Hình ảnh chợ hoa ngày Tết của người Hà Nội xưa. Ảnh: TL. |
Qua màn mưa phùn rây như bụi, chỉ đủ để vừa đặt được những chấm sáng li ti trên làn tóc của mọi người, tôi vẫn cảm thấy rất rõ ánh sáng ấm áp của mùa xuân đang về với tất cả dấu hiệu như đã trở thành nghi lễ của Tết: Ngoài đường các cô thiếu nữ Hà Nội đã đổi những áo lụa vân màu rượu chát hay hương khói thành những áo nhung màu đỏ tía hoặc lục sẫm, và họ đi những đôi hài thêu, thận trọng giẫm lên những vỉa hè phủ đầy xác pháo. Trong nhà: hoa đào, hoặc có khi là hoa mai, bánh chưng, giò lụa, mứt... chỉ thiếu có mùi hương trầm của Tết ở quê, vì ở gia đình tôi ở Hà Nội, ba tôi không cúng Giao thừa. Nhưng lại còn bao thứ khác, khiến mỗi năm tôi vẫn háo hức chờ đợi.
Ký ức về hoa thủy tiên ngày Tết
Một buổi chiều giáp Tết, mẹ tôi mang về một thứ củ tròn trơn tru màu xám và tuyên bố rằng bà sẽ tỉa thủy tiên. Tên của bông hoa đẹp quá, nó gợi nhớ trong tôi vừa cả những truyện cổ tích xa xôi, vừa cả những bông hoa tóc tiên cánh màu hồng nhạt trong khu vườn ông ngoại tôi.
Rồi mẹ tôi đặt cái củ đó vào một cái bình thủy tinh có đế cao, trên đó loáng thoáng nổi lên những hình hoa mờ, đường viền của nó quăn như một thứ đăng ten cứng.
Đúng đêm Giao thừa, tôi nhìn thấy vươn lên như nhờ phép lạ từ cái củ tròn xấu xí những cuống hoa xanh nhờ mềm mại - lại một màu lục nhạt, rất nhạt, với những bông hoa mỏng mảnh cánh trắng, nhụy vàng.
Từ đấy đối với tôi đã trở thành đồng nhất với ngày Tết, một cái gì đó đẹp đẽ, nhưng rất chóng qua, và chỉ còn để trong lòng người một niềm luyến tiếc.
Càng nhiều tuổi, ký ức trong tôi về hoa thủy tiên càng trở nên quý giá vì phía trên bông hoa diễm ảo của thời thơ ấu, bao giờ tôi cũng hình dung thấy gương mặt mẹ tôi thời ấy, tóc vấn trần, mặt trái xoan, đôi mắt hơi nhỏ nhưng đen và hiền biết bao nhiêu, cái miệng hơi dày một chút không hề làm mất đi vẻ thanh tú vốn là nét riêng của gương mặt bà.
Ký ức về ba mẹ
Mẹ tôi mất vào một ngày tháng sáu năm 1986. Đối với một phụ nữ suốt đời sống trong nhà, chỉ biết chăm sóc chồng con rồi cháu - trong vô vàn các bản lý lịch mà chị em chúng tôi thường phải khai, bên cạnh tên mẹ tôi, bao giờ chúng tôi cũng ghi hai chữ: nội trợ, tôi không hiểu sao mọi người lại đến dự đám tang đông như vậy, còn có cả một bà mà dân chúng thường không lấy gì làm lễ phép, xếp vào loại vợ các cụ "cốp".
Bà mang theo một vòng hoa rất to, và khi người thanh niên xếp hoa để hơi lệch một chút trước quan tài, bà đã yêu cầu để lại vào đúng chính giữa. Cuộc đời thường vẫn dành những điều bất ngờ cho những người chẳng bao giờ muốn vậy.
Căn nhà 14 Phạm Phú Thứ đối với tôi đầy kỷ niệm và khám phá. Bởi vì mặc dù yêu mẹ tôi hết mực - bà là trung tâm vũ trụ của tôi - thế giới của ba tôi đã bắt đầu bước vào cuộc sống của tôi. Nó như gắn liền với những ngày hè, khi kết thúc năm học, vào mùa thi hoặc lúc chúng tôi mang phần thưởng ở trường về.
Việc chị tôi thông minh, nhanh nhẹn giành những phần thưởng cao, đó là điều tất yếu. Nhưng còn cô bé rụt rè, ít nói là tôi nhiều năm cũng được phần thưởng cũng là điều lạ.
Có năm tôi được phần thưởng danh dự và được thay mặt trường đến Nhà Hát Lớn lĩnh phần thưởng cùng đại diện của các trường khác. Và cái tôi mang về cùng với những cuốn sách đẹp đẽ, thơm phức là một cái rổ bé tí có nắp, đan bằng những sợi dây bạc, trên có những bông hoa nhỏ mạ vàng, một cái gì xinh xắn đáng yêu cực kỳ, nhất là đối với một đứa trẻ thích chơi búp bê và các đồ chơi bé nhỏ như tôi.
Ba tôi cho hai chị em tôi ra hiệu Zéphir ở Bờ Hồ để thưởng - thực ra thì mùa hè chúng tôi vẫn thường được dẫn đi chơi như vậy - và tôi thích những thứ bánh kẹo ở đấy: cái hến socola màu nâu, trên đó vươn lên những cuống lá màu xanh nhạt trong veo, đặt trong những ô giấy pơ-luya tròn có khía, màu trắng muốt, còn thạch là một khối băng nhỏ màu xám trong, đứng im lìm trong một cái đĩa, nhưng hễ tôi bỏ vào miệng là tan ra, mát lạnh.