Giáo sư Đặng Thai Mai cùng vợ (ngồi) và các con (từ trái sang): Đặng Thị Hạnh, Đặng Bích Hà, Đặng Thai Hoàng, Đặng Xuyến Như, Đặng Thanh Lê, Đặng Anh Đào. Ảnh: NVCC. |
Có một ngôi nhà tây có vườn lát sỏi ở một phố tây (nay là đường Lê Duẩn) mà tôi không hiểu đặt nó vào thời kỳ nào, cũng không hiểu vì sao ở đó, chỉ có ba tôi và hai chị em tôi, mẹ tôi và các em tôi đã trở về Vinh.
Chắc chắn tôi phải nhớ mẹ tôi lắm, nhưng điều đó không thật rõ, vì tôi chỉ nhớ về những chuyện hoặc vui vẻ hoặc nghịch ngợm, tôi thường "theo đuôi" chị tôi để làm; trong cả cuộc đời, vả chăng, tôi chưa bao giờ làm kẻ dẫn đầu và rất sợ điều đó.
Ngày khai trường, hai chị em tôi ra tận hiệu sách Taupin ở phố Tràng Tiền mua sách vở, tôi thích mùi thơm của giấy mới, những cuốn vở giấy dày, dòng kẻ cách quãng xa, bìa màu đỏ sẫm hoặc lam sẫm, góc vở xén tròn. Nhân tiện hai chị em tôi ra gần Nhà Hát Lớn nhặt hoa gạo, những bông hoa to, cánh dày, tròn màu đỏ thắm - những cây gạo đó nay không còn tìm thấy ở một nơi nào của Hà Nội. […]
Hai chị em tôi cùng hay chạy ra hiệu Anpo đầu Cửa Nam, có hai thứ bánh kẹo tôi không bao giờ quên: kẹo sucette (kẹo mút), những khối tròn nhỏ màu xanh hoặc đỏ trong veo gói trong giấy bóng, cắm trên một cái tăm, và bánh crackers, nhiều lớp mỏng tang, ăn kêu rộp rộp. Thú vui lớn nhất là nhảy qua rào những ngôi nhà tây ở phố ngách - nay là Cao Bá Quát (đấy là những bờ tường xây rất thấp) để ăn cắp hoa trong vườn.
Có một lần bị mụ đầm bắt được, và tôi nhớ mãi câu mụ ta thét từ trong nhà: "Attends, petit vaurien que je te tire les oreilles" (Đợi đấy, thằng vô lại, để tao còn kéo tai mày. Bà ta nhầm chúng tôi là con trai vì mặc quần). Rất lâu sau này, tôi vẫn còn nghĩ không hiểu tại sao tôi nhớ một câu nói vớ vẩn lâu như vậy, có thể vì do ngẫu nhiên, trong một câu ngắn như vậy mà có nhiều âm rít đến thế (t - ở tiếng Pháp có lúc đọc thành ch và r). […]
Khác với những phố vắng vẻ ba tôi thường ở, phố nhỏ này do gần chợ Cửa Nam và phố Lê Duẩn, đã thay đổi ghê gớm.
Các ngôi nhà ngày xưa lấp sâu trong vườn nay đã tiến sát đường, nhà mặt phố, đáng lẽ là của đắt tiền nhất hiện nay - nhưng đó chỉ là những cửa hàng nhỏ tí, photo-copy, chữa ôtô, bán bánh, bún...
Chẳng còn gì để gợi lại những rẻo vườn hồng xưa kia, cùng với trong không trung vang lên không phải là tiếng cười giòn tan của một thiếu nữ (như trong một bài dân ca của Pháp nổi tiếng) mà là tiếng rít lảnh lót của một mụ đầm già: "Attends, que je te tire"...
Trong tất cả ngôi nhà chúng tôi ở trước cách mạng, lâu nhất và quen thuộc nhất là số nhà 14 phố Phạm Phú Thứ. Hiện nay đi qua ngôi nhà đó, tôi thấy chẳng thay đổi là bao: số nhà 11 Nguyễn Quang Bích, trên cổng vẫn còn ghi: Nơi đây, 1938-39, là trụ sở Báo Thế giới (Mặt trận dân chủ Đông Dương).
[…]
Lối vào nhà chúng tôi ở là một cái ngõ bên cạnh, một cái sân nhỏ, gian nhà dưới các anh học sinh của ba tôi ở. Gia đình chúng tôi ở trên gác, một cầu thang giữa sân đến lưng chừng thì rẽ đôi. Rẽ ra phía ngoài là phòng ba tôi, thế giới của sách, của những bài tập học sinh dày cộp mà hàng tuần ba tôi phải chấm rất nhiều (việc này ba tôi không thích như khi đọc sách: "giặt quần áo bẩn").
Và tôi bắt đầu ngó vào các bài làm học sinh mà ba tôi gạch bằng bút mực đỏ, ngoài lề, nhiều nhất là chữ inc (incorrect: sai ngữ pháp). Rẽ sang trái là phòng của mẹ tôi, các đồ đạc nhỏ bé thân quen, các hộp sắt mọi cỡ mà mẹ tôi đựng đủ mọi thứ (mẹ tôi đặc biệt thích hộp, sau này trên con đường dài đi tản cư, phải bỏ lại trên đường các thứ hộp, tôi biết mẹ tôi buồn), cái giường tôi ngủ với mẹ và chị, rồi các thứ bánh ăn vào ngày lễ.
Một năm đối với tôi khi ấy như chỉ có hai điểm mốc: Tết và hè, và giống như cái cầu thang, lên gác thì rẽ đôi, dường như Tết là của mẹ tôi, còn những ngày hè là thuộc về ba tôi.
Những năm đó, Tết tôi không còn được về quê luôn như trước nữa, nhưng ở đô thị, Tết vẫn là những điểm sáng trên dòng thời gian xam xám trôi đều đặn, và tôi đã yêu ngày Tết như thế rất lâu, cho đến khi đã có con, có cháu, cho đến một ngày, khi ba mẹ tôi mất từ lâu và mưa phùn cũng như ẩm ướt làm cho tuổi tôi sợ hãi.