Khi phân phối Nike + Fuel Band, sản phẩm đeo tay theo dõi sức khỏe, công ty Nike đã mất khoản tiền khổng lồ cho việc sản xuất, tiếp thị ồ ạt với loạt quảng cáo có LeBron James và Serena Williams đeo sản phẩm này. Nhưng thị phần của Nike chưa bao giờ quá 10% so với hai thương hiệu ít danh tiếng hơn, FitBit (69%) và Jawbon (19%). Cuối cùng, Nike phải ngừng sản xuất, đền bù cho khách 2,4 triệu USD.
Không hiếm những hãng khổng lồ với lịch sử dày dặn như Nike gặp vô số vấp váp tốn kém như vậy. Do đó, cũng không có gì khó hiểu khi đa số các công ty khởi nghiệp lại lâm vào cảnh “sớm nở, tối tàn” nhanh chóng. Theo Cơ quan Thương mại và Đầu tư của chính phủ Australia (Austrade), số lượng startup ở Việt Nam tăng trưởng phi mã về số lượng, từ 400 năm 2012 lên gần 3.000 năm 2017, số vốn đầu tư lên tới 900 triệu USD (2018). Nhưng 80% startup không duy trì được quá 2 năm.
Bìa sách Để chú voi cất cánh. |
Là một người trong cuộc, Steven Hoffman - tác giả cuốn Để chú voi cất cánh - có những hiểu biết sâu sắc về thế giới startup có vẻ ngoài phù hoa nhưng bên trong cũng không ít chua chát. Sau khi gọi vốn thành công cho ba công ty của mình, Hoffman quyết định nghỉ ngơi. Nhưng rồi nhiều bạn bè đã tìm đến ông nhờ giúp đỡ “Steve, cậu phải giúp tôi!”, “Làm sao để tôi gọi vốn thành công”…
Đó là lý do mà Hoffman thành lập Công ty Founder Space - nơi được tạp chí nổi tiếng Forbes giới thiệu là vườn ươm, tăng tốc khởi nghiệp hàng đầu thế giới. Trong vòng mười năm qua, ông đã có cơ hội làm việc với hàng trăm nhà sáng lập của các công ty khởi nghiệp trên thế giới.
Từ đó, Hoffman cũng nảy sinh ý tưởng viết cuốn sách Để chú voi cất cánh. Ông muốn giúp các nhà lãnh đạo startup tìm ra cách áp dụng những ý tưởng, năng lượng, sự khôn khéo của các tập đoàn khổng lồ ở Thung lũng Silicon vào công ty của họ để vượt lên cạnh tranh.
Tên cuốn sách đầy tính hài hước thể hiện ý tưởng: Đổi mới sáng tạo thật không dễ dàng, giống như tìm cách để chú voi nặng nề có thể bay lên không trung. Đa số các công ty lớn hiện nay đều coi đổi mới sáng tạo là ưu tiên số một nhưng con đường đạt được điều đó có nhiều cay đắng hơn thành công.
“Niềm hạnh phúc mà các công ty muốn có được đều giống nhau, chỉ thất bại thì mỗi công ty lại thất bại theo một kiểu. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta học được nhiều điều từ thất bại hơn là từ thành công. Và thất bại càng lớn, chúng ta học được càng nhiều”, Hoffman chia sẻ.
Khi không còn sợ thất bại, bạn sẽ có cơ hội đi tới thành công. Bạn có biết trước khi lập được thương hiệu KFC, đại tá Harland Sander từng bị từ chối hơn 1.000 lần? Mark Cuban không làm nổi một anh thợ mộc, không thể làm đầu bếp hay phục vụ bàn nhưng lại bán được công ty Broadcast.com cho Yahoo với giá hàng tỷ USD? Sản phẩm đầu tay của Akio Morita, nhà đồng sáng lập tập đoàn Sony, là một chiếc nồi cơm điện nấu cháy hết cơm?
Cách dẫn dắt của Hoffman dễ hiểu và thấm thía khi ông đưa ra ví dụ về những nhà sáng tạo nổi tiếng ở thung lũng Silicon, từng bước giúp bạn phát triển, thử nghiệm và tiến hành những ý tưởng có vẻ bất khả thi trở nên thành công.
Không chỉ chia sẻ bài học từ những công ty đại gia, tác giả còn đưa ra hệ thống giải pháp có trình tự, quy củ. Bạn sẽ học được cách thức các startup cho ra đời những sản phẩm và dịch vụ đột phá; phương thức hiệu quả nhất để nhận dạng và xác định sự phù hợp của ý tưởng mới; việc cần làm để nuôi dưỡng văn hóa đổi mới sáng tạo; cách thiết lập quy trình đổi mới ở công ty.
Trên Goodread - chuyên trang đánh giá sách nổi tiếng, nhiều độc giả đánh giá cao Để chú voi cất cánh. Họ cho rằng đây là cuốn sách cẩm nang mà những nhà khởi nghiệp phải đọc. Cuốn sách 400 trang dày dặn với lượng kiến thức nhiều nên các doanh nhân có thể giở đọc lại, tham khảo khi gặp những khó khăn khác nhau.
Vài nét về tác giả:
Steve Hoffman (Thuyền trưởng Hoff) là nhà sáng lập nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư thiên thần và tác giả cuốn sách “Để chú voi cất cánh”. Hoffman cũng là CEO của Công ty Founder Space, một trong những vườn ươm khởi nghiệp và tăng tốc hàng đầu thế giới với hơn 50 đối tác ở 22 nước. Phạm vi hoạt động của công ty chủ yếu ở Mỹ và châu Âu nhưng đang dần mở rộng sang châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc.
Ông đã đồng sáng lập và gọi vốn thành công cho ba công ty khởi nghiệp. Ông làm việc cho các công ty đại chúng quy mô lớn như InforSpace và Sega; huấn luyện đội ngũ quản lý đến từ các công ty đa quốc gia như IBM, Fujitsu, Huawei…