Theo Việt Nam tân từ điển (1965) của Thanh Nghị, Từ điển Việt Nam (1971) của Ban tu thư Khai Trí, Tầm nguyên tự điển Việt Nam (1993) của Lê Ngọc Trụ giải thích: “Phớt (phiên âm feutre): Mũ phớt”.
Rồi mới đây, khi bàn về phớt trong Phớt Ăng- lê là gì? nhà nghiên cứu An Chi cũng khẳng định: “Mũ phớt Ăng-lê cũng nói tắt thành phớt Ăng-lê. Phớt là do tiếng Pháp feutre mà ra (còn Ăng-lê là do Anglais). Nghĩa hữu quan của feutre là ‘dạ; mũ dạ (nón nỉ)’ (Báo Thanh Niên ngày 18.7.2021).
Vậy, vấn đề đặt ra ở đây là gì?
Thí dụ, “Có thể cậu đội một cái mũ phớt Ăng lê có thể không, cái này không cần thiết lắm” (Minh Quân, Khi ông cậu quý bị đắm tàu); hoặc văn liệu do học giả An Chi đưa ra: “Bộ đồ jean bạc màu, quả mũ phớt Ăng lê bất ly thân và hàng ria con kiến kiêu bạc” (Nhạc sĩ Nguyễn Cường: “Sao lại cấp phép cho ca khúc, ơ kìa!”, VOV ngày 31.5.2017)...
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Pexels. |
Vâng, phớt này đúng là feutre nhưng nó chỉ giá trị trong trường hợp nhằm chỉ cái mũ phớt, chứ không phải phớt trong ngữ cảnh: “Phớt tỉnh Ăng-lê: Phớt lờ, thản nhiên như người nước ngoài, người Anh, tự nhiên như không có gì xảy ra: Chuyện đó mày cứ phớt tỉnh Ăng-lê đi, bận tâm chi cho mệt” (Huỳnh Công Tín, 2007, tr.994).
Nói như thế, phớt này gốc là từ tiếng Việt chăng? Ta thử tìm hiểu xem sao.
Phớt đã có trong tiếng Việt từ đời bà Cố Hỷ, từ thời xa lắc xa lơ, chẳng hạn, xét theo năm tháng mà từ điển đã ghi nhận: “Nhẹ lướt qua, phớt qua, nói phớt phớt, nói phớt qua, đánh phớt phớt, đánh phớt qua” (Đại Nam quấc âm tự vị, 1895), “Đánh phớt phớt, nói phớt qua về chuyện..., nói phớt qua, nói một hai lời phớt phớt lơ láo lạt lẽo” (J.F.M Génibrel, Từ điển Việt - Pháp, 1898); “Nói màu nhạt không được thẫm: Đỏ phớt, xanh phớt; phớt phớt: Thường nói là phơn phớt, cũng có nghĩa như phớt” (Việt Nam tự điển, 1931), “Phơn phớt, phớt qua, phớt qua vấn đề, chặt phớt đi” (Gustave Hue, Từ điển Việt - Hoa - Pháp, 1937)...
Các giải thích này bổ sung cho nhau, phớt có hai nghĩa: 1. Biểu thị thái độ / hành động “được chăng hay chớ”, mặc kệ, sao cũng được, không quan tâm, không chú ý đến kết quả thế nào cả; 2. Màu sắc nhạt. Do đó, nó không thể khiên cưỡng áp dụng cho phớt trong trường hợp Phớt tỉnh Ăng-lê / Phớt Ăng-lê là hiểu theo nghĩa: Dù đang gặp / thấy / đối mặt với sự vật, sự việc nào đó nhưng người đó vẫn cứ tỉnh queo, tỉnh rụi, tỉnh bơ, tỉnh như không, tỉnh như ruồi, phớt tỉnh, phớt lờ không quan tâm gì sất.
Chà, phớt này không phải feutre (tiếng Anh) cũng không phải phớt (tiếng Việt), thế thì, nó ở đâu ra?
Xin thưa, phớt trong ngữ cảnh này chính là từ vay mượn từ tiếng Pháp: flegme. Từ này có ba nghĩa, trong đó có nghĩa ta đang bàn đến, Pháp - Việt từ điển (1957) của Đào Duy Anh giải thích: “Lãnh đạm, vô tình, điềm tĩnh, trầm tĩnh, đằm, tính lãnh đạm, tính đằm”. Khi cái mũ phớt của Anh du nhập vào nước Nam, đơn giản dù feutre hay flegme đi nữa thì phát âm cũng y chang. Để tạo nên một cách nói mới có hàm nghĩa khác, flegme đã hiên ngang đẩy từ feutre đi chỗ khác chơi và nó bắt quàng qua Ăng-lê vốn đang là loại mũ thời thượng lúc bấy giờ.
Do sự se duyên tréo ngoe này, tức là flegme chỉ kết hợp với Ăng-lê trong cái mũ phớt Ăng-lê nên nhiều người nhầm tưởng đây là câu nhận xét về người Anh, chẳng hạn, nhà nghiên cứu Bùi Thanh Kiên giải thích trong Phương ngữ Nam Bộ (2016): “Phớt tỉnh Ăng-lê: tỏ vẻ thản nhiên như người Anh, một dân tộc bình tĩnh nổi tiếng trong mọi tình huống” (tr.1140).
Do cũng hiểu như thế, khi trao đổi về câu Phớt tỉnh Ăng-lê / Phớt Ăng-lê, hiện nay nhiều người cũng đặt vấn đề là cần tìm hiểu người Anh có thật điềm tĩnh, bình tĩnh hay không? Thiết nghĩ không cần, vì hiểu rộng ra, Ăng-lê trong ngữ cảnh này được mặc định nhằm chỉ người nước ngoài nói chung, chứ không phải hiểu bó gọn chỉ nhằm nói về người Anh.
Khi nói, phớt này là vay mượn từ flegme, liệu chừng có chủ quan hay không? Xin thưa là không. Bằng chứng là Việt Nam tự điển (1970) của Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ đã ghi nhận; Từ điển các từ tiếng Việt gốc Pháp (1992), hai nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân - Nguyễn Đức Dân giải thích: “1. Phớt (flegme) - (từ gốc Hy Lạp phlegma có nghĩa là tính khí, tính tình, tâm trạng). Tỏ vẻ lãnh đạm, lạnh nhạt như không hề để ý đến, không hề biết đến: Bà ta đến gần cô Thúy Lan hầm hầm nói: ‘Cô phớt tôi là không được đâu nhé’ - Nguyễn Công Hoan - Đống rác cũ” (tr.330-331).
Từ sự vay mượn này, nay Đại từ điển tiếng Việt (1999) đã bổ sung và “tổng kết”: “1. Thoáng nhẹ, lướt trên bề mặt; 2. Thờ ơ, tỏ ra không hề chú ý, để tâm đến; 3. Màu rất nhạt loáng thoáng trên bề mặt chút ít”. Và cũng chính từ sự vay mượn này, ta có thêm từ mới: phớt lờ-là kết hợp ăn ý giữa phớt và lờ, bởi khi chưa vay mượn flegme thì lờ trong tiếng Việt đã cùng nghĩa: “Giả tảng không biết: Gặp bạn cũ lờ đi không chào” (Việt Nam tự điển, 1931).
Có thể nói, Phớt tỉnh Ăng-lê / Phớt Ăng-lê là cách sử dụng độc đáo, tinh tế, khéo léo mà ta không thể dễ dàng nhận ra: kết hợp do trùng âm giữa flegme và feutre để lái qua nghĩa khác, chứ không phải “bê nguyên si” feutre Anglais. Nghĩ cho cùng, âu cũng là một cách “chơi chữ” tinh quái, lém lỉnh của người Việt. Khi nghe “chốt hạ” thế này ắt cô Hai cười mà rằng: “Ngay cả từ bóc phốt cũng thế nữa chứ ạ?”. Vâng, đúng là thế. Nào ai dám cãi gì đâu.
Bình luận