Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguyễn Đình Thi trong ký ức PGS Đặng Thị Hạnh

"Khác với Văn Cao, tôi còn gặp Nguyễn Đình Thi nhiều lần sau cách mạng", PGS Đặng Thị Hạnh mở đầu những dòng ký ức về tác giả "Người Hà Nội".

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Ảnh: L.G.

Có lần tôi đã nói nhận thấy những nét song hành trong đời hai nghệ sĩ này. Nguyễn Đình Thi cũng lấy con gái gia đình đã nuôi anh thời hoạt động bí mật.

Anh có kể với một người bạn: Thời trước khởi nghĩa, anh bị lao phổi, phải nằm bệnh viện ở Hà Nội, ngày nào cũng có một người con gái mặc áo dài lụa, tóc búi, đi xe tay đến đưa cơm cho anh.

Đó là chị Nga. Trong thời chống Pháp, có một lần gia đình tôi lên ATK, đi qua gian nhà tre nơi anh ở, trên vách có treo một chân dung của chị do anh vẽ, mắt rất to, chị đẹp một cách phúc hậu.

Rồi thời chống Mỹ, những thời điểm hiếm hoi, ngừng ném bom, anh đến trường chúng tôi nói về thơ, anh vẫn thế, cao, mái tóc xõa trên trán, thời gian như không để dấu vết trên anh, khi giọng anh vẫn ấm áp đến thế. "Ôi những cánh đồng quê chảy máu / Dây thép gai đâm nát trời chiều”.

Tưởng như đời anh đầy đặn hơn nhiều so với cuộc đời Văn Cao. Tác giả của những bài ca hay nhất về mùa thu đã ra đi vào một ngày hè tháng bảy nóng bức năm 1995.

Nhưng còn sau khi Nguyễn Đình Thi qua đời vào tháng tư năm 2003 trong một bài viết rất hay, Thợ Rèn đã nói tới "nghiệp chướng của đời anh": Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em (1948), câu thơ lấy cảm hứng từ tên người thiếu nữ anh yêu thuở ấy, câu thơ đã "làm nên danh phận, danh và phận" của Nguyễn Đình Thi, như lời Đặng Tiến - đã phải đổi thành Sông Cầu êm ả cuộn về xa - và cuối cùng: Tôi nhớ những ngày thu đã xa.

Một câu thơ nhỏ mà chứa đựng bao nhiêu tâm sự của nhà thơ và có thể là cả một cái gì lớn hơn nữa trong đường đi lắt léo của cái gọi là diễn giải văn học.

Hai năm trước khi anh ra đi, trong dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Hugo, để chuẩn bị cho hội thảo, tôi đề nghị được gặp anh để mời tham luận. Chị tôi nói với tôi theo cách rất đơn giản của chị: "Il aime les jolies femmes" (Ông ấy thích những phụ nữ đẹp).

Tôi nói một nữ đồng nghiệp của tôi đi cùng, cô không phải xinh lắm nhưng có cái duyên hiền hậu và thông minh của một trí thức trẻ, gốc Nghệ An nhưng đã đi học Văn học Pháp ở Paris và đã sống lâu ở Hà Nội.

Chúng tôi đợi trong phòng làm việc của anh, một căn phòng hẹp, trần trụi, được trang bị loại bàn ghế thời bao cấp. Một lúc sau anh lên, đầu để trần (mặc dù trời rét), mặc một cái áo màu sẫm lụng thụng, nhưng với dáng vẻ của anh thì mọi thứ - văn phòng sơ sài, vào thời mà phòng làm việc của các Ban Giám hiệu trường tôi đã bóng lộn và sang trọng, quần áo giản dị vào thời mà các giám đốc đã mặc complet, đeo ca-ra-vát, tất cả là phẳng lì - đều là một cái gì rất phụ.

Hôm ấy tôi và cô bạn đồng nghiệp đã được nghe anh nói về thời thơ ấu của mình nhân khi tôi hỏi lại một đoạn anh viết về Cosette đi lấy nước trong rừng và gặp Jean Valjean.

Tại sao anh thích đoạn đó?

Cho đến bảy tuổi Nguyễn Đình Thi sống ở Phong Sa Ly, nơi có một đồn lính "tây" đóng giữa một vùng rừng núi heo hút. Đã có trại lính, theo lời anh Thi là phải có một trạm bưu điện, một trại ngựa và một căng tin. Bố anh chính là người phụ trách trạm bưu điện đó, ông giỏi tiếng Pháp, giỏi cưỡi ngựa và bắn súng, lại còn biết đỡ đẻ.

[...]

Suốt sáu, bảy năm anh lang thang chơi ở vùng rừng núi đó và bố anh đã gửi mua cho anh qua đường bưu điện một số sách, trong đó có quyển Những người khốn khổ (đã được in thành tập, qua bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh năm 1926, sau khi được dịch lần lần trong tạp chí Đông Dương từ 1923).

Đọc Những người khốn khổ giữa rừng già Phong Sa Ly, chẳng trách gì cậu bé Nguyễn Đình Thi đã xúc động sâu xa trước không khí bí ẩn của thời điểm cô bé Cosette đi xách nước trong rừng.

Hôm đó, anh Thi cũng nói rất nhiều về các cuộc gặp gỡ trò chuyện với ba tôi, không quên nhắc đến buổi chiều đến nhà ba tôi ở ngõ nhỏ Trúc Lạc từ mấy chục năm trước: "Phảng phất như có một vệt nắng vàng nhạt qua cửa sổ" và những lời từ tốn điểm xuyết nhiều nụ cười của ba tôi là những gì anh còn giữ lại từ "buổi chiều đáng nhớ" ấy.

Chị tôi và tôi còn đến thăm anh một lần cuối khi anh đã ốm nặng, ở Bệnh viện Việt Xô, hai tháng trước khi anh mất. Anh nằm trên giường, không có vẻ gì ốm yếu, gương mặt và giọng nói vẫn vậy: "Tôi có một khối u, nhưng đã thử rồi, nó lành".

Tiễn tôi và chị tôi xuống chân thềm, con gái anh nói với chúng tôi: "Chúng cháu nói rồi, số bố cháu thật là vất vả, cuối cùng bên cạnh, vẫn chỉ có con gái" (chị Tuệ Minh, vợ anh, lúc này bị huyết áp cao).

Tôi tự hỏi: Cuộc đời thật lạ, đâu là họa và đâu là phúc? Khi viết những dòng này, tôi tự hỏi tại sao tôi lại viết nhiều như vậy về hai nghệ sĩ, thực ra tôi chỉ gặp rất ít kể từ thời đầu cách mạng, trong khi tôi chẳng có thể nói gì nhiều về những người thân trong gia đình vào thời này?

Đặng Thị Hạnh/ NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY