Đây là một hoạt động ý nghĩa, đem đến cho người đọc cái nhìn mới mẻ về cuộc đời của một trong những nữ nhà thơ, nhà văn nổi tiếng nhất của nước Mỹ thế kỷ XX.
Tiến sĩ Gabriel Heaton, chuyên gia nghiên cứu lịch sử và văn học Anh của Sotheby's cho biết việc mở bán sẽ chính thức diễn ra vào ngày 9/7. Gia đình Plath cho rằng những kỷ vật này hẳn sẽ đem đến một hình ảnh Plath tươi vui cùng một tình yêu mãnh liệt mãi luôn dành cho Hughes.
Một bức vẽ của Sylvia Plath. Ảnh: Sotheby's. |
Ba mươi hai bức thư trong buổi đấu giá được chọn lựa từ hàng trăm bức thư mà Plath viết cho Hughes vào tháng 10/1956 đến năm 1961. Heaton cho rằng những bức thư không chỉ thể hiện khao khát của Plath trong việc níu kéo Hughes mà còn bộc lộ những góc khuất trong cuộc sống của nữ nhà thơ.
Heaton chia sẻ: “Những bức thư cho thấy mối quan hệ tình cảm sâu sắc của Plath và Hughes từ những ngày chớm nở. Người con gái ấy đã vui mừng như thế nào về một tương lai xán lạn có nhau. Độc giả hẳn sẽ đồng cảm với cảm xúc mãnh liệt ấy, cũng như những ‘phản ứng hóa học’ diễn ra khi hai người cùng nhau sáng tác văn chương.”
Nội dung những bức thư có đề cập đến việc Plath khích lệ Hughes, lúc đó vẫn chưa được biết đến trên văn đàn, tham gia cuộc thi Harpers danh giá. Chiến thắng trong cuộc thi vào năm 1957 và sự thành công của tập thơ Đại bàng dưới mưa đã tạo tiền đề cho tên tuổi của Hughes lừng danh trong giới mộ điệu sau này.
Một đồ vật đáng chú ý khác đó là cuốn album ảnh gia đình, có những dòng ghi chép của Plath, viết về chuyến đi phiêu du khắp nước Mỹ, cùng ảnh chụp những nơi họ ghé qua: Chuyến đi câu cá ở hồ Yellowstone, du ngoạn với bạn bè, bao gồm cả nhà thơ T.S. Eliot.
Những kỉ vật chủ yếu mô tả khoảng thời gian ngay sau tuần trăng mật của cặp đội, mãi cho đến những năm cuối cùng của họ tại Deavon, được Heaton mô tả “cuốn album của những yêu thương”.
“Có rất nhiều ảnh chụp những ngày họ cùng nhau du lịch khắp mọi nẻo đường ở Mỹ, mà sau này được Hughes nhắc đến trong tập thơ Những bức thư sinh nhật, xuất bản năm 1998. Khái quát mà nói thì cuộc hôn nhân đó là một bức tranh đẹp đẽ”, Heaton cho hay.
Kỷ vật còn có một bộ bài tarot được Hughes tặng cho Plath, một bức tượng nhỏ về Ai Cập Hughes tặng cho Plath trong tuần trăng mật và rất nhiều bức vẽ về Hughes mà Plath đã vẽ khi cặp đôi đi nghỉ tại Benidorm.
Sách Quả chuông ác mộng. Ảnh: Nhã Linh. |
Những nét hài hước trong tính cách của Plath cũng được thể hiện qua những bức thư. Có những bức viết về sự khinh bỉ của bà đối với cuộc sống ở Cambridge, có bức tranh mô tả cảnh Plath trong vai người hầu gái đang tấn công một vị khách vào ăn tối bằng rìu.
Những kỷ vật ít nhiều đều mang đậm nét cá nhân của Plath, giúp độc giả nhìn nhận thêm nhiều khía cạnh của bà cũng như mối tình tốn nhiều giấy mực giữa bà và Hughes.
Cuộc hôn nhân của Sylvia Plath và Ted Hughes hẳn sẽ viên mãn nếu không có sự chen ngang của kẻ thứ ba, Assia Wevill, cũng là một nữ thi sĩ.
Trong một lần cùng chồng là David Wevill tham dự buổi tiệc gặp mặt các nhà thơ, tổ chức tại tư gia của cặp Ted - Plath, Assia đã gặp Ted và bi kịch bắt đầu từ đấy.
Khi biết Ted ngoại tình, Sylvia Plath đã chọn cách quyên sinh bằng khí gas, chỉ vài tháng sau khi Quả chuông ác mộng được ra mắt bạn đọc vào năm 1963. Sau đó, Ted Hughes kết hôn với nhân tình, nhưng cũng chỉ được một thời gian, Assia Wevill cũng chọn cách tự tử y hệt những gì Sylvia Plath đã làm, thậm chí còn giết chết đứa con chung giữa hai người bằng thuốc ngủ.
Năm 2009, con trai của Ted và Plath cũng treo cổ tự tử tại nhà riêng.
Sylvia Plath là nhà thơ Mỹ. Chỉ trong vòng 30 năm, Plath đã để lại khối lượng sáng tác đồ sộ, gồm nhiều tập thơ và 50 truyện ngắn, đều được giới phê bình đánh giá cao. Bà cũng là trường hợp duy nhất nhận được giải Pulitzer danh giá vào năm 1982, điều hiếm thấy khi giải thưởng được trao cho người đã qua đời.
Cuốn tiểu thuyết duy nhất của Plath, Quả chuông ác mộng, mang đậm màu sắc cá nhân, tự thuật chính cuộc đời bà, kể về Esther Greenwood, một cô gái bị trầm cảm nặng nề trong thời gian làm việc cho một tạp chí thời trang ở New York.