Những người phụ nữ thay đổi thế giới (Kay Woodward) viết về 25 người phụ nữ truyền cảm hứng. Cuốn sách đưa ra những thông tin cơ bản về nhân vật, hình minh họa sinh động kèm phần hỏi đáp truyền cảm hứng tới bạn đọc. Được sự đồng ý của Sách Đông A, Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách.
Bà đúng là Đại đế nhưng tên thật của bà không phải là Ekaterina. Và quê của bà cũng chẳng phải ở nước Nga. Ekaterina Đại đế thực ra tên là Sophie và bà sinh ra tại một vùng ở Ba Lan, xưa thuộc Phổ, một vương quốc cận đại ở châu Âu.
Là một công nương Phổ, con đường đến ngai vàng nước Nga của bà khá phức tạp, khó khăn và đẫm máu, nhưng Ekaterina đã vượt qua hết mọi trở ngại - trong đó có chồng mình - một cách thông minh. Rồi khi đã là nữ hoàng, bà quyết không để cho ai quên được nền trị vì của mình.
Tranh mô tả Ekaterina cưỡi ngựa đến doanh trại các trung đoàn cận vệ đọc tuyên cáo lên án chính sách chống lại nước Nga của chồng mình. |
Sophie Friederike Auguste von Anhalt-Zerbst-Dornburg (Sinh: 2/5/1729, mất: 17/11/1796). Cha mẹ Sophie von Anhalt-Zerbst vốn mong muốn một đứa con trai khi sinh ra bà. Vì thất vọng, họ để cô quận chúa nhỏ lại cho một nữ gia sư chăm sóc và dạy bà tiếng Pháp, tiếng Đức, tôn giáo, lịch sử và âm nhạc.
Nhưng đến năm mười lăm tuổi, cô bé Sophie học thức cao nay đã trở nên rất hữu dụng đối với gia đình của mình. Gia đình bà là vương công quý tộc, nhưng họ cũng khá nghèo. Nếu Sophie có thể cưới được một nhà quý tộc lớn, thì gia đình của bà cũng sẽ giàu có và nổi tiếng lây...
Năm Sophie mười lăm tuổi, nữ hoàng Nga mời bà đến Nga. Đó là năm 1744, và người cháu của nữ hoàng, Đại Công tước Pyotr - cũng là người thừa kế ngôi báu - đang cần một người vợ. Sophie không thích Pyotr lắm nhưng bà thích cái ý nghĩ rằng mình sẽ được đội đế miện nước Nga. Và rồi còn có vướng mắc về mặt tôn giáo nữa - Sophie không theo đạo Chính thống giáo Nga.
Tuy cha bà phản đối, nhưng Sophie vẫn cải đạo theo Pyotr, đổi tên thành Ekaterina, và hai người thành hôn vào năm 1745. Cuộc hôn nhân này không mấy hạnh phúc. Tám năm sau họ mới có con, và ngay cả khi đó, vẫn có tin đồn rằng Pyotr không phải là cha đứa trẻ.
Khi nữ hoàng Elizaveta băng hà vào năm 1762, người cháu Pyotr của bà trở thành Nga hoàng Pyotr III. Ngay lập tức, ông khiến nước Nga và cả người vợ của mình nổi giận bằng cách đưa ra nhiều chính sách mới, và nhiều người đã lên kế hoạch lật đổ ông.
Khi Pyotr phát hiện ra kế hoạch này, Ekaterina đã can thiệp và tống giam chồng mình vào ngục. Bà bắt ông phải kí một văn bản thoái vị, và nữ hoàng Ekaterina II trở thành người nắm quyền cai trị nước Nga. Sau đó, chồng của bà bị giết.
Tranh vẽ Ekaterina trong sách Những người phụ nữ thay đổi thế giới. |
Ngai vàng nước Nga không phải là món dễ xơi. Ekaterina không muốn bị lật đổ như chồng mình trước đó, nên trước hết bà tìm cách nắm chắc sự hậu thuẫn của các quý tộc khác, cũng như giới quân đội.
Điều tiếp theo trong chương trình của bà là phải cải cách đất nước. Bà tấn công vào hệ thống pháp lí lỗi thời, đổi lại luật pháp để mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Bà nhấn mạnh vào việc phòng ngừa tội phạm, thay vì trừng trị người phạm tội sau khi sự đã rồi.
Bà cũng cho miễn học phí và viết nhiều sách ủng hộ hệ thống giáo dục. Và vì yêu thích nghệ thuật, bà cũng bảo trợ nhiều ngành nghệ thuật nữa, đặc biệt là kịch, opera, ballet, âm nhạc và hội họa. Tiền được đổ ra để phát triển thành phố Sankt-Peterburg, biến nó thành một trung tâm văn hóa của châu Âu.
Trong thời gian đó, đế quốc Nga lớn mạnh nhanh chóng. Nhưng cũng có nhiều cuộc nổi dậy. Cuộc nổi dậy lớn nhất là khởi nghĩa Pugachyov năm 1773-1775, dưới sự ủng hộ của hàng nghìn nông nô và nông dân. Quân đội Nga cuối cùng cũng dập tắt được quân nổi dậy. Nhưng nó đã khiến Ekaterina thay đổi suy nghĩ của bà về vấn đề bình đẳng. Bà cho giới quý tộc nhiều quyền lực hơn để đàn áp người nghèo, giữ họ trong tầm kiểm soát.
Có người nói Ekaterina là một nhà cai trị khai sáng, nhưng cũng có người cho rằng bà quá tàn độc. Dù sao đi nữa thì bà vẫn ngự trên ngai vàng trong suốt ba mươi tư năm cho đến khi qua đời ở tuổi sáu mươi bảy.