Ta còn thú vị với chữ non lại là viết quá xấu, chữ như gà bới, nhưng non chữ là học hành còn ít, chữ nghĩa chẳng có bao nhiêu. Thử hỏi cắc cớ, non nhân là sao? Thơ Nguyễn Công Trứ có câu:
Năm ba chén non nhân nước trí
Một vài câu thơ thánh phú thần.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Hindustan Times. |
Là tác giả lấy từ câu “Nhân giả nhạo sơn, trí giả nhạo thủy”- người nhân trí thích ngao du non nước, nhưng cũng hiểu rộng là chỉ cảnh non nước. Do có thể đảo từ non non nước nước / nước non / non nước, thành thử trong ca dao, thơ Việt Nam, hình ảnh ấy mang nhiều sắc thái khác nhau. Thề non nước của Tản Đà là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất:
Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non.
Mà đã nói đến non ắt ta lại nhớ đến từ đồng nghĩa là núi - núi non. Các câu thành ngữ Đầu non góc núi, tương tự Đầu ghềnh cuối bãi; Đầu sông ngọn nguồn... là chỉ nơi xa xôi, khó đi tới, cheo leo, quạnh vắng...
Trong Việt ngữ tinh nghĩa từ điển (1950), nhà nghiên cứu Long Điền Nguyễn Văn Minh nhận xét: “Thường nghiệm thấy chỉ nói: dãy núi không thấy nói dãy non; lại chỉ thấy nói non nước, mà không thấy nói núi nước và nói núi già mà không thấy nói non già. Lại xét trong câu ca dao: Một cây làm chẳng nên non / Ba cây chụm lại nên hòn núi cao, trong một câu mà ngày xưa dùng cả hai tiếng non và núi, thì tất có dụng ý và chắc hai tiếng nghĩa có phân biệt”.
Ca dao còn có câu tuyệt hay: Trăng bao nhiêu tuổi trăng già / Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non? Ai cũng thừa nhận rằng, non trong núi non là sự chơi chữ, đối lập với già của trăng già ở vế trước.
Vậy xin hỏi, có phải trăng già là chỉ về tuổi tác của con trăng ấy? Không hề. Việt Nam tự điển (1931) giải thích: “Do chữ nguyệt lão dịch ra, thường dùng để chỉ vị thần se duyên trai gái”. Câu Kiều rằng, Trăng già độc địa làm sao / Cầm dây chẳng lựa buộc vào tự nhiên (Truyện Kiều), là hiểu theo nghĩa đó.
Không những thế, non còn đi chung với sông - non sông; và núi cũng vậy: núi sông / sông núi. Với các dẫn chứng này, ta thấy rằng, trong tiếng Việt sự biểu lộ từng sắc thái của các từ nước / núi / non cực kỳ phong phú, đa dạng.
Thông thường khi nói về tuổi tác của ai đó, ta thường dùng người già / người trẻ - như thành ngữ có câu: Già được bát canh, trẻ được manh áo mới. Với già, từ trái nghĩa ngoài già - trẻ, già - non, còn có cặp từ già - tơ: Gà tơ xào với mướp già / Vợ hai mươi mốt chồng đà bảy mươi...
Lại còn có câu “Vịt già gà tơ” vậy, suy ra câu này cũng ý nói về... chuyện thiến như vừa giải thích? Không, đây là kinh nghiệm nói về cách ăn / ăn ngon, vì vịt già không bị hôi lông, gà tơ thịt mềm. Hễ nhắc đến chuyện ăn ắt nhiều người đang thèm thuồng lắm đây, chi bằng ta hãy ra chợ Bà Chiểu mua lấy con gà về lai rai ba sợi nhá?
Đồng ý cái rụp.
Sau khi ta chọn xong, bỏ con gà đó lên cân, bà bán hàng nhìn vào cân tặc lưỡi: “Chà, giác rồi đó. Không sao, bán rẻ làm quen, bữa sau có mua nhớ ghé cô”. Giác là gì? Nghe lạ tai quá đi mất, may ghê, lúc đó có cầm theo quyển Đại từ điển tiếng Việt, dày 1892 trang, họ lúi cúi tra cứu nhưng rồi cũng “bó tay” vì không hề thấy giải thích. Hỏi ra mới biết giác được hiểu là già, cân giác ngược với cân non, mà, cân non đích thị... cân thiếu / thiếu trọng lượng.
Bình luận