Sách Sống như bạn đang ở sân bay (tác giả Cúc T) chia sẻ những quan điểm về cuộc sống của tác giả trong thời gian hữu hạn với đích đến cuối cùng mang tên "hạnh phúc". Được sự đồng ý của NXB Tổng hợp TP.HCM, Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách giới thiệu đến quý độc giả.
Tôi “giả bộ” khái quát hóa thế thôi, chứ thật ra trong đầu chỉ đang nghĩ đến những người phụ nữ vừa trải qua sinh nở. Hạnh phúc được làm mẹ, được cưng nựng ẵm bồng, rồi ấp ủ yêu thương đứa bé con thơm mùi sữa làm sao mà đo đếm được. Nhưng cái giả phải trả cho hạnh phúc ấy chưa bao giờ là một mức giá hời. Đa số trả bằng sức khỏe với cơ thể yếu đi thấy rõ sau một chuyến vượt cạn, phần nhiều trả thêm bằng nhan sắc, mất đi cái vóc dáng thon gọn nuột nà thời thiếu nữ, nhiều người trả giá bằng sự nghiệp, sinh con xong là lui về làm mẹ bỉm sữa, nghỉ việc hẳn, hoặc chỉ làm một công việc “nhàn nhã”, để có thời gian chăm sóc con mọn. Có người, thậm chí đã phải trả giá bằng hạnh phúc gia đình, khi người bạn đời đã không còn yêu thương nổi một “version” mới với quá nhiều khiếm khuyết của người phụ nữ khi làm mẹ.
Một trong những ca “trả giá” dũng cảm nhất mà tôi từng biết là cô ca sĩ Vietnam Idol những mùa đầu tiên. Nếu một người phụ nữ bình thường, sau sinh, có bị phá tướng, sẽ chịu những ánh nhìn nghi ngại của bạn bè, gia đình, thì cô ca sĩ nọ phải chịu ánh nhìn tội nghiệp ấy từ hàng triệu cặp mắt của khán giả. Người ta thường rộng lượng, và có lẽ cũng là một cách an ủi, rằng những người phụ nữ sau sinh có một vẻ đẹp mặn mà, viên mãn hơn thời con gái. Tôi đã cố dùng lăng kính ấy để nhìn người ca sĩ một thời thon thả kiêu sa. Nhưng ánh nhìn ấy đã không thể nào cứu vãn cảm giác xót xa khi trước mắt tôi là một người phụ nữ đã tăng 30 cân sau sinh và làn da thì đen nhẻm. Một lần nọ, tôi không rõ là do yêu cầu nhận diện thương hiệu hoặc chỉ là một lời đòi hỏi ác ý, người ta muốn cô trình diễn với chiếc váy bó màu xanh ngọc mà cô đã từng mặc kiêu sa thời son rỗi. Cô đã phải “phá banh” chiếc váy, đắp vào hai bên, mỗi bên một miếng vải 10 cm nữa. Hình ảnh ấy mãi mãi ám ảnh trong tâm trí tôi, nhắc nhở một thông điệp - hạnh phúc nào chẳng phải trả giá? Thật may, tôi biết rằng, người ca sĩ mà mình yêu mến, đã hiểu rất rõ cái chân lý nghiệt ngã ấy. Cô biết mình đang hạnh phúc, và cô dù đau đớn, nhưng sẵn sàng trả giá cho niềm hạnh phúc ấy.
Người phụ nữ luôn phải hy sinh nhiều thứ, kể cả niềm vui bản thân cho hạnh phúc gia đình. |
Và còn nhiều lần trong cuộc đời này, như mấy bận yêu đương, chúng ta đã không sẵn sàng trả giá cho hạnh phúc. Những ngày này, người ta nói nhiều đến một cái “chợ tình quốc tế”, nơi bạn hoàn toàn dễ dàng gặp gỡ, và có thể là sau đó phải lòng một anh chàng, cô nàng nào đó vốn ở cách mình nửa vòng trái đất. Nhưng đó cũng là lúc họ đặt ra cho người kia, và cả chính mình, những câu hỏi đầy nghi ngại, e dè, và không có nhiều người thực sự đủ dũng cảm đi tìm câu trả lời: “Rồi sao nữa? Rồi mình sẽ rời bỏ gia đình, công việc ở đây để tới với người ấy ở phía bên kia trái đất? Rồi mình làm gì để sống?...”. Chúng ta tự vẽ lên những kịch bản rất "realistic" (thực tế), trong đó mình phải trả những cái giá quá đắt, và mình đã không sẵn sàng đánh đổi. Và thật kỳ lạ, bạn thấy không, người chơi Tinder vốn không phải những con người suốt ngày quanh quẩn trong lũy tre làng. Trái lại, họ là những công dân toàn cầu, trong đó, có những người là world traveller - đi du lịch vòng quanh thế giới; những doanh nhân đi Tây đi Tàu có dự án rải khắp năm châu. Họ đã sẵn sàng đi những quãng đường rất xa, cho những niềm yêu thích của riêng mình, nhưng lại ngần ngại khi đi quãng đường xa ấy vì một người nào đó. Đó phải chăng là một dạng tham lam, chúng ta muốn được vui hơn bây giờ, ấm áp hơn bây giờ, ngọt ngào hơn bây giờ, nhưng không sẵn sàng đánh đổi một thứ gì đó mà mình đang nắm giữ.
À, tôi lại vừa nghĩ tới những niềm vui bé mọn hơn, mà chúng ta đều phải trả giá. Như cái thú vui đi lặn ngắm san hô (snorkelling). Bạn muốn ngắm những rạn san hô đẹp, còn nguyên vẹn thì phải chịu khó ngồi tàu đi ra các đảo xa. Úp mặt hàng giờ xuống lòng biển, say sưa trầm trồ với những kiệt tác của thiên nhiên, cũng đồng nghĩa với việc phải chấp nhận một mảng lưng bị ăn nắng, đen nhẻm, hoặc bỏng đỏ, thậm chí “lột da” và xấu xí đến mấy tháng liền. Rồi khi quẩn quanh ở những vùng nước cạn thì cũng hãy chuẩn bị tinh thần cho những lần san hô cứa vào bàn chân đổ máu. Không chịu được một chút say sóng, không dám hy sinh làn da nuột nà trong một vài tháng, không dám cho bàn chân một chút đớn đau bỏng rát, chúng ta trông chờ một niềm phấn khởi ngập tràn từ đâu tự tìm đến, hiển hiện trước mắt mình?
Người ta bảo rằng có những niềm vui “miễn phí”. Tôi không tin. Miễn phí có chăng là bạn không phải “móc hầu bao” cho nó. Nhưng chúng ta đều phải trả giá bằng cách này hay cách khác. Có khi đó là thời gian, thanh xuân, tuổi trẻ, có khi đó là niềm tin của mình nơi con người…
Hạnh phúc không miễn phí, nên hãy sòng phẳng mà đánh đổi.