Parasite cũng đã có một cách tiếp cận mới về thế giới người giàu. Ảnh: Parasite. |
Trong những năm gần đây, sự quan tâm đến giới siêu giàu của công chúng đã đưa tới một làn sóng phim và chương trình truyền hình đi sâu vào thế giới của những người siêu giàu và phơi bày hàng loạt góc khuất. Có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng trong làn sóng toàn cầu này, như loạt phim Think Succession, Parasite, The Menu, Glass Onion, The White Lotus hay Triangle of Sadness.
Trong khi nội dung của những tác phẩm này cũng gây nhiều tranh cãi, thì có một điều chắc chắn là công chúng luôn ngấu nghiến nội dung về người giàu. Thậm chí, sự khao khát đối với những câu chuyện như vậy dường như là vô độ.
Và xu hướng này không chỉ giới hạn trên màn ảnh mà cũng được thể hiện trong rất nhiều trang sách. Từ trong lịch sử, đã có nhiều tác phẩm kinh điển trước thế kỷ 20 nói về tầng lớp trên của xã hội và tất cả đều thấy chúng hấp dẫn.
Thời gian qua, nhiều tác phẩm văn học bóng bẩy được chuyển thể thành những bộ phim hút khách như Crazy Rich Asians, Big Little Lies hay thậm chí là bộ ba Fifty Shades. Gần đây, kịch bản của phim Succession được nhà xuất bản văn học Faber chuyển thể ngược lại dưới dạng sách.
Tác phẩm về giới nhà giàu từng bùng nổ vào những năm 1980
Độc giả từ lâu đã thích thú với cơ hội được biết thông tin nội bộ về các quy tắc và sự tàn nhẫn của xã hội thượng lưu, mưu đồ ai vào hay ra, lên hay xuống. Vị thế xã hội trở thành một trò chơi (một trò chơi mà chúng ta có thể thầm nghĩ rằng mình có thể thắng, nếu có cơ hội).
Và vì vậy, vào khoảng thời gian này, rất nhiều tiểu thuyết về giới thượng lưu được kể từ quan điểm của người ngoài cuộc. Hãy nghĩ đến nhân vật Becky Sharp trong Vanity Fair, Jane Eyre, Charles Ryder trong Brideshead Revisited, người kể chuyện giấu tên của Rebecca, Nick Guest trong The Line of Beauty, Richard Papen trong The Secret History…
Những nhân vật chính như vậy đại diện cho độc giả bình thường, những người có thể tự hỏi họ sẽ sống như thế nào trong những tình huống như vậy.
Ngoài ra, cũng có một số bộ phận độc giả ghét người giàu nên muốn đọc tác phẩm về họ. Có niềm vui đâu đó khi nhìn thấy những người giàu có bị từ chối và vẫn đau khổ, bất hạnh dù có đầy tiền. Và cũng có đâu đó sự tự mãn về mặt đạo đức và thẩm mỹ. Theo đó chúng ta tưởng tượng rằng nếu chúng ta giàu có như vậy, thì ít nhất chúng ta sẽ không bao giờ hành xử đặc quyền/ vô ơn/ thô bỉ/ bất hạnh như vậy.
Tác giả Jenny Jackson mở ra một góc nhìn đồng cảm hơn với người giàu. Ảnh: Amazon. |
Tác giả Jenny Jackson, người có tác phẩm về giới siêu giàu ăn khách Pineapple Street, đồng ý: "Cảm xúc yêu-ghét rất phức tạp. Và cũng là cảm xúc phổ biến với thể loại này. Nó mang lại cho bạn cảm giác vượt trội về mặt đạo đức, khiến bạn cảm thấy như mình đã làm được điều gì đó tốt đẹp - trong khi thực sự những gì bạn đã làm là ngồi và xem thứ gì đó".
Những người ghét người giàu coi việc đọc về người giàu là một niềm an ủi, bởi vì các tác phẩm đó nhắc nhở bản thân rằng tiền không thể mua được hạnh phúc. Và cũng có những độc giả không bị quyến rũ trước lối sống xa hoa trong Great Expectations, Madame Bovary hay The Great Gatsby. Họ cho rằng những sự thái quá như vậy cuối cùng lại trở nên rỗng tuếch.
Đa dạng về góc tiếp cận
Những thế hệ độc giả như vậy vẫn tồn tại và vẫn có nhu cầu đọc về giới siêu giàu. Vì vậy, trong năm 2023, cũng đã có nhiều tiểu thuyết nóng hổi về chủ đề này được ra mắt.
Từng là gia sư riêng cho con cái của các tỷ phú, Sarah Thomas đưa độc giả vào thế giới của các nhà tài phiệt Nga trong tác phẩm đầu tay Queen K, trong khi cuốn truyện kinh dị mới The Club của Ellery Lloyd lấy bối cảnh một câu lạc bộ cao cấp chỉ dành cho các thành viên trên một hòn đảo tư nhân.
Và một tác phẩm không thể bỏ qua là Pineapple Street, cuốn sách đầu tay xuất sắc của nhà văn kiêm biên tập viên người Mỹ Jenny Jackson. Tác phẩm bán chạy này của New York Times kể câu chuyện về Stocktons, một gia đình sống ở đồi Brooklyn, những người đã kiếm được khối tài sản đáng kể từ bất động sản ở New York.
Giới nhà giàu tại Brooklyn được khắc họa theo một cách mới. Ảnh: NYT. |
Tác phẩm này không chỉ chêm những câu châm biếm về sự giàu có của gia đình Stockton (với nhiều đoạn hội thoại như "Ồ không! Tôi để quên chiếc vòng tay Cartier của mình trong chiếc BMW của Lena và cô ấy sẽ sớm rời đi để đến nhà bà ngoại ở Southampton!") mà còn mở ra một góc nhìn đồng cảm hơn với người giàu và gợi ra nhiều câu hỏi đạo đức xung quanh vấn đề thừa kế tài sản lớn.
Đây có thể là một cách tiếp cận khác, thay vì tập trung khai thác sự xa hoa của người giàu. Tác giả Jackson chia sẻ: “Chúng ta đã thấy cuộc sống của những người giàu có, và tôi không chắc sẽ có nhiều thứ để tiếp tục viết”. Một nguồn cảm hứng chính của bà là một bài báo trên tờ The New York Times về những đứa trẻ nhận thừa kế cho đi tiền của chúng.
Bà bày tỏ: "Tôi 43 tuổi, ở rìa của Thế hệ X và Millennial, và quan điểm của tôi luôn là: Tiền thật tuyệt, tôi thực sự muốn có một ít tiền! Tuy nhiên, nếu bây giờ bạn đang ở độ tuổi 20 và có một quỹ ủy thác, có lẽ bạn sẽ có những cảm xúc phức tạp về nó".
“Tôi nghĩ khi các nhà văn Millennial và Gen Z trưởng thành, chúng ta sẽ thấy nhiều người tiếp cận chủ đề này từ góc độ của Sally Rooney”, tác giả Jackson đánh giá. Sally Rooney cũng là một nhà văn cực kỳ thành công với việc để những nhân vật có đặc quyền của mình tự mổ xẻ đặc quyền đó hoặc thảo luận về cách hạ bệ chủ nghĩa tư bản.
"Tôi nghĩ rằng những người giàu có sẽ bị thử thách, ít nhất là trong thế giới tiểu thuyết", Jackson kết luận.