Hà Nội là niềm cảm hứng cho các cây bút nhiều thế hệ. |
Hà Nội có sức hấp dẫn lạ kỳ đối với các nhà văn. Người viết về mảnh đất này nhiều lắm, mỗi cây bút lại có một góc nhìn riêng, khi tái hiện lại thành phố này trong văn chương. Thế nhưng, để hiểu hơn về Hà Nội, hãy đọc các sáng tác của những nhà văn đất Tràng An. Trong trang viết của họ, Hà Nội xưa và nay đan cài vào nhau, khiến người ta rưng rưng hoài niệm.
Trong dòng chảy văn học đương đại, khi nhắc tới các nhà văn chuyên viết về Hà Nội, chúng ta không thể bỏ qua ba cái tên: Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà và Lê Minh Hà. Mỗi người mang một tâm thế khác nhau khi viết về thành phố nghìn năm tuổi.
Nhà văn Đỗ Phấn (giữa) trong một buổi tọa đàm năm 2016. Ảnh: NXB Trẻ. |
Đỗ Phấn - người luôn nặng lòng với Hà Nội
Đỗ Phấn vốn là một họa sĩ, sau nhiều năm cầm cọ và gặt hái một số thành công trong lĩnh vực hội họa, ông tìm đến với văn chương. Dù cầm cọ hay cầm bút, Hà Nội vẫn mang đến cho Đỗ Phấn nguồn cảm hứng bất tận. Đến nay, nhà văn đã có hơn 20 cuốn sách viết về Hà Nội, chúng trải dài ở nhiều thể loại như: tản văn, ký sự, tiểu thuyết.
Chắc chắn, sẽ có người thắc mắc: viết mãi về một vùng đất, liệu cảm hứng có cạn kiệt? Nhưng với Đỗ Phấn thì không, ông đã từng tâm sự: “Chuyện về Hà Nội, kể cả đời vẫn chưa vơi”. Đọc các tác phẩm của Đỗ Phấn, người ta nhận ra rằng, từng con phố, tuyến đường ở Hà Nội, có đủ thứ chuyện để nhà văn viết một cách say sưa, mê mải.
Đọc các tản văn như: Ngẫm ngợi phố phường, hay Ngồi lê đôi mách với Hà Nội, độc giả sẽ ngạc nhiên vì Đỗ Phấn hiểu thành phố này như lòng bàn tay. Tưởng chừng nhà văn có thể nhắm mắt lại, rồi đi bộ từ phố này sang phố khác. Đỗ Phấn viết văn không ngừng nghỉ, để nhung nhớ một Hà Nội xưa, và học cách yêu Hà Nội của hiện tại. Với ông, Hà Nội dù đang thay đổi từng ngày, nhưng nó vẫn là một thành phố đáng yêu, đáng trân trọng.
Nhà văn Nguyễn Việt Hà viết về Hà Nội bằng vốn sống phong phú. Ảnh: QĐND. |
Nguyễn Việt Hà - gã trai kiêu bạc của phố cổ
Nguyễn Việt Hà được biết đến với tiểu thuyết Cơ hội của Chúa ra đời cách đây hơn 20 năm. Từ đó tới nay, nhà văn này vẫn miệt mài viết, ông đã cho ra đời bốn tiểu thuyết, một số tập truyện ngắn và tạp văn. Không gian quen thuộc, lặp đi lặp lại trong các sáng tác của Nguyễn Việt Hà là Hà Nội, mà đặc biệt là khu phố cổ.
Ai yêu quý văn ông sẽ mường tượng ra cảnh một người đàn ông trung niên, đi quanh những khu phố đã nhuộm màu thời gian, xếp dọc ngang như ô bàn cờ để kể chuyện. Nguyễn Việt Hà đã có được một giọng kể rất riêng cho các sáng tác của mình. Trong cái dí dỏm, bông đùa hơi tưng tửng của ông là những trải nghiệm sống sâu sắc.
Người Hà Nội hiện lên trong văn ông với những nét tinh tế, ý nhị mà không phải nơi đâu cũng có được. Mảnh đất này đẹp và nên thơ bởi có những phố phường, quán xá lâu đời.
Khi đã phải lòng một hàng phở ngon, dẫu có phải chờ lâu người ta vẫn đủ kiên nhẫn. Dù quán đông, tấp nập khách khứa, chủ quán vẫn nhớ rõ sở thích của mỗi vị khách quen. Dáng dấp phố phường và thói quen nơi quán xá của người Hà Nội được thể hiện qua các tạp văn: Con giai phố cổ, Mặt của đàn ông và Đàn bà uống rượu.
Đời sống thị dân ở Hà Nội là một đề tài quen thuộc trong các sáng tác của Nguyễn Việt Hà, điều này thể hiện rõ trong các tiểu thuyết Khải huyền muộn, Thị dân tiểu thuyết. Nhà văn luôn đau đáu về lớp người đã sống ở Hà Nội suốt mấy đời, đến đây buôn bán, rồi sinh con đẻ cái, chứng kiến những đổi thay của thành phố này.
Hà Nội đang khác đi từng ngày, và người Hà Nội buộc phải chấp nhận những thay đổi đó.Trong quá trình “thay da đổi thịt” ấy, người ta hoài niệm và tiếc nhớ những gì đã qua.
Nhà văn Lê Minh Hà viết về Hà nội bằng cảm quan đầy nữ tính. Ảnh: Tô Chiêm. |
Lê Minh Hà - Hà thành trong mắt người thiếu nữ
Hà Nội hiện ra trong văn của Lê Minh Hà bằng cảm quan giàu nữ tính. Ở đây là nơi người ta “chầm chậm ăn, thong thả mặc”. Đọc văn của bà, độc giả mường tượng đến hình ảnh những cô gái mới lớn dịu dàng, tóc kẹp gọn, bước đi uyển chuyển trong chiếc áo dài thụng, dạo chợ hoa ngày Tết. Khi ấy, người thiếu nữ sẽ cẩn thận chọn từng cành thược dược, từng nụ tầm xuân về trưng trong nhà.
Đọc một số tản văn của Lê Minh Hà như: Thương thế ngày xưa, Tháng ngày ê a, hay Tuổi ấy mình yêu, độc giả sẽ ấn tượng về một Hà Nội thời bao cấp. Dẫu khó khăn, thiếu thốn trăm bề, người ta vẫn sống một cách chỉn chu, mực thước chứ không xô bồ, cẩu thả.
Thời bao cấp, kiếm được một hộp mứt, hay gói kẹo để tiếp khách ngày tết vốn chẳng dễ dàng gì. Thế nên, vào cuối tháng chạp, các cô con gái lớn trong nhà sẽ tỉ mẩn gọt từng củ cà rốt, cùng ít gừng và mấy quả dừa ra làm mứt. Dù khó khăn, thiếu thốn, nhưng người ta vẫn cố gắng chu toàn mâm cỗ ngày tất niên, canh bóng phải có nước dùng thật trong, bát mọc thơm, dậy mùi nấm hương.
Lê Minh Hà dành nhiều tình cảm cho ẩm thực Hà Nội. Từ những món ăn “ghi danh xứ sở” như: phở, bún ốc, bánh tôm… tới những thức quà vặt như bát chè hoa cau, cái kẹo kéo, mấy quà sấu chín, đều được bà miêu tả một cách rất tỉ mỉ.
Hà Nội không phải là vùng đất duy nhất xuất hiện trong văn của Lê Minh Hà. Nhớ về những ngày tháng đi sơ tán cùng bà nội khi còn bé, nhà văn đã viết về vùng nông thôn. Có điều, những trang văn ấy không thấm đượm tình cảm như những gì tác giả dành cho Hà Nội. Ở đó, có một cô bé con luôn nhớ về Hà Nội và ước được trở về nhà.