Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làn sóng mới cho văn chương Việt

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho biết một trong những kế hoạch nhiệm kỳ 2020-2025 của Hội Nhà văn Hà Nội là khơi nguồn sáng tác cho các cây bút trẻ.

Sáng 10/6, tọa đàm với chủ đề “Văn học trẻ Hà Nội có gì mới?” được Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức. Tại đây, các nhà thơ, nhà văn và nhiều cây bút trẻ đã chia sẻ quan điểm của mình về việc tạo ra làn sóng mới cho văn chương.

Sự phát triển của văn chương mạng

Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, văn chương mạng đang mở ra cuộc chơi thú vị. Các cây bút trẻ hiện nay tỏ ra nhanh nhạy khi nắm bắt xu hướng, sự kiện để cho “ra lò” những tác phẩm hay lên trang mạng. Ông cho rằng đó là một “cuộc chạy đua múa bút không ngừng”, góp phần lấp đầy những điểm còn thiếu trong văn chương đương thời.

tac gia tre anh 1

Tác giả Nhật Phi chia sẻ tại tọa đàm sáng 10/6. Ảnh: Thu Huệ.

Trước sự bùng nổ của Internet, nhiều cây bút trẻ nổi danh nhờ quảng bá tác phẩm của mình trên mạng xã hội. Không thể phủ nhận rằng Internet là một công cụ đắc dụng, đưa nhiều tác giả từ vô danh đến với công chúng một cách nhanh chóng.

Quan sát điều đó, tác giả Nhật Phi nhận thấy “chưa bao giờ trong lịch sử, người viết lại xuất hiện với mật độ dày đặc như hiện nay. Nền văn học của chúng ta đang thiếu đi rất nhiều mảng miếng, đề tài và chính văn học mạng đang bổ sung vào những lỗ hổng ấy”.

Nếu như ở thời trước của văn học mạng, ta thấy được sự đa dạng về thể loại: Tác giả Gào với truyện ngắn; Anh Khang, Hamlet Trương với tản văn; Nguyễn Phong Việt với thơ… thì giờ đây, theo Nhật Phi, truyện dài đang là thể loại chủ lưu của những sáng tác mạng.

Tuy nhiên, anh cũng nhấn mạnh rằng ngày nay, “mạng xã hội” còn kiến tạo nên cả một “xã hội mạng”. Do đó, các tác giả và độc giả cần có cách tiếp cận không chỉ cởi mở hơn mà còn phải chủ động hơn trên không gian mạng.

Trong khi đó, thay vì thể loại “văn học truyền miệng” như thời xưa, cây bút trẻ Đức Anh cho rằng ngày nay chúng ta có “văn học truyền mạng”.

"Nếu trong quá khứ, văn chương là con đường duy nhất để bày tỏ nỗi lòng, tư tưởng của tác giả, thì hiện nay, với sự phát triển của ngôn ngữ xã hội, viết lách không chỉ để diễn tả nỗi lòng, mà còn là con đường khả dĩ giúp hiểu về thế giới lạ lùng. Mỗi tác phẩm khi ra mắt sẽ đáp ứng được từng nhóm độc giả", Đức Anh nói.

tac gia tre anh 2

Cây bút trẻ Nam Thiên Phú chia sẻ tại tọa đàm sáng 10/6. Ảnh: Thu Huệ.

Sức mạnh của ngôn từ

Với sức mạnh của công nghệ, truyền thông, cây viết 9X Nam Thiên Phú nói đó chính là thuận lợi của các tác giả trẻ trong việc mang tác phẩm, con chữ của mình đến với độc giả nhanh hơn.

“Tôi mong các tổ chức sẽ có nhiều cuộc thi văn chương dành cho lực lượng cây bút trẻ. Trong sân chơi ấy, người trẻ sẽ xác định họ đang ở đâu để đề ra mục tiêu, định hướng phấn đấu”, Nam Thiên Phú nói thêm.

Không thể phủ nhận rằng để tạo nên làn sóng văn chương mới, rất cần sự đóng góp của các cây viết trẻ. Thế nhưng, các tác giả trẻ đã có đủ trải nghiệm để viết, khi mà tuổi đời của họ còn chưa đến 30?

Với tác giả Hiền Trang, điều nằm ở cốt lõi văn chương là ngôn từ, chứ không phải vốn sống dồi dào. Việc đưa trải nghiệm vào tác phẩm chỉ là cách viết thu hẹp của một dạng văn chương.

“Còn có những dạng văn khác mà ở đó, tác giả viết về tri thức mình tiếp nạp được thông qua việc đọc. Vốn đọc đôi khi còn quan trọng hơn vốn sống, vì chỉ có đọc mới giúp người ta có thể đi tới vô cùng”, Hiền Trang nêu quan điểm.

Chẳng hạn, tiểu thuyết gia Orhan Pamuk có tới hàng chục nghìn cuốn sách trong thư viện cá nhân và có lẽ đó là cách mà Pamuk lao động để sáng tác văn chương. Năm 2006, ông được tặng giải Nobel Văn học, trở thành người Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên nhận vinh dự đó.

Một thể loại quan trọng trong văn chương là thơ. Nhưng như thế nào được gọi là thơ trẻ? Nhà phê bình văn học Phan Tuấn Anh cho rằng trước tiên, khái niệm này cần phải gắn với tiêu chí tuổi tác. Với anh, thơ ca là thể loại luôn gắn liền với tuổi trẻ và độ tuổi này làm cho thơ ca thăng hoa bằng sức sáng tạo, tình yêu, đam mê, khát vọng.

Nhằm xác lập một "căn cước thơ trẻ", nhà phê bình Phan Tuấn Anh nói có hai tiêu chí cơ bản: Thứ nhất, thơ trẻ phải do người trẻ sáng tác, độ tuổi xấp xỉ trên dưới 30. Thứ hai, thơ trẻ phải bao gồm nội hàm về mặt chất lượng thơ, có sự cách tân, tư duy so với những thế hệ trước. Đặc biệt, họ phải có những sáng tác bao hàm trong đó giá trị mang tính khai phóng chứ không đơn thuần chỉ căn cứ vào giấy khai sinh của tác giả.

Đinh Phương đoạt giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam

Với tiểu thuyết “Nắng Thổ Tang”, Đinh Phương đoạt giải thưởng Tác giả trẻ hạng mục văn xuôi. Đây là tác phẩm tạo được sự chú ý trong giới phê bình thời gian qua.

Tác giả trẻ tiếp cận bạn đọc như thế nào?

Bên cạnh việc trau chuốt cho tác phẩm hay, nhiều tác giả trẻ hiện nay không còn chờ “hữu xạ tự nhiên hương”, mà tìm cách đưa tác phẩm đến người đọc một cách hiệu quả.

Thu Huệ

Bạn có thể quan tâm