Croatia vượt qua Nhật Bản nhờ loạt sút luân lưu. Ảnh: Reuters. |
Loạt sút luân lưu trên chấm 11 m là cách thức phân định thắng thua khi hai đội bóng cầm hòa nhau sau 120 phút thi đấu. Tại World Cup 2022, trận đấu đầu tiên phải phân định bằng hình thức này là giữa Croatia và Nhật Bản, khi tuyển Nhật bị loại vì sút trượt tới 3/4 trái đầu tiên.
Đây vốn được xem là một cuộc chơi đậm tính may rủi và nặng về tâm lý. Tuy nhiên, các nhà khoa học dữ liệu cho rằng việc thống kê lại các cú sút có thể tìm ra được nguyên lý của trò chơi này.
Vị trí được sút nhiều nhất
Cụ thể, nhà khoa học dữ liệu Pablo L. Landeros đã xem lại toàn bộ video đá phạt đền tại tất cả các kỳ World Cup từ 1982 đến nay để lập bảng dữ liệu. Ông Landeros chia khung thành thành 3 khu vực sút bóng với kích thước bằng nhau.
Đầu tiên, các cầu thủ có xu hướng đưa bóng vào khu vực bên trái nhiều hơn bên phải. Cụ thể, 46% người chơi sút chọn đá bóng về hướng này. Trong khi đó, cầu môn bên phải nhận về 40% cú sút luân lưu. Vị trí trung tâm, nơi thủ môn trấn giữ chỉ nhận được khoảng 13% cú sút. Điều này là dễ hiểu bởi đưa bóng đến các vị trí xa người gác đền sẽ giúp tăng tỷ lệ thành công của quả luân lưu.
Tỷ lệ giữa các khu vực trên cầu môn được các cầu thủ chọn sút penalty. Ảnh: Vox. |
Đi cùng với tỷ lệ sút bóng là phần trăm cản phá thành công. Landeros chỉ ra phía bên trái chiếm 26% tổng số cú sút bị ngăn chặn. Ở giữa là 15% và 23% cho khu vực còn lại.
Khi chia các phần cầu môn thành ô nhỏ hơn, người dùng dễ dàng hình dung phần được tấn công nhiều nhất. Theo đó, góc dưới bên trái nhận 23% tổng số cú sút 11 m tại World Cup kể từ 1982. Khu vực góc dưới bên phải nhận về 17% trên tổng số lần đá. Đây là hai phần của khung gỗ được các chân sút tìm đến nhiều nhất.
Dữ liệu cũng cho thấy các cầu thủ ưa chuộng việc sút ở phần dưới khung thành hơn khu vực trên cao.
Góc xa dễ vào hơn
Dựa trên dữ liệu đã thu thập, ông Landeros chỉ ra rằng vị trí ở giữa, sát xà ngang là khu vực tệ nhất để sút penalty. Vị trí này ngay trung tâm, có thể bị thủ môn cản phá hoặc quá chân đưa bóng vọt xà. Nó chỉ có 58% tỷ lệ thành công.
Trong khi đó, khu vực được đá nhiều nhất, góc dưới bên trái, cũng chỉ đạt 63% tỷ lệ thành công. Điều này có thể lý giải bằng việc các thủ môn cũng nghiên cứu thống kê và thấy được đây là khu vực được nhiều cầu thủ tấn công lựa chọn nên họ sớm nghiêng người cản phá.
Góc trên bên phải là vị trí sút luân lưu có tỷ lệ thành công cao nhất tại World Cup. Ảnh: Vox. |
Khu vực đạt tỷ lệ thành công cao nhất là góc trên, bên phải. Vị trí này có nhiều rủi ro sút ra ngoài nếu dư lực. Tuy nhiên, góc xa khiến các thủ môn khó cản phá. Đồng thời, chỉ 6% cầu thủ tấn công chọn đá vào khu vực nói trên. Do đó, tỷ lệ thủ môn chọn bay người đến hướng này không cao.
Tuy nhiên, từ dữ liệu thống kê, mỗi cầu thủ có cách xử lý khác nhau để đưa ra giải pháp sút phù hợp. Điều này tiếp tục như một cuộc đấu trí. “Có hai cách để tiếp cận thống kê. Cách đầu tiên là tin vào tỷ lệ. Phương án còn lại là tiếp cận kiểu Bayes”, ông Landeros nói.
Ở hướng thứ hai, người sút sẽ phân tích nhiều thông số khác liên quan để tính toán xác suất cho trường hợp đúng.
Một ví dụ tiêu biểu cho cách áp dụng các thống kê vào cú sút là cách Zidane làm tung lưới tuyển Italy ở chung kết World Cup 2006. Ông chạy đà mạnh từ hướng trái sang phải. Dựa trên tính toán, đây là một cú sút đến góc trên, bên phải, nơi có tỷ lệ thành công cao nhất.
Trong khi đó, thủ môn chọn nghiêng người về hướng góc trái dưới. Vị trí vốn có tỷ lệ sút đến cao nhất. Cuối cùng, Zidane đá kiểu Panenka, đưa quả bóng lên vị trí ở giữa, sát xà ngang. Đây vốn là khu vực có tỷ lệ thành công thấp nhất và ít được thủ môn bảo vệ. Đó là lý do Vox gọi bàn thắng của Zidane là quả penalty vĩ đại nhất lịch sử.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.