Những chiếc máy quay nhện lơ lửng giữa sân vận động. Ảnh: NBC. |
Tại World Cup 2022, FIFA sử dụng 42 máy quay xung quanh sân đấu để ghi lại mọi khoảnh khắc. Trong đó, góc máy từ trên xuống, thường có mặt trong những tình huống chiếu lại bàn thắng, tập trung tại vòng cấm với góc nhìn toàn cảnh, tạo ấn tượng với người xem tại nhà.
Những chiếc máy quay này như chú nhện khổng lồ, bổ nhào từ trên không xuống gây bất ngờ với người ngồi trên khán đài. Hoạt động dựa vào hệ thống dây cáp nối với các góc sân, skycam hay spidercam là tổng hợp của đầy đủ những công nghệ tân tiến trong ngành máy tính, truyền hình.
Nguyên tắc hoạt động
Trước khi flycam phổ biến, sky camera là giải pháp hiếm hoi cho góc quay từ trên cao. Công nghệ này gồm một máy quay điều khiển từ xa, được gắn bằng dây cáp nối đến các góc sân.
Để bắt đầu, phải có 4 điểm cao để gắn dây cáp. Đa số sân bóng đá đều có các vị trí này ở khán đài. Trong khi đó, một số trường hợp phải dựng các trụ cao tạm thời để gắn máy quay. Tại mỗi vị trí được bố trí một cuộn dây làm bằng sợi kevlar, đường kính 2,5 mm. Đồng thời, có một máy tính riêng để điều khiển động cơ, kéo chính xác các sợi dây khi cần.
Skycam yêu cầu một đội ngũ vận hành phức tạp. Ảnh: The Hindu. |
4 sợi dây sẽ tập hợp lại ở một điểm ở giữa, nơi đặt camera. Thành phần trụ giữ máy quay lơ lửng được gọi là “Spar”. Thông thường, bộ phận này nặng khoảng 22,7 kg với một máy quay, cảm biến ổn định, micro và motor xoay. Máy quay có thể xoay 360 độ và nghiêng 180 độ để tạo ra tầm nhìn chính xác về hành động trên sân.
Tín hiệu video được truyền về dọc theo dây đeo, kết hợp với cáp quang để đưa dữ liệu tốc độ cao. Với cách này, tín hiệu được đảm bảo ổn định, chính xác hơn các hình thức truyền dẫn không dây.
Cả hệ thống này yêu cầu cả một đội để điều khiển hàng chục tham số. Nó ghi nhận dữ liệu đầu vào từ người điều khiển máy quay, đường bay máy ảnh và kỹ thuật viên lấy nét, xoay trục thiết bị.
So với các loại máy quay gắn lên máy bay không người lái (flycam), skycam có tải trọng lớn hơn nên tạo ra chất lượng hình ảnh cao. Đồng thời, nó có khả năng theo dõi tình huống và truyền dữ liệu tin cậy hơn. Một chiếc skycam thông thường có thể bám theo các cầu thủ với tốc độ 48,3 km/h ngay tức khắc.
Góc máy trên cao tại World Cup 2022, dùng máy quay con nhện. Ảnh: VTV. |
Hệ thống phần mềm cũng tính toán các khu vực cấm bay để tránh va chạm. Trong bóng đá, skycam được đặt thấp nhất 21 m, không ảnh hưởng đến tình huống bóng.
Thực tế, thiết bị này vẫn gây ra một số bất tiện. Ví dụ, có trường hợp thủ môn phát bóng trúng máy quay khi nó lơ lửng ở giữa sân. Ngoài ra, một số lần dây cáp bị đứt, gây ra tai nạn khiến nhiều người bị thương.
Nguồn gốc của máy quay con nhện
Theo HowtoStuff, nhà phát minh kiêm doanh nhân Garrett Brown là cha đẻ của hai giải pháp máy quay phổ biến trong truyền hình hiện đại, steadicam (camera di chuyển) và skycam (camera treo trên không). Vào đầu những năm 1970, Brown nhận ra rằng cần có một cách để quay phim không cần thanh trượt truyền thống, tốn thời gian.
Ông đã sáng tạo ra steadicam, một chiếc áo vest được trang bị thiết bị đối trọng để hạn chế rung lắc khi người quay phim di chuyển theo chủ thể. Giải pháp này trở nên phổ biến và được áp dụng trong nhiều bộ phim bom tấn tại Hollywood.
Garrett Brown là cha đẻ của công nghệ steadicam và skycam. Ảnh: Academy Musium. |
Thành công của steadicam khiến Brown táo bạo hơn trong thử nghiệm. Ông muốn tạo ra một góc quay từ trên xuống để ghi lại những trận đấu thể thao. Máy bay trực thăng không khả thi bởi yêu cầu không gian vận hành lớn, chi phí cao. Ông lập bản thiết kế một thiết bị lướt được trong không gian mở, cung cấp cái nhìn toàn cảnh bên dưới.
Đến năm 1984, skycam lần đầu được áp dụng tại một trận đấu thuộc giải bóng bầu dục NFL. Tuy nhiên, các trận đấu sử dụng công nghệ này dần thưa thớt vì chi phí vận hành đắt đỏ. Camera con nhện bị đắp chiếu đến những năm 2000.
Sau đó, Winnercomm đã mua Skycam vào 2004. Bằng sáng chế cho giải pháp này hết hạn, nhiều công ty khác tham gia vào việc cạnh tranh sản xuất. Tuy nhiên, dù đến từ công ty nào, một chiếc skycam cũng có giá hàng chục nghìn USD cùng đội ngũ vận hành chuyên nghiệp. Do đó, nó gần như chỉ xuất hiện tại các sự kiện lớn.
World Cup 2010 là giải đấu đầu tiên được áp dụng góc nhìn từ trên xuống bằng những camera treo cáp trên cao. Mãi đến 2017, góc máy này mới được sử dụng tại các sân đấu của Anh.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.