Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên' của vị tướng 90 tuổi

Là người trực tiếp chỉ huy mặt trận Vị Xuyên, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy đã cung cấp một góc nhìn chân thực, khách quan về cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân ta.

Ngày 5/3, tại Nhà khách Trúc Bạch (Bộ Quốc phòng), Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tạp chí Môi trường và đô thị và Câu lạc bộ Trái tim người lính giới thiệu cuốn sách Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Quyền Tư lệnh Quân khu 2, Trưởng ban Liên lạc toàn quốc CCB Mặt trận Vị Xuyên.

'Hoi uc chien tranh Vi Xuyen' anh 1

Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên trong buổi giới thiệu sách sáng ngày 5/3.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy năm nay 90 tuổi (ông sinh năm 1931). Ông là người trực tiếp tham gia chiến đấu các cuộc chiến tranh của dân tộc: Chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới tây nam và phía bắc của Tổ quốc. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ phía bắc Tổ quốc, từ đầu năm 1985 đến cuối năm 1989, trên cương vị Tham mưu trưởng Mặt trận (ông cũng đồng thời làm Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 2) ông đã trực tiếp chỉ huy chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên-Hà Tuyên.

Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã huy động hơn 60 vạn quân với 9 quân đoàn chủ lực và 32 sư đoàn bộ binh độc lập, 6 trung đoàn với 550 xe tăng, xe bọc thép, 4 sư đoàn và trung đoàn pháo binh với hàng nghìn khẩu pháo các loại... mở cuộc tiến công xâm lược lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến phía bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh) với chiều dài hơn 1.400km.

Dù Trung Quốc có biện minh dưới chiêu bài "phản kích tự vệ", nhưng thực chất đây là hành động xâm lược Việt Nam - một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Quân và dân Việt Nam đã đánh trả anh dũng để bảo vệ đất nước. Mặc dù phía Trung Quốc tuyên bố rút quân và đến ngày 18/3/1979 thì hoàn thành, nhưng trên thực tế, cuộc chiến kéo dài tới 10 năm (1979-1989).

Đó chính là mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang) từ năm 1984 đến năm 1989, diễn ra vô cùng ác liệt. Trung Quốc huy động tới hơn 50 vạn quân của 8/10 Đại Quân khu, cùng khoảng 800 khẩu pháo lớn nhỏ. Thời gian cao điểm, trung bình mỗi ngày, quân Trung Quốc bắn sang Việt Nam từ 30-50 nghìn quả đạn pháo… khiến cho núi lở, đá đè lấp kín khe sâu. Vì thế, trong số hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ ta hi sinh tại Vị Xuyên, thì có tới hơn 2.000 liệt sĩ vẫn chưa lấy được hài cốt.

'Hoi uc chien tranh Vi Xuyen' anh 2
Ban Tổ chức buổi giới thiệu sách chúc mừng Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy.


Là người trực tiếp tham gia chỉ huy chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở nhiều mặt trận, trong đó có Vị Xuyên, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy đã ghi lại một số sự kiện của cuộc chiến này qua Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên. Tác giả mang đến cho bạn đọc một góc nhìn chân thực, khách quan, cụ thể, sinh động về cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, khốc liệt của quân dân ta. Đặc biệt, tác giả cung cấp cho người đọc những tư liệu quý, những sự kiện lịch sử tuy đã qua nhưng vẫn còn nóng bỏng, mang hơi thở của chiến trường.

'Hoi uc chien tranh Vi Xuyen' anh 3

Các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp và các nhân chứng đã trực tiếp chiến đấu tại biên giới phía Bắc, những năm 1979-1989 chúc mừng Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy.

“Có người nói rằng, cuộc chiến tranh phía Bắc Việt Nam là một câu chuyện buồn trong lịch sử, một câu chuyện buồn trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Dẫu vậy, nó vẫn là lịch sử. Lịch sử không thể bị lãng quên. Con em chúng ta cần biết và có quyền biết lịch sử, biết những gì mà cha ông đã làm, để tự hào và tiếp nối truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc”. Đây cũng là tâm nguyện của tác giả Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên.

Việt Tú

Bạn có thể quan tâm