Sylvia Plath (1932 - 1963) được xem là một trong những nữ văn sĩ nổi tiếng nhất của Mỹ ở thế kỷ 20. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, bà đã sáng tác nhiều tác phẩm mà hàng chục năm sau vẫn được đọc và nghiên cứu trên toàn cầu. Được biết đến với phong cách xưng tội (confessional writing), tập thơ của bà đã được trao giải Pulitzer vào năm 1982 - một điều hiếm thấy trong lịch sử giải thưởng này chỉ trao cho những người còn sống. Ảnh: Laboratori Poesia. |
Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của bà, Elin Cullhed, người ra mắt cuốn tiểu thuyết Euphoria về bà Plath vào năm 2021, đã chia sẻ một số tác phẩm của nữ văn sĩ lớn này. Ảnh: Canongate Books. |
Trong toàn bộ sự nghiệp viết lách, bà Sylvia Plath có một cuốn tiểu thuyết và rất ấn tượng. Bell Jar (Quả chuông ác mộng) là câu chuyện của một phụ nữ trẻ ở Mỹ vào những năm 1950 với nhiều tình tiết và đoạn độc thoại nội tâm bộc lộ các chủ đề cấm kỵ thời bấy giờ. Các vấn đề như trầm cảm, tự tử, giải phóng tình dục nữ hay quá trình điều trị tâm thần bằng thuốc hay sốc điện đã diễn ra với cô gái trẻ giữa một xã hội còn thiếu sự cảm thông. Nữ nhân vật Esther Greenwood rất muốn giải phóng mình, được thể hiện qua nhiều hành động như ném những món đồ hiệu xa xỉ ra ngoài đường vào giữa đêm New York hay thậm chí tìm cách tự tử. Quả chuông ác mộng là một cuốn tiểu thuyết phủ đầy màu sắc u ám và muốn từ bỏ bản thân của một cô gái chịu nhiều áp bức trong xã hội. Ảnh: Amazon. |
Cốt lõi sáng tác của Plath là một nhà thơ. Thơ là nơi bà thể hiện hình ảnh của mình, cá tính và bản sắc của bản thân. Chỉ bằng sức mạnh ngôn từ, những bài thơ của bà đã đi vào tầng sâu nhất của ý thức và đôi khi khiến người đọc không chắc chắn: Bài thơ thực sự nói về điều gì, điều gì nằm trong tầng ý nghĩa sâu nhất của bài thơ? Do vậy, bộ sưu tập thơ của bà The Collected Poems là cơ hội duy nhất để hiểu được con đường phát triển thơ ca của Sylvia Plath, người từng bước vượt qua giới hạn trong lĩnh vực văn học lúc bấy giờ. Ảnh: Amazon. |
Không thể bỏ qua là 14 bức thư mà Plath gửi cho bác sĩ tâm thần Ruth Beuscher trong sáu tháng cuối đời vào năm 1962-1963. Những bức thư này được phát hiện vào năm 2017 (trước đây thuộc sở hữu tư nhân) và được xuất bản vào năm 2018 với tên gọi The Letters of Sylvia Plath: Volume 2: 1956-1963. Trong những bức thư này, Plath đã thể hiện rõ nét cuộc sống của một người mẹ với những đứa con nhỏ trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương bằng giọng văn xuôi rõ ràng và linh hoạt. Con gái của Plath và Ted Hughes là Frieda Hughes đã viết một lời tựa sâu sắc cho ấn bản này để kể lại cảm giác lần đầu tiên đọc những bức thư cuối cùng của mẹ mình. Ảnh: Amazon. |
Plath đã viết bài luận America! America! chỉ vài tuần trước khi bà tự tử ở tuổi 30. Bài luận này được xuất bản lần đầu trên tạp chí Punch, hai tháng sau khi bà qua đời và sau đó được đưa vào tuyển tập Johnny Panic and the Bible of Dreams. Trong tác phẩm này, Plath chia sẻ về quá trình bà được nuôi dạy một cách bảo thủ ở Mỹ trong những năm 1940-1950 và điều đó đã bóp nghẹt tài năng của bà. America! America! là tác phẩm dành cho bất kỳ ai muốn hiểu cảm giác có một tuổi thơ đầy gò bó. Ảnh: British Library. |
Tác giả Heather Clark gợi ý trong cuốn tiểu sử Red Comet rằng Plath đã đến rạp chiếu phim ở London vào năm 1961 và xem bộ phim So Close to Life của Ingmar Bergman. Tác phẩm này đã truyền cảm hứng cho bà Plath về sự chân thực và dễ bị tổn thương của tình mẫu tử thông qua những khoảnh khắc cận kề giữa cái chết và sự sống của vai trò làm mẹ, điều này có lẽ đã kích hoạt mọi thôi thúc văn học trong Plath. Một năm sau, bà Plath viết tác phẩm Three Women, ngay sau khi con trai của bà ra đời. Dù bối cảnh của tình mẫu tử được diễn tả rất thực tế, có phần thô bạo, vẫn có một số đoạn văn thể hiện cảm xúc dịu dàng nhất của tình cảm thiêng liêng này. Plath không muốn con trai trở thành điều đặc biệt vì “sự đặc biệt khiến ma quỷ quan tâm”. Plath muốn cậu bé là của chung, để cậu bé được yêu cũng như cách bà yêu cậu bé. Có thể nói Three Women là một tác phẩm tuyệt vời của văn học thế giới và xứng đáng được quan tâm nhiều hơn. Ảnh: Abebooks. |
"Tôi tin rằng có những người đang nghĩ như tôi, những người đã nghĩ như tôi và những người sẽ nghĩ như tôi". Đây là câu nói được trích trong tác phẩm The Journals of Sylvia Plath (do Karen V Kukil biên tập). Trong tác phẩm này, quan điểm của Plath được thể hiện một cách đầy đủ và rõ ràng - điều không phải lúc nào cũng được truyền tải trong các tác phẩm hư cấu cùng thời của bà. The Journals of Sylvia Plath nói lên con người đích thực của Plath: Trong đó, bà dám thất bại, có suy nghĩ mâu thuẫn và có cả những cảm xúc bị cấm đoán. Ảnh: Amazon. |