Vào năm 1912, hàng nghìn phụ nữ đòi quyền bầu cử đã đi tuần hành ngang qua thẩm mỹ viện Elizabeth Arden ở New York. Người sáng lập thương hiệu này ủng hộ việc giành quyền lợi cho phụ nữ và bà đã trao cho những người phụ nữ tuần hành các thỏi son môi màu đỏ.
Hai thủ lĩnh tuần hành Elizabeth Cady Stanton và Charlotte Perkins Gilman yêu thích son môi đỏ vì nó có khả năng gây ấn tượng mạnh. Họ cũng mặc cùng trang phục màu sắc táo bạo, coi đó là dấu hiệu của sự nổi loạn và giải phóng.
Rachel Felder, tác giả của cuốn Red Lipstick: An Ode to a Beauty Icon chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng: "Không thể có một biểu tượng nào hoàn hảo cho những người phụ nữ đòi quyền bầu cử hơn cây son đỏ. Nó không chỉ thể hiện sự mạnh mẽ mà còn là sự nữ tính”.
Cuốn sách được ra mắt tháng 4/2019. Ảnh: Amazon. |
Loạt biểu tượng văn hóa khác biệt
Trong suốt nhiều thế kỷ, son đỏ thể hiện cho rất nhiều giá trị, từ việc nằm trong tay giới thượng lưu ở Ai Cập cổ đại hay được gái mại dâm ở Hy Lạp cổ đại sử dụng, cho đến vị thế của nó ở Hollywood thời kỳ đầu là một biểu tượng của sự quyến rũ. Màu sắc rực rỡ của đôi môi đỏ là một vũ khí văn hóa hùng mạnh, gắn với nhiều biểu tượng xuyên suốt hàng nghìn thế kỷ. Tác giả Felder nói: "Son môi đỏ thực sự là một cách để lần theo lịch sử văn hóa và các hệ tư tưởng của thời đại".
Trước khi son môi trở nên phổ biến vào đầu thế kỷ 20, những người phụ nữ có đôi môi đỏ thường bị coi đáng nghi về mặt đạo đức: Thiếu lịch sự, có lối sống tình dục vi phạm luân lý, thậm chí là dị giáo. Trong thời kỳ tăm tối, đôi môi đỏ còn được coi là có liên quan với quỷ dữ. Felder nói rằng: “Trang điểm lúc đó bị cho là gắn liền với những yếu tố nữ tính bí ẩn và đáng sợ”.
Đề cập tới sự thay đổi xã hội sau thời điểm đó, cuốn sách của Felder giải thích rằng khi phong trào đòi quyền bầu cử ở Mỹ chấp nhận đôi môi đỏ thì toàn cầu cũng dần hướng tới việc dùng son để thể hiện bản thân mình.
Khi các phong trào này lan rộng khắp châu Âu, New Zealand và Australia, các nhà tổ chức Anh và Mỹ thường chia sẻ các chiến thuật, từ tổ chức tuần hành, tuyệt thực, đến các chiến lược mạnh mẽ hơn. Và sự đoàn kết này mở rộng đến việc trang điểm. Lấy cảm hứng từ các đồng nghiệp người Mỹ, nhà lãnh đạo bầu cử người Anh Emmeline Pankhurst cũng sử dụng son đỏ để giúp truyền bá biểu tượng của họ.
Chân dung nữ doanh nhân mỹ phẩm Elizabeth Arden (1947). Ảnh: Hulton Archive/Getty Images. |
Tác giả Felder cũng lưu ý, bên cạnh nỗ lực của các phong trào đòi nữ quyền, việc phụ nữ dần bỏ đi những chiếc áo lót gọng cứng bằng đồng thau cũng giúp tạo nên một sự cởi mở hơn trong xã hội. Và trong khi những người phụ nữ đi tuần hành có thể phải là nhân tố chính lan rộng hình ảnh của đôi môi đỏ thì chính họ là người thổi bùng lên ý tưởng về một "người phụ nữ hiện đại" ở châu Âu và châu Mỹ.
Tính chiến đấu kiên cường của nữ giới
Trong Thế chiến 2, đôi môi đỏ thể hiện một sự thách thức táo bạo. Felder cho biết Adolf Hitler "nổi tiếng là ghét màu son đỏ". Ở các nước Đồng minh, son đỏ lại trở thành một dấu hiệu của lòng yêu nước và là lời tuyên bố chống lại chủ nghĩa phát xít.
Khi nam giới ra chiến trường và phụ nữ thực hiện vai trò ở quê nhà, họ đã tô son đỏ khi gia nhập lực lượng lao động. Điều đó cho thấy sự kiên cường của họ khi đối mặt với xung đột. Felder giải thích: "Bôi son cho phép phụ nữ giữ được ý thức về bản thân của chính họ từ trước chiến tranh". Bức tranh cổ động của J. Howard Miller về Rosie the Riveter - biểu tượng văn hóa được sử dụng để tuyển dụng và trao quyền cho các nữ công nhân nhà máy Mỹ - đã khắc họa nhân vật này có đôi môi màu anh đào.
Biểu tượng tuyên truyền này cũng được tô son đỏ. Ảnh: MPI/Archive Photos/Getty Images. |
Năm 1941 và trong suốt thời gian chiến tranh, son môi đỏ trở thành bắt buộc đối với những phụ nữ tham gia quân đội Mỹ. Các thương hiệu làm đẹp đã tận dụng xu hướng thời chiến, khi Elizabeth Arden giới thiệu loại son Victory Red và Helena Rubenstein ra mắt son Regimental Red.
Felder chia sẻ: "Tô son đỏ đối với phụ nữ thời đại đó liên quan đến ... ý thức về lòng tự trọng nữ tính", đặc biệt là "lòng tự trọng của một người phụ nữ kiên cường và mạnh mẽ". Các nữ diễn viên kinh điển của Hollywood như Elizabeth Taylor cũng đã tô thêm một lớp son quyến rũ cho vẻ ngoài tự tin.
Ngày nay, phụ nữ có thể sử dụng nhiều biểu tượng hơn khi đấu tranh đòi quyền lợi nhưng màu son đỏ vẫn giữ được những giá trị riêng của nó. Một hình ảnh nổi tiếng từ năm 2015 cho thấy một phụ nữ Macedonia hôn lên tấm khiên chống bạo loạn của cảnh sát trong một cuộc biểu tình chống chính phủ và để lại dấu hôn màu đỏ. Đây là một khoảnh khắc có giá trị biểu tượng sâu sắc.
Tháng 12 năm ngoái, gần 10 nghìn phụ nữ ở Chile cũng đã xuống đường, đeo băng bịt mắt đen, khăn quàng đỏ và môi đỏ để lên án bạo lực tình dục ở nước này.
Bằng cách tô son đỏ, những người biểu tình trên khắp thế giới đã thổi bùng lên sức mạnh mà những người phụ nữ đòi quyền bầu cử tạo ra một thế kỷ trước đó. Như một tuyên bố đầy táo bạo và thách thức, di sản của phái đẹp đang hiện hữu và còn được tiếp bước.