Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

 'Hội Nhà văn bạt ngàn lau trắng, chúng tôi muốn có thêm người trẻ'

Ông Nguyễn Quang Thiều cho rằng người cao tuổi chiếm tỷ lệ quá cao trong Hội Nhà văn. Đó là lý do Ban chấp hành đang thực hiện nhiều hoạt động khuyến khích tác giả trẻ.  

Sau khi Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam (Hội) tổ chức thành công vào cuối năm 2020, hiện nay, Hội đã kiện toàn các ban chuyên môn và đặt ra những mục tiêu phát triển trong nhiệm kỳ mới. Công chúng kỳ vọng vào những đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt mà Hội đang thực hiện. Ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - chia sẻ về công tác Hội.

- Theo ông những năm qua, Hội có đóng góp như thế nào cho nền văn nghệ nước nhà?

- Hội vẫn hoạt động, với các hoạt động thường niên: Xét kết nạp hội viên, mở cuộc thi tiểu thuyết, trao giải, truyền bá văn học Việt Nam ra thế giới… Đặc biệt cuộc thi tiểu thuyết, mà chúng tôi làm tới lần thứ 4, tạo ra những thay đổi ở thể loại tiểu thuyết.

Bên cạnh đó, Hội có các hoạt động như hợp tác dịch sách ra thế giới, báo chí, xuất bản, bảo tàng, vườn tượng danh nhân văn hóa nghệ thuật... Đó là những điểm cơ bản mà Hội Nhà văn làm được. Nó là tiến trình nối dài, tạo ra giá trị văn chương, đồng hành cùng văn học nghệ thuật.

- Được bầu vào vị trí mà người tiền nhiệm ông, nhà thơ Hữu Thỉnh, đã ngồi 20 năm, ông gặp khó khăn, thuận lợi gì?

- Hội Nhà văn đã được xây dựng trong hàng chục năm, có nền tảng bền vững, được tạo nên bởi tên tuổi của các hội viên, những người danh giá nhất đều thuộc Hội. Cơ quan của Hội như hãng phim, bảo tàng, báo chí, nhà xuất bản… đều có nền tảng.

Hội có bề dày về lịch sử, đội ngũ, cơ sở vật chất, hạ tầng. Chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ từ phía Đảng và chính phủ.

Còn khó khăn, trong mỗi một thời đại, đòi hỏi của bạn đọc với văn chương lớn hơn, đa dạng hơn. Mỗi giai đoạn mới đòi hỏi Ban chấp hành (BCH) giữ được giá trị thực của Hội Nhà văn, từ đó phát triển lên.

Về khó khăn, tôi lấy ví dụ ở vấn đề báo chí, hiện nay báo chí thông tin, báo chí xã hội gặp chật vật để tồn tại, phát triển. Hệ thống báo chí của Hội Nhà văn vô cùng khó khăn. Việc đọc văn chương mỗi ngày ít đi. Phương tiện họ có là iPhone trên tay, họ đọc thông tin mà không đọc sách. Cũng ít có tờ báo làm về văn nghệ trên môi trường số.

Doi moi Hoi Nha van anh 1Doi moi Hoi Nha van anh 2

Thói quen của bạn đọc cũng thay đổi. Người đọc văn chương ít, số lượng sách in rất nhỏ. Thơ hầu hết để tặng, cho. Bán thơ trên thị trường rất khó khăn. Văn xuôi cũng vậy, nếu không phải tác giả nổi bật, không phải cái gì cũng in được. Nên báo chí về văn chương nghệ thuật khó hơn các loại hình khác.

Khó nhất là đòi hỏi của hội viên. Đòi hỏi giải thưởng Hội Nhà văn phải tạo ra đời sống của nó. Nhưng thời nay đã khác đi rồi, thời một cuốn sách đoạt giải mà mọi người nô nức đi mua là không còn nữa. Không chỉ sách được giải Hội Nhà văn, ngay cả sách được Nobel cũng bán rất khó. Sách chưa tạo ấn tượng, ảnh hưởng trong xã hội có hai nguyên nhân: Tác phẩm chưa thực sự xuất sắc, hai là bạn đọc nhạt dần với văn chương.

Người ta rất quan tâm tới giải thưởng Hội Nhà văn, quan tâm giải do BCH mới thực hiện liệu có tạo hiệu ứng mạnh mẽ. Vậy chúng tôi cũng đặt ra câu hỏi: Người viết có mạnh mẽ không, hay có tác phẩm hay mà Hội để lọt qua tác phẩm ấy? Văn chương là tiến trình, phải đợi chờ, chúng ta đã có những thế hệ xuất sắc, sau đó chìm đi. Lý do tại sao phụ thuộc rất nhiều vào xã hội, đời sống…

Vấn đề lớn nhất mà Hội đặt ra trong nhiệm kỳ tới là giải thưởng. Đó là điều cốt lõi để thúc đẩy sáng tạo.

- Sau đại hội, BCH mới của Hội đã làm những công việc gì?

- Sau ba tháng đại hội, chúng tôi đã triển khai nhiều công việc. Chúng tôi xem xét lại những việc nào chưa thật tốt thì làm tốt hơn. Cái nào yếu chúng tôi sẽ bù đắp vào. Có những ban như ban Văn học Công nhân thì không để nữa, chúng tôi muốn tập trung vào sáng tác, đề tài nào cũng là sáng tác cả. Công nhân, nông dân, quân đội, giáo dục… đều như nhau.

Chúng tôi không lấy sự vui vẻ, hoạt động ban bệ làm tôn chỉ, mà chú tâm vào hoạt động phát triển nội dung, tác phẩm.

Chúng tôi thành lập ra hai giải thưởng mới. Đầu tiên giải thưởng cho văn học thiếu nhi. Sách thiếu nhi nước ngoài in ở Việt Nam rất tốt, có giá trị; nhưng đứa trẻ Việt cần có cuốn sách Việt, trên nền tảng văn hóa Việt.

Chúng tôi sẽ làm với ban Văn học Thiếu nhi kỹ lưỡng hơn. Chúng tôi sẽ công bố vận động viết về thiếu nhi, chúng tôi phải tìm nguồn ngân sách để in thật nhiều, để đưa sách tới trẻ em vùng sâu, vùng xa.

Thứ hai là giải thưởng dành cho các nhà văn trẻ. Đây là giải thưởng chính thống trao cho nhà văn xuất sắc dưới 35 tuổi. Hội rất hào hứng với giải thưởng này. Hiện nay, chúng tôi bắt đầu hoạch định kế hoạch, chiến lược cho giải.

- Ngoài thúc đẩy sáng tác, BCH Hội quan tâm ra sao tới vấn đề quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới?

- BCH cũ đã tổ chức được ba hội nghị quảng bá văn học Việt. Nhưng giờ chúng ta không làm hội nghị nữa, phải chọn dịch tác phẩm gì, dịch ra sao, dịch xong thì đưa tới đâu.

Hiện nay, bản đồ văn học Việt Nam trên thế giới đầy mờ nhạt, chưa dấu ấn gì. Chúng ta phải bắt tay cụ thể hóa những ý tưởng của mình trong lĩnh vực này.

- Trước đây, chuyện kết nạp hội viên thường gây tranh luận. Vấn đề này được thực hiện ra sao trong nhiệm kỳ mới?

- Chúng tôi cũng nghe những chuyện quanh vấn đề kết nạp, hội viên phản ứng việc người sáng tác quá trung bình vẫn có thể trở thành hội viên. Điều này làm cho Hội có những ảnh hưởng không tốt.

Hiện nay có hai luồng ý kiến về vấn đề hội viên: Chỉ cần là người viết và đóng tiền hội phí thì vào Hội; ý kiến khác là phải viết có chất lượng mới được trở thành hội viên.

Hình thức kết nạp hiện nay là chúng tôi lựa chọn, các hội đồng và BCH sẽ căn cứ hồ sơ để xét kết nạp hội viên.

Có một việc mà có thể có người phản ứng, nhưng chúng tôi muốn làm, đó là mời những người uy tín, có ảnh hưởng vào Hội. Cách đây không lâu chúng tôi gặp một số nhà văn trẻ, hỏi tại sao họ chưa vào Hội, họ nói lý do khiến chúng tôi rất buồn. Giờ đây, chúng tôi muốn đông đảo hơn nữa nhà văn trẻ tham gia Hội.

Trẻ cũng là 25, 30 tuổi. 10 năm nữa họ thành trung niên, 20 năm nữa họ thành người già. Những người trẻ này sẽ quyết định hình dáng, chân dung văn học Việt Nam trong 10-20 năm nữa. Ta cần người trẻ, cần giọng nói mới, cách thức mới.

Chúng tôi muốn dành điều tốt nhất cho những người viết trẻ, trợ giúp họ, khuyến khích họ.

Doi moi Hoi Nha van anh 3Doi moi Hoi Nha van anh 4

- Ông nghĩ sao về vấn đề hội viên cao tuổi chiếm tỷ lệ quá cao trong Hội?

- Trong Hội, người cao tuổi chiếm 78%. Các nhà văn dưới 40 tuổi chiếm 2%; còn lại là những người quãng giữa. Điều đó cho thấy sự mất cân bằng và sự phát triển của Hội.

Có nhà văn ví khi bước vào đại hội Hội nhà văn nhìn thấy những mái tóc như “bạt ngàn lau trắng”. Người lớn tuổi đã đóng góp cống hiến. Nhưng để có nhiều đóng góp, cảm hứng thì phải có người trẻ. Giờ đây, chúng tôi mong muốn có người trẻ, có tiếng nói trẻ thực sự trên diễn đàn.

- Một số người nói không cần vào Hội vẫn viết được. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

- Vậy thì phải quay lại câu hỏi “Nhà văn vào Hội để làm gì?” Vào một tổ chức để chia sẻ, động viên nhau, làm nên những giá trị cho văn chương. Việc vào Hội là tự nguyện, anh có thể vào, có thể ra. Đưa anh vào Hội không để bắt anh sáng tác theo định hướng.

Hội là nơi để động viên, giao lưu, tuyên bố, quảng bá. Hội có nhiệm vụ phát hiện ra những tác phẩm giá trị để tôn vinh, bảo vệ giá trị đó và có nhiệm vụ làm lan tỏa những tác phẩm hay ra cộng đồng và thế giới.

Hội là nơi để mọi người cùng đứng với nhau, để kết nối với nhau đấu tranh với cái xấu xa, vì cái đẹp, nhân ái, công bằng, bảo vệ giá trị.

Doi moi Hoi Nha van anh 5Doi moi Hoi Nha van anh 6

- Nhiều người kỳ vọng BCH mới sẽ có những hoạt động để phát triển Hội. Ông gặp áp lực gì trước kỳ vọng này?

- Vô cùng áp lực khi đã tham gia, chấp nhận làm các công việc, chấp nhận sự lựa chọn, tín nhiệm của hội viên, đại hội. Ngay sau đại hội một ngày, cảm giác vui, hào hứng một chút đã dừng lại. Thay vào đó là lo âu, thách thức.

Hội Nhà văn có hơn 1.000 hội viên, mỗi người mang một quan điểm, tư duy khác nhau. 11 người trong BCH theo quy định của đại hội, nhưng 11 hay nhiều hơn không nói lên được tất cả thách thức mà chúng tôi gặp.

Đó là áp lực từ công tác kết nạp hội viên, việc thúc đẩy sự sáng tạo, truyền bá văn học Việt Nam ra thế giới.

Ngân sách của Hội hạn chế. Chúng tôi muốn kêu gọi các doanh nhân, doanh nghiệp tham dự ở một góc nào đó để thúc đẩy truyền bá văn học. Việc này không đơn giản.

Hội Nhà văn phải lấy lại vị trí của mình. Khi anh thực sự là thư ký của thời đại, anh viết ra điều sâu sắc nhất, có lương tâm nhất sẽ được sự đồng cảm của thời đại, trong đó có các doanh nhân doanh nghiệp đồng hành.

Khi chúng tôi làm chương trình giải thưởng nhà văn trẻ, một tập đoàn đã ủng hộ. Hội Nhà văn chỉ thay mặt toàn xã hội và người viết để làm sao gọi đúng giá trị của tác phẩm, gợi mở đúng con đường của xã hội.

- Xã hội quan tâm đến vấn đề kinh phí, nguồn trợ cấp hoạt động của Hội. Hiện nay, nguồn kinh phí của Hội đến từ đâu?

- Chúng tôi có tiền trợ cấp của Nhà nước, nhưng vô cùng khiêm tốn. Có người kêu như thế là tiêu tiền thuế của dân. Nghe vậy thật hài hước. Chúng tôi vẫn nhận được tiền đầu tư sáng tác, nhưng rất ít ỏi, chỉ là tượng trưng. Nếu chia ra thì mỗi nhà văn đủ ăn một vài bát phở, uống một vài tách café.

Nhà văn cũng không đợi có đầu tư mới sáng tạo. Ai đợi có đầu tư mới sáng tạo hay, có giải thưởng mới viết hay thì người đó khó làm nên tác phẩm lớn.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: 'Chúng ta cần tìm cách đổi mới'

"Chúng tôi phải cố gắng tìm cách chia sẻ với hội viên để mọi người cùng hiểu nhau, có tiếng nói chung, giúp hội thay đổi", ông Nguyễn Quang Thiều nói.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Phó chủ tịch là nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Nguyễn Bình Phương.

Thu Hiền

Ảnh - Video: Việt Linh, Đồ họa: Hà My

Bạn có thể quan tâm