Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: 'Chúng ta cần tìm cách đổi mới'

"Chúng tôi phải cố gắng tìm cách chia sẻ với hội viên để mọi người cùng hiểu nhau, có tiếng nói chung, giúp hội thay đổi", ông Nguyễn Quang Thiều nói.

Sau ba ngày làm việc (23-25/11), Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X đã bế mạc sáng 25/11. Ông Nguyễn Quang Thiều - tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - cho biết hội cần có làn gió đổi mới để phát triển.

Nguyen Quang Thieu anh 1

Ông Nguyễn Quang Thiều là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa mới. Ảnh: Hứa Mộc.

- Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi được bầu là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025?

- Tôi rất vui mừng nhưng cũng biết sau đó sẽ là thách thức rất lớn. Bởi vì, chúng ta đang bước vào một thời kỳ mới, nơi văn học bị rất nhiều loại hình giải trí, truyền thông khác lấn át.

Tuy nhiên, khi quay lại nhìn các đồng nghiệp, cộng sự, thành viên Ban chấp hành khóa mới, sự tin tưởng của tôi lại trỗi dậy. Chỉ cần sự gắn kết với nhau, mọi người có thể làm nên những điều tốt đẹp, đáp ứng được sự hy vọng của phần lớn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và đặc biệt đối với bạn đọc cả nước.

Nhà thơ Hữu Thỉnh đã tạo ra một vùng riêng, cách thức riêng của Hội Nhà văn. Nhưng theo thời gian, dù tuyệt vời thế nào, nếu làm theo thói quen sẽ rất khó khăn. Chúng ta cần tìm cách đổi mới.

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chủ yếu lớn tuổi, 65 tuổi trở lên chiếm hơn 70%, dưới 50 tuổi rất ít, dưới 40 tuổi chỉ có vài phần trăm. Trong tương lai, chúng tôi phải cố gắng tìm cách chia sẻ với họ để mọi người cùng hiểu nhau, tìm được tiếng nói chung để giúp hội thay đổi, đưa hội đi lên.

- Ban chấp hành khóa X bổ sung nhiều gương mặt mới với tuổi đời khoảng 50, ông đánh giá thế nào về sự thay đổi này?

- Tôi cho rằng đây là sự chuyển giao thế hệ cần thiết, quan trọng và đã thực hiện thành công. Qua đại hội lần này, tôi nghĩ đây là cuộc chuyển giao ngoạn mục.

Lần đầu tiên sau rất nhiều nhiệm kỳ, chúng ta mới bầu đủ Ban chấp hành và đưa vào những gương mặt mới, dù tuổi đời tương đối nhưng đều là những cây bút trẻ trong nền văn học. Chính sự chuyển giao này bắt đầu tạo ra cảm hứng cho các nhà văn, đồng nghiệp và đặc biệt là độc giả.

Công việc dài lâu đòi hỏi nhiều công sức nhất là làm thế nào để đánh thức tiềm năng, khả năng, cảm hứng còn đang ẩn giấu bên trong các tác giả lẫn độc giả. Đó sẽ là tiền đề để tạo nên những tác phẩm tốt. Nhà văn, tác phẩm và bạn đọc phải song hành cùng nhau, nếu niềm cảm hứng của một trong ba điều đó mất đi thì nền văn học sẽ rất khó khăn.

Nguyen Quang Thieu anh 2

Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Hứa Mộc.

- Hội sẽ làm gì để nâng cao chất lượng sáng tác, cũng như đời sống của hội viên?

- Việc sáng tác đang thuộc quyền của mỗi người, Ban chấp hành không thể can dự vào việc đó. Như tôi đã nói, thách thức của Ban chấp hành rất lớn. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất lại là của mỗi hội viên khi sáng tác. Quan trọng là chúng tôi phải công bằng với các tác phẩm, công bằng với hội viên.

Chúng tôi phải tìm cách truyền cảm hứng cho họ, giúp họ giao lưu được với những nhà văn lớn trên thế giới. Ban chấp hành Hội Nhà văn hay Hội Nhà văn là nơi tôn vinh đúng nhất các tác phẩm, kêu gọi đúng nhất năng lượng và đánh thức khả năng lớn nhất của các nhà văn, tác giả.

Đảng, Nhà nước đã hỗ trợ hết sức cho Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng nếu để hội mở rộng các hoạt động như dịch thuật, giao lưu quốc tế, đẩy mạnh văn học trẻ, văn học thiếu nhi, việc có thể xã hội hóa rất quan trọng, cần sự đồng hành của các doanh nhân, doanh nghiệp và người có khả năng.

Chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn Ban văn học thiếu nhi; sẽ xin phép các cơ quan quản lý để thành lập quỹ văn học thiếu nhi. Chúng tôi muốn đánh thức những đứa trẻ và các nhà văn lớn tuổi viết về đề tài này.

Chúng ta đang có rất nhiều sách thiếu nhi nhưng phần lớn trong số đó là sách dịch. Các cuốn sách ấy đều tốt, nhưng những đứa trẻ cần được lớn lên, trở thành người tốt trong chính nền văn hóa của đất nước. Thế nên, văn học thiếu nhi rất quan trọng.

Thậm chí, tôi dự định xin ý kiến đặt giải thưởng thiếu nhi riêng để ở đó chúng ta có toàn quyền, dám đặt cược niềm tin vào các tác phẩm đó. Cho dù các tác phẩm trẻ đang đầy mong manh, chúng ta phải bảo vệ bằng được.

Nguyễn Quang Thiều trở lại với tác phẩm thiếu nhi

NXB Trẻ đón chào tháng 5 với ba tác phẩm văn học trong nước mới nhất, với 3 chủ đề và bút pháp riêng, vừa có hiện đại, vừa có quá khứ và ký ức, vừa có những niềm vui thơ trẻ.

Hứa Mộc ghi

Bạn có thể quan tâm