Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách dạy con của cố giáo sư Đặng Thai Mai

"Ba không dạy bay, ở nhà ta chỉ nhặt chữ rơi ngoài ngạch là đủ thông", giáo sư Đặng Thai Mai từng nói với con gái.

Giáo sư Đặng Thai Mai. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Tất cả vật nhỏ bé xinh đẹp đối với tôi đều như có hào quang thần diệu bao quanh, nhưng chắc chắn vào tuổi mười, mười một, không gì địch được với ma lực của sách truyện cổ tích Pháp.

Trong một thời gian dài, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng ba tôi chú ý đến việc học hành của chúng tôi. Nửa đùa, nửa thật, ba tôi đã nói: "Ba không dạy bay, ở nhà ta chỉ nhặt chữ rơi ngoài ngạch là đủ thông".

Quả nhiên, ba tôi không bao giờ kèm chúng tôi học, tất nhiên vì ba tôi bận, nhưng trước tiên có lẽ vì ba tôi không muốn có gì "câu thúc" (một từ có phần khó hiểu mà ngay từ bé tôi đã hay thấy ba tôi dùng) đối với tâm hồn và đầu óc đứa trẻ.

"Nhặt chữ rơi ngoài ngạch" thì cũng có phần đúng trên bình diện ẩn dụ, ở nhà tôi sách nhiều vô kể. Chúng nằm trong cái tủ cao có cửa kính của phòng làm việc ba tôi, chúng vương vãi trên bàn làm việc... sau này chúng xâm lấn ở khắp nơi chúng có thể vào được.

Nhưng vào tuổi mười, mười hai chúng tôi chưa chọn được sách trong tủ ba tôi. Chúng tôi hay chạy ra phố mua tạp chí (Lisette), Tuần lễ của Suzette, các truyện trong Tủ sách Hồng dành cho trẻ em, và khi lớn hơn một chút nữa là Tủ sách Xanh.

Các loại sách này đều không chỉ nói đến những chuyện thần tiên, những điều êm ả. Trong Tủ sách Hồng, có nhiều truyện của nữ công tước Ségur mà sau này lớn lên tôi được biết bà là người đã "đổi cái đũa thần của các nàng tiên lấy cái roi".

Truyện của bà kể về những điều oan ức, những khổ ải của một tuổi thơ, bao giờ cũng còn có sức hấp dẫn, bởi vì sự say mê đối với "mặt trái của cái gương soi" vẫn là một điều có thực, và đề tài về những đứa trẻ bị lạc, bị bỏ rơi, bị ăn cắp rồi tìm thấy lại vẫn thực sự là một đề tài của nền văn học dành cho trẻ thơ.

Nhưng không có gì có thể so sánh với những ngày hè rực rỡ, là lúc những cuốn sách to bìa cứng, gáy và mép đều có nhũ vàng tràn vào phòng làm việc của ba tôi.

Chị An, chị Tịnh mua và chở chúng về trong những thùng gỗ màu trắng. Nắng chói chang, tiếng ve sầu ran ran không nghỉ giữa trưa hè oi bức và màu hoa phượng đỏ rực, các thành tố của mùa hè Hà Nội là bối cảnh có thực, mà tôi hầu như không để ý, nhưng đấy vẫn là nền của những thời điểm hạnh phúc mà sau này tôi khó tìm thấy lại.

Chỉ ít hôm nữa, các cuốn sách đẹp đẽ đó, buộc bằng dây sa tanh đỏ hoặc trắng, sẽ được phát cho những học sinh giỏi của trường Thăng Long.

Trong khi chờ đợi, ngập trong mùi giấy mới thơm phức, tôi và chị tôi, ngồi bệt trên sàn gỗ đánh véc ni của phòng ba tôi, đọc ngấu nghiến: Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Lọ lem, Con Yêu râu xanh, Người đẹp ngủ trong rừng và còn gì gì nữa.

Tôi còn nhớ cả bức vẽ của các truyện này. Trừ tập Nàng Bạch Tuyết được minh họa đúng như phim cùng tên, còn phần lớn các truyện cổ tích khác được minh họa theo một kiểu rất lạ. Con người và phong cảnh đều được vẽ bằng một tập hợp những đường nét lăn tăn, rối rắm, tỷ lệ bình thường cũng bị thay đổi, con người thì cao và thanh mảnh lạ lùng, đầu bé tí, nhưng dưới mũ miện, gương mặt của các nàng công chúa và các bà tiên vẫn xinh tới mức tôi không hình dung được một cách vẽ nào khác.

Tôi đọc truyện Andersen chậm hơn Perrault và Grimm, chắc vì dạo đó các sách dịch chưa sang ta sớm như các sách tiếng Pháp. Trong các tác giả dành cho "người lớn", duy nhất một mình Shakespeare là tôi đọc khi mới độ mười tuổi.

Đó là một quyển sách tôi được thưởng khi học xong lớp Nhì, nó khác hẳn các cuốn sách Pháp vì in bằng giấy xấu, bìa mỏng, không hề có tranh ảnh. Bản dịch là của Nguyễn Văn Vĩnh, với những tên phiên âm kỳ lạ, Hâmliệt (Hamlet), Mặc biệt (Macbeth)... tác giả là Thạch Sỹ Bia.

Tôi đọc nó vào một trưa mùa hè, ngồi dưới cái vòm cầu thang nơi rẽ làm đôi lên hai nhà gác và ngay lập tức tôi quên hết mình đang ngồi ở đâu, xung quanh như thế nào: chỉ còn lại là gương mặt mỏng mảnh u buồn của ông Hoàng tử Đan Mạch và cuộc đời bí ẩn của ông.

Tôi chưa hiểu gì về những ý nghĩa sâu xa chứa đựng trong cuốn sách đó, nhưng đọc xong, tôi tỉnh dậy với thực tế như từ một giấc mộng và từ bấy trở đi, qua tuổi thanh niên cho đến lúc đã rất nhiều tuổi, gương mặt của nhân vật này của Shakespeare vẫn không ngừng ám ảnh tôi.

Có vẻ như ba tôi để chúng tôi khá tự do trong việc học hành và đọc sách. Nhưng môi trường sách vở khi ấy còn "lành". Và mãi sau này tôi mới biết rằng ba tôi vẫn có những ý trong đầu về định hướng cho chị em tôi.

Trong khi chị tôi theo học trường "xơ", sau đó thi vào trường Albert Sarraut, thì tôi vào một trường nữ học ở phố Lò Đúc, sau đó tiếp tục vào trường nữ học Hàng Bài, trường của các cô gái nhà lành.

"Cho con Hạnh đi học trường xơ nó sẽ theo đạo mất", ba tôi bảo thế vì mọi người vẫn hình dung tôi là một đứa con gái yếu ớt, dễ chịu ảnh hưởng, nhất là những ảnh hưởng có phần thần bí, thời ấy chơi "ảnh đạo" cũng là một niềm say mê của tôi.

Đặng Thị Hạnh/ NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY