Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những ý nghĩa của chữ 'già' trong tiếng Việt

Tùy ngữ cảnh, người ta cũng sử dụng từ già nhằm chỉ sự việc, sự vật nào đó ở trạng thái quá mức bình thường.

Trở lại với từ giác, ta biết ngày xưa, một đồng là mười giác; một giác còn gọi là một hào, một cắc. Trong Việt ngữ chánh tả tự vị, nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ cho rằng, cắc do từ giác mà ra. Đi giác sắm bầu, đi câu sắm giỏ - câu thành ngữ này, hiểu theo nghĩa bóng tức là làm nghề gì cũng bỏ vốn đầu tư dụng cụ hành nghề, tựa như Làm ruộng sắm cày, đi may sắm kéo.

Giác trong câu trên, có thể hiểu đại khái là phương pháp làm tụ máu bằng hơi, tức giác hơi, dùng cái bầu (hay ống sừng) úp vào người để hút máu độc. Dụng cụ ấy của thợ giác gọi là bầu giác / ống giác.

Tuy nhiên, giác không chỉ có thế. Bằng chứng là lúc đang đứng mua trái cây ở chợ Bến Thành, bỗng nghe có tiếng cãi cọ, hai chị em kết nghĩa là cô Năm và cô Tư lại ngạc nhiên khi nghe bà chủ bán trái cây vừa cân giác buột miệng bình phẩm: “Mỗi ngày cãi nhau tám giác, bộ vợ chồng thằng nọ không khan cổ họng à?”. Giác ở đây hiểu theo nghĩa là lần, lượt, lúc, dạo, bận...

Có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ và yêu mến ca khúc Rước đèn tháng tám, trong đó có câu: Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh. Ở đây, cắc là âm thanh lúc gõ vào tang trống vọng lên tiếng kêu nhỏ, và giòn; tùng là gõ vào mặt trống tạo ra âm thanh to, rõ, vang xa. Hai động tác đó, nếu sử dụng liên tiếp là tùng tùng cắc cắc.

Gia anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Andrea Piacquadio/Pexels.

Sở dĩ dông dài một chút, vì theo tôi, khi Tiến sĩ Dương Khuê (1839 - 1902) viết bài ca trù nổi tiếng Gặp lại cô đào cũ, mở đầu bằng Hồng hồng tuyết tuyết là cụ nhại theo cách gõ trống tùng tùng cắc cắc đó thôi. Suy luận này, liệu đúng chăng?

Tùy ngữ cảnh, người ta cũng sử dụng từ già nhằm chỉ sự việc, sự vật nào đó ở trạng thái quá mức bình thường, thí dụ, nói về kinh nghiệm “thả thính” o mèo, tán tỉnh có câu phổ biến: Chuông già đồng điếu chuông kêu / Anh già lời nói em xiêu tấm lòng.

Khi nhà văn Nguyễn Tuân viết danh tác Chiếc lư đồng mắt cua, chiếc lư đồng này chế tác bằng đồng điếu còn gọi đồng mắt cua / đồng vỏ cua “hợp kim gồm 10 phần đồng đỏ, 1 phần thau”, Việt Nam tự điển (1970) cho biết. Nói cách khác, dân trong nghề còn gọi chuông già, vì thế mới có dị bản:

Chuông già, động đến thì kêu

Anh già giọng nói, em xiêu tấm lòng.

Già giọng nói là nói lắm, nói nhiều, ngụ ý nhiều lời thả thính tán tỉnh...

Thế nhưng từ già trong câu: Ở ăn thì nết cũng hay / Nói điều ràng buộc thì tay cũng già (Truyện Kiều), có phải thi hào Nguyễn Du “đá xéo” chê Hoạn Thư không còn xuân sắc, trẻ trung chăng?

Không phải đâu. Già ở đây là già dặn, nhiều kinh nghiệm, sành sỏi; là cách nói tắt của già đời, lọc lõi, từng trải. Vì thế, khi xử án Hoạn Thư, Thúy Kiều phải thừa nhận mà khen: Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời.

Đôi khi già đi với dăm từ, lại ra hàm nghĩa khác, thí dụ với câu nói: “Ông X là bố già của Y”, chắc gì ông X là sinh ra Y, tùy ngữ cảnh có thể là “ông trùm” mà Y là kẻ dưới trướng băng nhóm do X cầm đầu. Với người Nam, câu “Ông X là bõ già của Y”, ta hiểu ông X là cha đỡ đầu, nhưng người Bắc lại dùng bõ già để chỉ người đầy tớ già.

Trước đây, người Nam thường gọi L.19 - máy bay trinh sát là đầm già nhưng nay cụm từ máy bay đầm già / máy bay bà già lại hàm nghĩa khác. Khác là khi nó đi chung với người lái là phi công trẻ để trở thành câu cửa miệng mỉa mai mà cực hóm: “Phi công trẻ lái máy bay bà già”.

Rõ ràng tiếng Việt biến hóa, thay đổi khôn lường.

Điều thú vị, từ già này lại là đại từ nhân xưng cả ba ngôi. Ở mức thân mật “tình thương mến thương”, thí dụ, một ông già bảo: “Già này sức khỏe còn tốt”: ngôi thứ nhất; “Già ơi, giúp con chuyện này nhá”: ngôi thứ hai; A và B trò chuyện: “Già X vừa du lịch một chuyến dối già đấy”: ngôi thứ ba.

Dối già, tức trối già, là làm một việc gì đó cho thỏa mãn vào lúc gần đất xa trời, xem như cú chót trong đời. Còn già đời ngoài nghĩa chỉ người lớn tuổi, thí dụ “Già đời mặc áo tơi chữa cháy” là phê phán hành động vụng về ngốc nghếch, nhưng nhằm chỉ ai đó sống lâu năm trong nghề, lão luyện đầy kinh nghiệm.

Khi Thế Lữ viết truyện ngắn Tay đại bợm, ta hiểu nhân vật đó thuộc hạng bợm già. Thế nhưng ở đời, “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, dẫu bợm già nhưng gặp phải bà già thì đố mà xơ múi gì được vì thế mới có câu “Kẻ cắp gặp bà già” - dù tinh ma quỷ quái cỡ nào nhưng gặp phải tay cao thủ, già dặn từng trải thì cũng chỉ có nước húp cháo rùa, bù trất - ví như hắn ta gặp phải bà già cẩn trọng, chu đáo, gìn giữ của nả cẩn thận.

Thông thường khi nói về tuổi tác của ai đó, ta thường dùng người già / người trẻ - như thành ngữ có câu: Già được bát canh, trẻ được manh áo mới. Trở lại với câu Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ, thì già ở đây trái nghĩa với trẻ.

Hỏi, vì người già nhiều kinh nghiệm, biết rõ đường đi nước bước, có thể tư vấn cho mình; hỏi, vì trẻ - trẻ con không biết nói dối, nghe hay thấy những gì đã xảy ra, đã diễn ra thì kể lại trung thực, không thêm bớt, ta có thể tiếp cận thông tin về với sự việc rõ ràng như vốn có. Còn nếu muốn nói đến cái ý “chào hỏi người cao tuổi, đó là kính lễ vô cùng quan trọng”, tục ngữ có những câu như Yêu trẻ, trẻ đến nhà, kính già, già để tuổi cho; Kính lão đắc thọ...

Lê Minh Quốc/NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY