Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà thành ẩm thực

Tô Tịch, Hàng Hành, Cấm Chỉ, Tạm Thương, Tạ Hiện là những ngõ ăn uống. Không hiểu sao khách sành lại cứ thích vào ăn trong ngõ.

Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần; nước mắm Vạn Vân, cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây. Câu ca nói về những “đặc sản nông nghiệp” vùng Thăng Long và phụ cận ấy, giờ có lẽ chỉ để nhắc nhở một vốn cổ.

Sự ăn uống của nhà giàu đã hiện đại hơn với xu hướng thịnh soạn, tốn nhiều cho đồ uống. Quà quê chân truyền giờ còn đậu Mơ, bánh cuốn Thanh Trì, cam Canh, bưởi Diễn, kẹo bột kẹo vừng kẹo dồi Thanh Liệt, cá Đại Kim, hồng xiêm Xuân Đỉnh...

Hàng ngày, rượu Hữu Hòa từ phía Nam lên trong bong bóng trâu lúc tảng sáng, chủ yếu trên xe đạp. Ngược lại, rượu Vân nghe nói nấu toàn sắn nhưng men ngon về nội thành công khai trên xe lam, trong những bao to bằng mành lốp ô tô máy rất kỹ.

Làng Láng (Thượng và Hạ) dù đất ngày một hiếm vẫn là nơi cho gia vị độc, mỗi lá húng, cọng răm, lát riềng không thể lẫn với những thức trồng nơi khác.

Quà quê bây giờ hầu như dành cho giới bình dân. Sáng sáng, những anh xe, cửu vạn, người buôn bán nhỏ, công chức èng èng thích đánh xôi lúa, xôi xéo cho chặt bụng, bữa trưa bữa chiều có khi đả cơm bụi.

Kỷ nguyên cặp lồng, tượng trưng cho sự tiết kiệm do nghèo túng đã qua đi, thế vào là cơm bụi, có lẽ chỉ trừ khu công sở, dinh thự, còn phố nào cũng vài ba hàng.

A day roi Ha Noi 7 mon anh 1

[...]

Cơm bụi ăn ngay, ăn nhanh đang chiếm lĩnh thành phố sống mỗi ngày mỗi hối hả hơn vì nhu cầu làm ăn, giản tiện sinh hoạt.

Cái câu nói rất Mỹ “thì giờ là tiền bạc” đã bắt đầu đúng với người Hà Nội, con cháu của những sĩ tử cả đời đi thi, của những ông đồ bất đắc chí lấy chữ “Nhàn” làm sở cậy.

Người đi chợ không còn nhiều, mà chợ chảy ngược vào phố. Sáng còn sẩm, gà vịt làm sẵn, lòng tươi, bò lợn đã chạy nhông nhông trong những rổ, thúng đậy ni lông. Đắt hơn giá chợ, nhưng vì người “cung cấp” phải cạnh tranh nhau, những món thiết dụng thường ngày ấy không đến nỗi ôi thiu, ngâm nước cho nặng hoặc cân điêu quá.

Những ông độc thân đã có thể hỏi mua nửa mớ rau muống mà không sợ bị mắng. Cơm nắm có thịt dim hay chỉ muối vừng muối lạc đều được chào tận nơi. Vào lúc nhớ hương đồng gió nội quá mà không có thì giờ, bà buôn nọ chỉ cần ra chợ mua cua đã giã, bỏ túi ni lông đem về lọc là xong nồi canh đặc gạch.

Cá tươi cũng có thể bán nửa con, từng khúc, đã bỏ ruột, rửa sạch. “Khách hàng là thượng đế”, sự chế biến thực phẩm hoàn toàn hoặc một nửa đã chiều được mọi ý thích, mọi túi tiền. Cái điều “giải phóng phụ nữ” xưa nay hô hào mà không xong, nay bỗng nhiên “giải” được trong cơn cuồng phong làm kinh tế.

Sau mấy năm được phép giàu có, số người rủng rỉnh tăng lên. Dần dà, thành phố hình thành những địa chỉ “cao cấp”. Một trang “xê li bạt” gần chung thân (vì sau rốt, gần năm chục tuổi chàng đà lấy vợ) có nhiều tri kỷ ẩm thực.

Sáng sáng, họ đạp xe từ Hàng Than xuống Bùi Thị Xuân ăn bún thang, hoặc từ mạn dưới ngược lên Hàng Vải đánh bát xôi xéo của bà béo làng Mơ. Họ biết những địa điểm, thời khắc ở đâu có gì hay, như bánh khúc ngõ Tràng An chỉ bán sau mười giờ đêm, hàng chí mà phù lục tào xá của vợ ông kịch sĩ Phạm Bằng phố Hàng Giầy tấp nập mùa đông.

Tô Tịch, Hàng Hành, Cấm Chỉ, Tạm Thương, Tạ Hiện, thật ra là những ngõ ăn uống. Không hiểu sao khách sành lại cứ thích lò mò vào ăn trong ngõ.

Cấm Chỉ Cửa Nam san sát gà tần thuốc bắc, đa phần là mái tơ chân chì. Những anh xế lô nghèo rất ưa món chân gà nhừ ở đây, không phải quá ngon, mà chỉ vì có trăm rưởi bạc mà mua được cả đôi, đem về nhắm rượu cũng hả ra phết. Phố Hàng Buồm là một trời đồ ăn thức uống ngoại.

Người đi Âu đi Á lười mang vác có thể ra đây mua vốt ka Nga, pho mát “bò cười”, rượu Napoléon, rượu Mao Đài đem làm quà, giải quyết món quan hệ. Đủ hết, mà mùa nào thức nấy, kể cả táo tươi Đông Bắc Trung Quốc, chà là Cận Đông.

Có ông chủ rượu tây vui tính đánh dấu vào chai Giôn ny Oắc kơ bán, ít lâu sau nhận ra nó đã lại trở về tay mình, có trời mới biết đã được biếu bao nhiêu lần, giúp được ai thăng tiến trong quan trường.

Khách Âu ưa đến Metropolé, câu lạc bộ Quốc tế ăn bít tết bò thịt chở từ Thái Lan sang, khoảng 4 USD mỗi đĩa, rồi thưởng tách cà phê đen 2,5 USD. Bây giờ, họ có thêm nhiều địa chỉ mới hình như đã được “hoa tiêu” ngay từ khi xuống sân bay: 202 Phố Huế, 66 Bùi Thị Xuân, Thành Giá (Yết Kiêu), Hoa hồng (Trần Quốc Toản), Nguyên Sinh fils (Lý Quốc Sư).

[...]

Một địa chỉ không thể không nhắc đến trong sự khoái khẩu là cửa hàng của gia tộc họ Đoàn, mở đã sang đời thứ tư. Cá chiên, cá quả, đúng điệu nhất là cá lăng sông Hồng từ Việt Trì về.

Đem ướp mỡ, hành, tiêu, thì là nướng trên than hoa, chấm nước mắm cà cuống ăn với bún con và hành, thơm, húng Láng, ớt, lạc rang.

14 Chả Cá còn gần như trở thành một địa chỉ văn hóa. Ngày giỗ ông chủ Đoàn Xuân Hy, nhà văn Nguyễn Tuân mang hoa vi-ô-lét đến cắm ban thờ.

Trần Chiến / Nhà xuất bản Trẻ

SÁCH HAY