin Kariko, Phó chủ tịch tập đoàn dược phẩm BioNTech của Đức, và Drew Weissman, giáo sư chuyên ngành nghiên cứu vaccine của Đại học Pennsylvania của Mỹ.

Bà Kariko và ông Weissman là hai tác giả của nghiên cứu về ứng dụng RNA thông tin (mRNA) trong vaccine.

Công nghệ sử dụng mRNA - những chuỗi thông tin do DNA gửi tới các bào quan sản sinh protein - làm công cụ miễn dịch lần đầu được công bố trong nghiên cứu của hai nhà khoa học năm 2005.

Nghiên cứu cho thấy việc gửi một số chuỗi mRNA đặc biệt vào tế bào sẽ kích thích tế bào sản sinh protein tấn công mầm bệnh, khả năng không thường thấy ở tế bào.

Theo Inside Science, nghiên cứu về ứng dụng công nghệ mRNA đã được bà Kariko theo đuổi từ thập niên 1990. Khi kết quả được công bố năm 2005, giới truyền thông không dành nhiều sự quan tâm cho hai nhà khoa học.

vaccine covid-19 anh 1

Hai nhà khoa học Katalin Kariko (phải) và Drew Weissman (trái). Ảnh: Penn Medicine.

Phải sau 15 năm, kết quả nghiên cứu của bà Kariko và ông Weissman mới được hoàn thiện, với sự tham gia của hai tập đoàn sinh học BioNTech và Moderna. Từ năm 2020, công nghệ mRNA đã được ứng dụng giúp nhanh chóng phát triển vaccine ngừa Covid-19.

Pfizer-BioNTech và Moderna là hai loại vaccine Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA cho thấy kết quả thử nghiệm lâm sàng thuộc nhóm hiệu quả nhất.

Một ứng viên khác của Nobel Y Sinh 2021 là Mary-Claire King của Đại học Washington, tác giả nghiên cứu về khả năng di truyền của ung thư vú.

Ý tưởng cho nghiên cứu của bà King khởi đầu từ thập niên 1970, thời điểm mà các nghiên cứu ung thư chủ yếu vẫn tập trung vào những học thuyết về nhiễm trùng.

Nhà khoa học người Mỹ tin rằng đa phần trường hợp ung thư vú gây ra bởi di truyền đột biến gene. Sử dụng mô hình toán học và kho dữ liệu khổng lồ của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, bà King phát hiện những bằng chứng cho thấy phần lớn ca ung thư vú là di truyền từ cha mẹ sang con.

Năm 1990, giáo sư King tìm ra gene chịu trách nhiệm cho sự di truyền của căn bệnh, đó là gene BRCA1 có chức năng ức chế khối u nằm trên nhiễm sắc thể số 17.

Nghiên cứu của giáo sư người Mỹ về BRCA1 đã giúp tạo ra những công cụ sàng lọc, xét nghiệm cho phép các bác sĩ sớm tìm ra dấu hiệu ung thư vú và ung thư buồng trứng ở phụ nữ, từ đó có thể ngăn chặn bệnh hiệu quả.

Trong khi đó, nghiên cứu về tổ chức hoạt động của hệ miễn dịch của giáo sư Max Cooper, Đại học Y Emory của Mỹ, và giáo sư Jacques Miller, Viện nghiên cứu Walter và Eliza Hall của Australia, cũng nhận được sự quan tâm.

Hệ miễn dịch con người chủ yếu dựa vào các tế bào bạch huyết sản sinh ở tủy xương và tuyến ức. Những tế bào này lan truyền trong máu và các mô bạch huyết khắp cơ thể.

Trong những năm đầu sự nghiệp, hai nhà khoa học đều nghiên cứu về nguồn gốc và chức năng của các tế bào miễn dịch trên động vật. Qua thời gian, họ phát hiện rằng việc loại bỏ một số bộ phận nội tạng chỉ làm tổn thương một phần hệ miễn dịch.

Nghiên cứu trên động vật, ông Cooper phát hiện những động vật không có bộ phận chuyên biệt như xương sống không thể sản sinh kháng thể nhưng vẫn đào thải những bộ phận ngoại lai như ghép da. Trong khi đó, gà có xương nhưng không có tuyến ức có thể sản sinh ra kháng thể nhưng lại không thể đào thải khi được ghép da.

Dựa vào những thông tin từ các nghiên cứu trước đó của giáo sư Miller, giáo sư Cooper đã xuất bản nghiên cứu về hai phần của hệ miễn dịch gồm hai loại tế bào bạch huyết, một là tế bào B sản sinh kháng thể, một là tế bào T tiêu diệt yếu tố ngoại lai.

Nghiên cứu của hai giáo sư Miller và Cooper đã mở đường cho gần như mọi liệu pháp điều trị ung thư trong hàng chục năm qua.

Một số nhà khoa học khác cũng có khả năng giành giải Nobel Y Sinh năm nay như Huda Zoghbi với khám phá về gene gây ra hội chứng Rett, Marc Feldmann và Briton Ravinder Maini với nghiên cứu về vai trò của cytokine trong viêm khớp dạng thấp, hay Julian Davies với nghiên cứu về kháng kháng sinh.

Có quá sớm để được Nobel?

Cha đẻ của giải thưởng Nobel, ông Alfred Nobel, đã để lại di nguyện rằng giải thưởng nên được trao cho những người tạo ra "lợi ích lớn lao nhất" cho nhân loại.

Tiêu chí này khiến bộ đôi nhà khoa học tác giả của ứng dụng công nghệ mRNA trở thành ứng cử viên sáng giá nhất của giải Nobel Y Sinh 2021.

"Sẽ là sai lầm nếu Ủy ban Nobel không trao giải cho vaccine mRNA năm nay, dù rằng làm vậy cũng có chút liều lĩnh", Ulrika Bjorjsten, giám đốc bộ phận khoa học của hãng phát thanh Thụy Điển Sveriges Radio, nói.

Hôm 28/9, hai nhà khoa học đã được trao giải thưởng Lasker về y học năm 2021 nhờ nghiên cứu công nghệ mRNA. Các nghiên cứu giành giải thưởng Lasker cuối cùng thường được trao giải Nobel, theo Channel NewsAsia.

Tuy vậy, một số người lại cho rằng hai nhà khoa học Kariko và Weissman sẽ phải chờ đợi một thời gian nữa trước khi họ có thể được trao giải Nobel. Lúc này, vaccine Covid-19 vẫn chưa giúp nhân loại hoàn toàn thoát khỏi đại dịch.

vaccine covid-19 anh 2

Vaccine Moderna và Pfizer-BioNTech sử dụng công nghệ mRNA. Ảnh: Reuters.

Ủy ban Nobel nổi tiếng thường trao giải cho các nghiên cứu nhiều năm sau khi chúng đã chứng minh giá trị, để có thể đánh giá tác động toàn diện của các nghiên cứu ấy.

"Tôi không nghĩ họ sẽ giành giải. Có lẽ nghiên cứu của họ sẽ được cân nhắc trong tương lai nhưng năm nay thì rất đáng ngờ là không", David Pendlebury, chuyên gia của tổ chức tư vấn Clarivate Analytics, cho biết.

"Công nghệ này sớm muộn gì cũng sẽ giành giải Nobel, đó là điều tôi chắc chắn. Câu hỏi chỉ là khi nào", Ali Mirazami, giáo sư Viện nghiên cứu khoa học Karolinska của Thụy Điển, nhận xét.

Mỗi năm, Ủy ban Nobel trao các giải thưởng trong 6 lĩnh vực gồm y sinh học, vật lý, hóa học, văn học, khoa học kinh tế và hòa bình.

Người giành giải Nobel sẽ được trao bằng chứng nhận, huy chương giải Nobel, và giải thưởng bằng tiền trị giá khoảng 1,1 triệu USD.

Nobel Kinh tế vinh danh hai nhà khoa học Mỹ

Giải Nobel Kinh tế 2020 vinh danh hai nhà khoa học người Mỹ, Paul R. Milgrom và Robert B. Wilson, cho nghiên cứu về thuyết đấu giá và phát minh hình thức đấu giá mới.

Người Việt đầu tiên được trao giải 'Nobel Môi trường'

Một công dân Việt Nam đã được trao giải thưởng Goldman Environmental Prize danh giá nhờ những đóng góp trong bảo tồn loài tê tê.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm