"Chuyện của anh em nhà Mem và Kya" - Nguyễn Quang Thiều
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), tác giả của những tác phẩm: Mùi của ký ức, Trong ngôi nhà của mẹ; Người kể chuyện lúc nửa đêm; Cô gái áo xanh và những chuyện kỳ bí của làng vừa trình làng một quyển sách thiếu nhi trong trẻo và đầy chất thơ.
Câu chuyện của hai đứa trẻ tên Mem và Kya qua ghi chép của “thư ký” cho hai cô cậu bé chính là người ông. Tại sao Mem lại gọi là ông nội, mà Kya lại gọi ông là ông ngoại? Tại sao Mem mới mấy tháng sinh ra đã được làm anh của Kya đã 1 tuổi? Tại sao quê nội của người này lại là quê ngoại của người kia?
Tại sao tên của Mem và mẹ Ngân lại bị gọi thành tên món ăn: món Nem và con Ngan? Tại sao trẻ con mọc từng cái răng, mà người lớn thì có nhiều răng thế? Tại sao con lại không được mời dự đám cưới của bố mẹ? Tại sao khi em Kya vui thì anh Mem lại hạnh phúc? Và ai thì được gọi là cụ là kỵ...?
Bìa sách Chuyện của anh em nhà Mem và Kya. |
Câu chuyện tưởng như riêng tư trong một gia đình, mà gợi nhiều điều thú vị, như những bài học nhỏ cho con trẻ về gia đình, quan hệ xóm làng, về văn hóa dòng họ của một làng quê ven sông, cả về tình yêu thương chăm chút cho hạnh phúc. Sự trong trẻo ngây thơ trong nỗi mong mỏi khao khát của người lớn, sao cho con cháu mình trở thành người tử tế, nên Chuyện của anh em nhà Mem và Kya đã thành câu chuyện chung mà cha mẹ ông bà có thể đọc cho con cho cháu mình.
Minh họa màu rực rỡ đẹp của một họa sĩ mà tranh truyện của anh trẻ con nào cũng thích - họa sĩ Kim Duẩn.
"Ma bùn lưu manh và những câu chuyện khác của Nguyễn Trí"
Tập truyện ngắn này vẫn là những câu chuyện đậm chất Nguyễn Trí: Gai góc, ly kỳ lại vừa đơn thuần và hóm hỉnh. Tác giả cứ bình thản nói về nỗi cơ cực ở những vùng kinh tế mới, trong những bãi vàng khắc nghiệt và ngay giữa phố thị xa hoa thật giả khó phân định tình người khó đoán.
Bìa sách Ma bùn lưu lanh và những câu chuyện khác của Nguyễn Trí. |
Vẫn là Nguyễn Trí, viết cho những kiếp người tứ cố vô thân từ giới giang hồ rừng rú cho đến giang hồ phố thị; hành xử kỳ dị những hảo hớn. Tất cả tạo nên một không khí truyện đậm đặc chất riêng không lẫn vào đâu được.
Như chính tác giả thổ lộ: “Tài năng cũng như nhan sắc là thứ quý hiếm trời ban cho. Tia chớp lóe lên rồi biến vào hư không. Còn lại là bóng tối và ánh sáng. Lắng mình trong đó với những thôi thúc nội tâm và viết. Đừng nghĩ cát là bỏ đi. Hãy tưởng tượng một con trai há miệng kiếm ăn thì một hạt cát ình cờ vương lại và từ đó sự tình cờ này làm nên điều kỳ diệu”.
"Bà nội du học" - Lê Lan Anh
Tập truyện dài này có những kinh nghiệm thú vị và chi tiết dành cho những người muốn đi học, đi chơi ở nước ngoài thông qua câu chuyện du học của người phụ nữ xinh đẹp giỏi giang không còn trẻ và đã làm bà nội.
Ở cái tuổi đáng lẽ người ta an hưởng cuộc sống, vui vầy với con cháu, có một “bà nội” sẵn sàng xách vali đến một mảnh đất hoàn toàn xa lạ, cách quê hương nửa vòng trái đất để được sống, trải nghiệm và học tập như một fresh-man thực thụ.
Bìa sách Bà nội du học. |
Xuyên suốt cuộc hành trình đặc biệt ấy, sinh viên - bà nội vấp phải vô số trở ngại văn hóa, ngôn ngữ cùng những câu chuyện dở khóc, dở cười, nhưng luôn được kể lại bằng một phong khí vui tươi, hóm hỉnh, đầy hào hứng của người khám phá. Bà nội du học thoạt tiên có thể khiến người đọc ngợp mắt về nhiều tầng văn hóa, lối sống, phong cách ứng xử đặc thù của “American way” độc nhất vô nhị.
Nhưng quan trọng hơn, đó còn là một cẩm nang dày dặn về kinh nghiệm học tập, tinh thần vượt lên những hạn chế cố hữu của bản thân, khả năng dung hòa của một tâm hồn Việt Nam ở một nền văn hóa vừa đa dạng vừa giàu bản sắc.