Nấu ăn là một nghệ thuật, đầu bếp cũng được xem là nghệ sĩ. Nhiều tác giả trẻ đã thể hiện chất “nghệ sĩ” ấy không chỉ qua cách chế biến ẩm thực mà còn qua từng trang viết.
Nếu Bếp Đơn dẫn dắt bạn đọc đến thăm từng góc nhỏ trong căn bếp của mình, sau đó bày biện một bữa tối thịnh soạn với sự chuẩn bị kỳ công; blogger Linh Trang “trót cuồng dại, si mê” với “người tình” mang tên căn bếp; thì Hoàng Anh và Chi Anh viết nên tình yêu với những món ăn không biên giới.
Tác giả Bếp Đơn kể về nghề đầu bếp. Ảnh: Thu Huệ. |
Trải lòng về nghề đầu bếp
Ăn tối cùng chef và nói chuyện bếp là tác phẩm của Bếp Đơn - người lập ra fanpage cùng tên nổi tiếng trên mạng xã hội. Qua cách trò chuyện bộc trực, chân thành, độc giả sẽ thỏa trí tò mò về nghề đầu bếp và nơi tạo ra nhiều mỹ vị trên đời.
Cuốn sách thuộc thể loại tạp bút, kể những câu chuyện xoay quanh gian bếp trong nhà hàng nhưng lôi cuốn người đọc bởi niềm đam mê quyết liệt: “Tôi chỉ muốn làm bếp, tôi chỉ muốn nấu ăn”. Bên cạnh đó là góc nhìn sắc sảo, tinh tế của người trong nghề, cùng giọng văn mạch lạc, pha chút dí dỏm.
Mỗi phần của tác phẩm ứng với món trong thực đơn của bữa tiệc trọn vẹn tại nhà hàng: Khai vị - Món gỏi, Món xúp, Món hấp, Món xào, Món hầm, Món kết thúc vị mặn và Tráng miệng.
Qua từng phần, độc giả sẽ ngạc nhiên khi đọc những đoạn bàn về sự hỗn loạn trong buổi phục vụ một bữa tiệc, về nước dùng, cách chọn dao, thớt, nồi niêu, xoong chảo...
Trên tất cả, cuốn sách phản ánh một cách chân thực nghề bếp thông qua hình ảnh của những người làm bếp: Bình dị, máu lửa, nhiệt huyết với nghề, nhưng cũng có lúc hoang mang, rớt xuống đáy sự nghiệp, rồi lại quyết tâm và hy vọng để vực dậy.
Sách cũng chỉ ra các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, bài học về cách tôn trọng nguyên liệu, xếp đồ trong tủ lạnh, tốc độ làm đồ ăn cho khách, xây dựng hương vị trong một món ăn hay cách bày biện đồ ăn sao cho khoa học, bắt mắt.
Những vấn đề tác giả đặt ra vừa mang đặc thù của nghề bếp, vừa có thể thấy ở nhiều công việc khác: Thái độ nào để bắt đầu công việc, đi theo số lượng hay chất lượng, cách để học hỏi và truyền thụ, làm sao để giữ chuẩn mực trong công việc, cơ hội nào cho người trẻ khi làm việc với người lớn tuổi…
Cuốn sách tập hợp công thức nấu ăn của blogger Linh Trang. Ảnh: Thu Huệ. |
Bếp là “người tình”
Tiếp nối Nhật ký học làm bánh tập 1 và 2, Khi bếp vắng lò tập hợp những công thức nấu ăn không cần dùng lò nướng của blogger Linh Trang với mong muốn mỗi người đều có thể tự tay làm những món ăn ngon dành cho gia đình, bạn bè và bản thân.
Chia sẻ về tình yêu bếp, Linh Trang ví: “Giống như khi bạn trót phải lòng một ai đó, rồi bạn yêu đến cuồng dại, si mê. Có những khi người ấy làm cho bạn cảm thấy thất vọng và đau lòng. Và cũng có nhiều khi bạn nhìn thấy những điểm xấu của người ấy. Nhưng bạn tiếp tục mà không thể nào giải thích được lý do. Bếp đối với tôi là một ‘người tình’ như thế”.
Trong “cuộc tình” ấy, cô luôn nghĩ rằng điều may mắn nhất của mình là tự học nấu nướng bắt đầu từ con số 0 chỉ qua sách vở và các kinh nghiệm chia sẻ trên mạng.
Theo Linh Trang, ước mơ tự tay làm ra những món ăn ngon rất đáng được ủng hộ, bất kể người “nằm mơ” là ai, làm công việc gì, ở độ tuổi nào. Bởi vậy, cô mong cuốn sách này sẽ tiếp thêm cho độc giả nhiều cảm hứng để vào bếp, khiến mỗi ngày trôi qua đều là một ngày ngọt ngào đầy hương vị.
Đây là cuốn sách chào mừng sinh nhật lần thứ năm của website “Savoury Days” (trang do cô lập ra với 56 triệu lượt truy cập chỉ sau 5 năm). Nơi đây tập hợp rất nhiều người có cùng tình yêu bếp cũng như mong muốn tự mình làm ra những món ăn ngon, chiếc bánh đẹp cho người thân yêu.
Sách bao gồm 40 công thức món ngọt cùng hướng dẫn chi tiết về nguyên liệu, dụng cụ và những hình ảnh đẹp mắt. 5 chương sách: Bữa tối lãng mạn, Tụ tập bạn bè, Đồ uống, Dành cho con và Tiệc tùng giúp người đọc chọn được công thức phù hợp cho mình.
Sách của hai tác giả Hoàng Anh và Chi Anh. Ảnh: Cungdocsach.vn. |
Tình yêu bếp xuyên biên giới
Chuyện hai căn bếp của tác giả Hoàng Anh và Chi Anh là cuốn cookbook nằm trong bộ Kitchen Art: Giấc mơ không biên giới.
Cuốn sách là câu chuyện có thật về tình bạn xuyên biên giới của hai tác giả. Câu chuyện đặc biệt đó được kể qua những món ăn, nguồn cảm hứng giúp gắn kết tình bạn giữa hai con người cách nhau hơn 7.000 km.
Do đó, sách gồm nhiều sự kết hợp bất ngờ mà đầy thú vị với nền ẩm thực đến từ nhiều mảnh đất cùng những trải nghiệm ngọt ngào và phần hình ảnh được đầu tư, chăm chút kỹ lưỡng bởi nhiếp ảnh gia ẩm thực Kiyoshi Jiro.
Hai tác giả đưa ra rất nhiều gợi ý cho những món ăn theo mùa: “Khi đông đến, bạn có món gà sốt vang đỏ kiểu Pháp ấm nóng ngất ngây. Vào mùa hạ nóng nực, bạn nấu canh kim chi Hàn Quốc và đậu phụ Nhật chiên muối tiêu mát lành”.
Bên cạnh đó, sách còn mang đến thực đơn hấp dẫn cho một ngày với đầy đủ món ăn đến từ các vùng, miền khác nhau: Buổi sáng là món mì nui Hong Kong. Buổi trưa là bún cá hồi thơm ngon biến tấu từ bún chả Việt Nam. Buổi tối là bánh mì kẹp tôm sả. Hay những đồ ăn vặt như bánh táo, bỏng ngô, kem, thạch dừa vào lúc rảnh rỗi uống trà đọc sách, tán gẫu với bạn bè, chuyện trò cùng người thân.
Qua những món ăn đa dạng hương sắc và dư vị đó, các tác giả truyền cảm hứng đến từng căn bếp mỗi nhà, khiến mỗi món càng trở nên ngọt ngào hơn.