Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra từ 23 tới 25/11 tại Hà Nội. Ngày 24/11, Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam đã bầu ra ban chấp hành mới gồm 11 người. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là Chủ tịch Hội Nhà văn, hai Phó chủ tịch là nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Nguyễn Bình Phương.
Phát biểu tại đại hội sáng 25/11, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - nói về vai trò, sứ mệnh của nhà văn, đồng thời kỳ vọng vào sự điều hành của ban chấp hành Hội Nhà văn mới.
Ông Võ Văn Thưởng phát biểu tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam hôm 25/11. Ảnh: T. Linh. |
Ông Võ Văn Thưởng nói “Đại hội Hội Nhà văn lần thứ X là đại hội thực hiện chuyển giao thế hệ lãnh đạo của hội với kỳ vọng vào những nhân tố mới, tạo ra cảm hứng và năng lượng mới trong công tác điều hành và sáng tạo, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”.
Điểm lại 9 nhiệm kỳ trước, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nói Đại hội Hội Nhà văn luôn tìm được những nhà văn xứng đáng để bầu vào ban chấp hành và lãnh đạo chủ chốt của hội như nhà văn Nguyễn Công Hoan, nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nhà văn Vũ Tú Nam, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ Hữu Thỉnh.
Về ban chấp hành khóa X Hội Nhà văn Việt Nam vừa được bầu ra, ông Võ Văn Thưởng nói: “Với trách nhiệm cao, các nhà văn đã chọn lựa được những đại diện tiêu biểu của nhà văn Việt Nam, bầu vào ban chấp hành và các chức danh lãnh đạo của hội để cùng các hội viên hoàn thành trách nhiệm trong một giai đoạn mới của văn học nước nhà”.
Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X. Ảnh: T. Linh. |
Ông Võ Văn Thưởng nói nhiệm vụ của Hội Nhà văn trong nhiệm kỳ mới là tiếp tục góp phần đáng kể trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống sự suy thoái, biến chất về tư tưởng và đạo đức; xây dựng đại đoàn kết dân tộc.
Hội Nhà văn cần có tác phẩm hay, thông qua văn học thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh; tiếp tục bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống và tạo dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên thế giới thông qua văn học.
Về vai trò, sứ mệnh của nhà văn trong đời sống hôm nay, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng người viết cần cất lên tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực. Đây là lúc nhà văn cất lên tiếng nói quả cảm để chống lại sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối, độc ác.
Bằng tác phẩm của mình, các nhà văn sẽ giúp bạn đọc trả lời câu hỏi: Giá trị thực của con người là ở đâu và thế nào là cuộc sống có ý nghĩa và hạnh phúc?
Ông Võ Văn Thưởng kỳ vọng sẽ có thêm nhiều tác phẩm hay, thật sự vì con người, để “Văn học sẽ là một trong những nơi con người tìm đến như một điểm tựa tinh thần, niềm an ủi, nâng đỡ con người”.