Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguồn gốc của từ 'bóc phốt'

Khảo sát từ khóa bóc phốt qua Google: “Bóc phốt là gì?”, ta nhận được “Khoảng 2.640.000 kết quả (0,55 giây)”.

Ảnh: VOV.

Ủa, ủa, bóc phốt là gì hả cô Hai?

Khảo sát từ khóa bóc phốt qua Google: “Bóc phốt là gì?”, ta nhận được “Khoảng 2.640.000 kết quả (0,55 giây)”; “Bóc phốt nghĩa là gì?”, ta có “Khoảng 889.000 kết quả (0,67 giây)”. Thông tin này cho thấy tính phổ biến của một từ mới xuất hiện trong lời ăn tiếng nói hiện nay. Tuy nhiên, xem ra cách giải thích về từ phốt vẫn còn “lửng lơ con cá vàng”, tức là các ý kiến chưa đồng thuận, chưa “chốt hạ” cuối cùng. Tựu trung trên mạng có hai luồng ý kiến như sau:

Phốt là từ vay mượn fosse: hố, hầm. Một khi nói bể phốt tức ám chỉ hố phân, còn gọi là hầm cầu, hầm tự hoại, chứa chất thải hữu cơ.

Phốt là từ vay mượn tiếng Pháp faute: lỗi, sai lầm.

Trong hai từ vay mượn này, phốt / bóc phốt đã mượn từ nào? Trước hết, cần “thông qua” về ý nghĩa bóc phốt mà lâu nay được hiểu: “Là hành động công khai những thông tin lên mạng xã hội cho nhiều người cùng biết, phán xét và đánh giá. Những thông tin này thường không mấy tốt đẹp hoặc là việc làm sai trái của một cá nhân / dịch vụ / sản phẩm / tổ chức”, theo Báo điện tử VTC News; “Là đưa ra những thông tin công khai lên mạng xã hội cho nhiều người cùng biết, những thông tin khi bóc phốt thường chả mấy tốt đẹp hoặc là việc làm sai trái của họ, nhằm làm xấu hình ảnh của người nào đó trước công chúng”, theo quantrimang.com.

Vậy, phốt này có phải vay mượn từ fosse?

Tôi nghĩ là không.

Vì rằng, bóc có hai nghĩa mà Đại từ điển tiếng Việt (1999) giải thích: “1. Lấy đi, lột đi phần vỏ ngoài hoặc phần bọc, dán ở bên ngoài: bóc quả cam, bóc bánh chưng ra ăn; 2. Tháo đi, lột, dỡ ra: Kẻ gian bóc một đoạn đường ray”.

Thế thì, bóc phốt đây là hiểu theo nghĩa cái sự bóc đó, do có vỏ bọc hình thức bên ngoài nên người bóc chưa thể biết cụ thể chất lượng nội dung bên trong. Thí dụ nhìn thấy trái cam ngon lành, xanh tươi mơn mởn bắt mắt, nhưng lột vỏ ra thì bên trong đã nhũn, đã hỏng. Nói cách khác, bóc này còn có thể đem lại cho những ai chứng kiến / nghe / đọc thấy được sự bất ngờ mà họ không đoán định trước. Hấp dẫn chính là chỗ đó.

Với fosse thì lại không đạt đến “tiêu chí” này. Vì rằng, ngay từ tên gọi đã xác định được rõ ràng bản chất của nó. Dù có bóc hay không thì ai ai cũng biết rồi. Vậy, còn gì bất ngờ nữa? Đã không bất ngờ, ai cũng biết tỏng tòng tong thì còn gì hấp dẫn, mà cũng đâu có tính phát hiện về cái điều người ta chưa biết đến.

Thí dụ, chị X bóc phốt anh Y về tội đầu trộm đuôi cướp nhưng ai cũng biết Y đã từng có tiền án tiền sự, vậy, có gì lạ đâu, có gì bất ngờ, hấp dẫn đáng để quan tâm? Hơn nữa, với loại hầm cầu, hầm tự hoại, chứa chất thải hữu cơ ấy đố ai có thể bóc nổi mà phải khui / cậy, phải dụng nhiều sức lực, chứ không thể thong thả, nhẩn nha ngồi đó mà bóc.

Vậy, phốt này có phải vay mượn từ faute?

Tôi nghĩ là đúng.

Vì rằng, hành động bóc phốt đó được mọi người quan tâm vì cảm thấy bất ngờ, lần đầu biết đến, không ngờ ai đó / sản phẩm đó, bấy lâu nay, mình “tưởng dzậy nhưng hổng phải dzậy”. Có như thế, thì sự bóc phốt đó mới là thông tin đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lẫn tò mò của đối tượng tiếp nhận.

Thí dụ, chị X bóc phốt anh Y về tội đầu trộm đuôi cướp mà Y xưa nay được biết đến là doanh nhân thành đạt, hoặc nhà giáo gương mẫu, hoặc nghệ sĩ tiếng tăm, thường xuyên rao giảng về đạo đức làm người, phải làm việc tốt cho cộng đồng, há chẳng phải là thông tin bất ngờ đó sao.

Bất ngờ và hấp dẫn ở chỗ lâu nay nhìn hình thức bên ngoài bảnh tỏn, oách xà lách đến thế nhưng ai ngờ che giấu bên trong lại là nội dung / hoặc có một phần nội dung trái ngược của sắc màu tiêu cực, hắc ám. Vì lẽ đó, qua việc bóc phốt này mới dẫn tới tâm lý chung của số đông được gọi là hóng phốt - nhằm cho những ai mong ngóng, háo hức muốn nghe, muốn biết đến phốt của ai đó.

Ý nghĩa sâu xa của từ bóc phốt (faute) chính là chỗ đó, chứ không phải bóc phốt (fosse) về sự việc / con người / sản phẩm mà ai ai cũng biết tỏng. Dù chỉ ra cái lỗi/ sai lầm của ai đó nếu có chứng cứ rõ ràng, nhưng không vì thế mà lợi dụng để mạt sát, xúc phạm, mạ lỵ, “đánh cho bằng chết”.

Ranh giới của việc chỉ ra cái phốt (faute) của họ và sự miệt thị vốn mong manh, do đó, muốn gì thì muốn cũng phải cẩn trọng lời ăn tiếng nói chuẩn mực. Trở lại với “định nghĩa” của bóc phốt vừa nêu trên Google, ta thấy cả hai đều trùng ý kiến cho rằng, bóc phốt “là hành động công khai / đưa ra những thông tin lên mạng xã hội”. Đúng những vẫn chưa đủ, nói cách khác là đã bó hẹp phạm vi của bóc phốt. Vì, hành động này diễn ra nhiều nơi nhiều chốn, chứ nào chỉ có ở mạng xã hội.

Mà này cô Hai ơi, có phải một khi bị bóc phốt ắt kẻ đó xấu hổ lắm đây, khi ra đường lấy mo che mặt, thiên hạ có chì chiết cũng thin thít như thịt nấu đông, mặt xanh như đít nhái chứ gì? Chắc thế. Nhưng ngược lại cũng khối kẻ mặt trơ như mặt thớt, vẫn “phớt tỉnh Ăng-lê” chăng? Có thể lắm.

Vậy, câu chuyện đang hào hứng, dám hỏi thêm rằng, ta hiểu cụm từ này thế nào nhỉ? Kể ra cũng là một điều quá thú vị khi bấy lâu nay chỉ vì yêu lấy tiếng Việt đã có nhiều tranh luận, trao đổi rôm rả có tính cách xây dựng, học hỏi lẫn nhau nhằm hiểu thấu đáo về một từ nào đó. Thí dụ, từ phớt trong câu cửa miệng Phớt tỉnh Ăng-lê / Phớt Ăng-lê.

Lê Minh Quốc/NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY