Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hiểu thế nào cho đúng thành ngữ 'đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ'?

Già có nhiều cỡ như già nua, già yếu, già rụm, già khú đế / già cốc đế, già cúp bình thiếc, già khọm, già quánh / già còm, già đanh, già rụi...

Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ

Dám nói rằng, một trong lý do dễ dẫn tới tranh cãi và nhiều cách hiểu, suy luận khác nhau, là vì sự đồng âm trong tiếng Việt.

Báo Tuổi Trẻ ra ngày 1.11.2021 đăng bài Không dễ tìm... ‘Vua tiếng Việt’, trong đó có chi tiết: “Hoặc như kho tàng ca dao - tục ngữ cũng còn bỏ ngỏ những tranh luận trong cách hiểu của người đọc.

Thí dụ trong một tập, ở phần thi Xâu chuỗi, tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ - thành viên ban cố vấn - giải thích vế 1 thành ngữ Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ rằng: ‘Đi hỏi già ý nói là chào hỏi người cao tuổi, đó là kính lễ vô cùng quan trọng’ đang vấp phải những tranh luận”.

Tieng Viet anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Kampus Production/Pexels.

Thế thì, ta hiểu thế nào về từ già?

Chẳng hạn, khi nhìn thấy anh A ngồi uống nước với nhóm bạn, B tọc mạch: “Những ai kia? Bạn quan hệ thế nào?”. A bảo: “Con dì con già”. Già ở đây là tiếng gọi chị của mẹ, dì là em mẹ, ta hiểu mối quan hệ của họ là chị em bạn dì - Đại từ điển tiếng Việt (1999) giải thích: “Con của chị em ruột”.

Nghe thế, anh B cà khịa qua cách chơi chữ: “Hôm qua, vì con gì mà bạn cháy túi, có phải do con già không?”. Con già ở đây tức là... con già, vì lá bài trong giới “cờ gian bạc lận” in hình ông già, nói cách khác, đích thị là “con K”. Thế nhưng, từ chuyên môn trong y học lại có bệnh K, là nói tắt ca trong của từ tiếng Anh cancer, nhưng người Việt phát âm k ca.

Già có nhiều cỡ như già nua, già yếu, già rụm, già khú đế / già cốc đế, già cúp bình thiếc, già khọm, già quánh / già còm, già đanh, già rụi... Nếu sống lâu, ai cũng già, bình thường thôi nhưng ở đời ghét nhất vẫn là Già chơi trống bỏi - dù đã già kề miệng lỗ nhưng vẫn làm những việc không đứng đắn, không phù hợp với tuổi tác của mình tỷ như trong vở tuồng Tiên Bửu, nhân vật lão Trượng tuyên bố:

Áo dày chớ nại quần thưa

Bảy mươi có của cũng vừa mười lăm.

Già kiểu này thiên hạ cười là già lựu đạn, già dê, già không nên nết, già sinh tật... Nếu lão Trượng ưỡn ngực khoác lác:

Già thời già mặt già mày

Tay chân già hết, củ rày còn non.

thì già dịch, già hết xí quách cỡ này khi xuất hiện trong câu ca dao lại nổ tanh bành té bẹ:

Càng già càng dẻo càng dai

Càng gãy chân chõng, càng sai chân giường. Khiếp.

Ai cũng thừa biết, với già, từ trái nghĩa là trẻ. Dứt khoát phải thế? Chưa chắc. Có thể là cặp từ già - non: “Chó già gà non”, ý nói ăn như thế ắt ngon chăng? Không đâu. Há chẳng nhìn thấy các quán mộc tồn ghi rành rành đặc sản “cầy tơ” đó sao? Đây là nói về kinh nghiệm chọn chó và gà lúc thiến, là cách nói gọn của “Chó thiến già, gà thiến non”, có như thế mới mong nó không lại giống.

Trong vốn từ tiếng Việt, non có nhiều hàm nghĩa. Đại Nam quấc âm tự vị (1895) có liệt kê nhiều từ non cùng nghĩa “non lắm” - theo cách nói của người miền Nam: non nhuốt, non mởn, non nớt, non nhớt, non bệu, non trong... Phương ngữ Nam Bộ của Nam Chi Bùi Thanh Kiên còn bổ sung thêm: non choẹt, non èo, non mễu (non mướt và tươi, thường dùng để chỉ rau cỏ), non xèo... Tất nhiên, không chỉ dừng lại đó, còn có non choẹt, non ệu...

Lê Minh Quốc/NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY