Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bún lạ lùng: Thèm món bún tiêu, xiêu lòng bún sung

Bún tiêu chẳng phải từ tiêu, mà xuất xứ từ... ẩm thực người Tiều. Trong khi đó, bún sung chắc chắn không thể thiếu... sung.

Trong những món "bún lạ lùng" mà nhà "ẩm thực học" Lê Lade phân loại, bún tiêu và bún sung nghe đã lạ ngay từ tên gọi vì không phải ai cũng biết nó có mặt trong "ngân hàng" bún.

Bun la lung: Them mon bun tieu,  xieu long bun sung anh 1

Món bún tiêu có xuất xứ từ... Sóc Trăng. Ảnh: Foody.

Bún tiêu

Món bún tiêu ở Sài Gòn tìm kiếm... cũng muốn tiêu con mắt. Ngược lại, cũng ở xứ Sóc Trăng như bún gỏi dà thì có bán hà rầm.

- Vậy bún tiêu này xuất xứ ở Sóc Trăng luôn rồi và chắc chắn phải nấu có tiêu rồi hén - Tên Tư Cà Khịa hỏi.

Tên Học Dã “ừ”:

- Cả hai đều đúng y chang. Và có một điều thú vị nữa là xuất phát từ người Tiều nhập cư nước ta, có đồng âm với tiêu. Bây giờ nhường lại cho Nàng Hai, Nàng Hai biết món này mà.

Nàng Hai Hóng Hớt vui vẻ trình làng:

- Bún tiêu ảnh hưởng từ món vịt tiềm của người Tiều á. Nghe tiềm có vẻ cực nhưng thiệt sự nấu đơn giản thôi. Thịt vịt và bộ lòng đem ướp tiêu xanh đập dập, tỏi, hành tím bằm nhuyễn, đường, bột ngọt, màu điều, ướp nhiều nhiều tiêu nha nên nước lèo có vị cay xè luôn.

Sau khi thịt thấm thì chiên sơ qua, rồi cho nước ninh xương và nước dừa tươi vô mà tiềm. Tiềm cho tới khi thịt mềm thiệt mềm là xong. Sắp rau sống dưới tô, cho bún lên trên rồi chan nước lèo với thịt, với lòng, thích gì múc nấy mà hít hà… hít hà… hương vị cay cay nồng nồng.

Về sau bún tiêu có biến tấu nấu với giò heo gọi là bún tiêu giò, nhưng có thêm thịt bắp bò luộc.

Nàng Hai trình làng món bún tiêu nghe nồng cay “xé phay trời đất”.

Bun la lung: Them mon bun tieu,  xieu long bun sung anh 2

Bún sung là món lạ miệng, chắc chắn làm sung sướng cái miệng và dạ dày. Ảnh: Foody.

Bún sung

"Bằng... bằng liên thanh..." cho tới rớt cái cò từa tựa dấu sắc, còn lại là sung thôi hen, và có lẽ ăn bún này sẽ… - Lade tui “Gần mực thì đen”, gần tên Tư Cà Khịa thì ảnh hưởng khịa, khịa nhưng chưa nói hết thì bị Nàng Hai Hóng Hớt bắt bài, chặn ngang:

- Cũng bớt giỡn đi, xin hai chữ “tâm an”. Sung ở đây đơn thuần là trái sung, chẳng có sung thiên sung địa gì đâu á. “Ha ha”.

Tên Học Dã hỏi:

- Tui hoàn toàn hông biết loại bún này, có dây mơ rễ má gì với xứ Vũng Tàu, ở gần kề gì hông vậy?

Nàng Hai cười “khì”:

- Chẳng có dây mơ rễ má, gần xa họ hàng chi hết. Cây sung và bông súng có liên quan chi đâu. Bún sung ở tuốt luốt ngoài… Nam Định á. Ở Sài Gòn tìm cũng đỏ con mắt luôn. Món này ngoài Nam Định cũng thuộc hàng “hảo hảo” của bà con cô bác.

Bún sung ăn với sung và khế muối chua cùng với tóp mỡ, nhiều người còn gọi là bún tóp mỡ. Thiệt ra thì đây là hai thứ ăn kèm chứ bún là bún riêu có thêm tóp mỡ. Khế và sung chua chua, chát chát làm tăng hương vị, lạ lạ miệng cho dễ ăn cũng là để đỡ ngán.

Nhớ câu “Lòng vả cũng như lòng sung” nên Sáu Quỷnh tui hỏi:

- Có bún sung vậy chắc có bún vả chứ hè? Vả có ở xứ Huế nhiều, làm nhiều món ngon trong đó có muối chua đó hè.

Nàng Hai nói:

- Có nghe tới bún vả, nhưng đó là vả cho rụng răng mấy cha nội có máu dê xồm. Chưa nghe bún vả bao giờ. Nhưng cũng nảy ra ý hay á, có thể bữa nào nấu bún vả ăn xem sao.

- Bữa nào Hai nấu ăn chơi thử coi nhưng trước hết nấu bún sung đi đã, nghe sung sung khoái quá - Tên Tư Cà Khịa dụ khị.

Nàng Hai đáp lời làm cả đám quê thiệt là quê:

- Nấu, nấu cái gì mà nấu, nấu cho các ông ăn để rồi như vầy sao:

"Ăn sung ngồi gốc cây sung

Ăn rồi lại ném tứ tung ngũ hành".

Bún mắm nêm nổi danh xứ Quảng

Dù chưa rõ gốc gác, canh bún chẳng phân biệt thực khách phương nào, còn bún mắm nêm thì ngon nhất, không đâu qua đất Quảng Đà.

Lê Lade / NXB Tổng hợp TP.HCM

SÁCH HAY