Tết Nguyên đán là ngày lễ cổ truyền lớn nhất trong năm, được coi là Tết cả. Tuy vậy nhiều nghi lễ, phong tục ngày Tết chưa được thế hệ trẻ hiểu rõ. Cuốn sách Kể chuyện Tết Nguyên đán (tranh Kim Duẩn, lời Trương Quý) viết về các nghi lễ phong tục ấy với lời văn và tranh minh họa hướng tới đối tượng thiếu nhi. Nhà văn Trương Quý chia sẻ về quá trình thực hiện cuốn sách cũng như quan điểm của anh về Tết trong giới trẻ hiện nay.
Trẻ con hay thắc mắc về Tết, người lớn không có thời gian giải đáp
- Điều gì khiến anh thực hiện một cuốn sách về phong tục tập quán ngày Tết hướng tới đối tượng đọc là thanh thiếu niên?
- Thật ra mỗi lần viết là một lần học. Ở đây tôi phát hiện ra nhiều phong tục mình tưởng là biết rõ nhưng kỳ thực chỉ còn gặp trong sách vở, phim ảnh chứ không còn thực hành nữa. Tôi cũng nhận thấy các bạn nhỏ giống như thế hệ tôi vài mươi năm trước cũng hay thắc mắc song người lớn ít có thời gian trả lời.
Các vấn đề lại dàn trải đủ nghi thức và nhiều món, các sách cổ điển thường theo phong cách khảo cứu nên khá phức tạp với bạn đọc nhỏ tuổi, ngày nay nhiều thứ đã không còn có điều kiện thực hành hay chứng kiến. Vì vậy viết cho thanh thiếu niên nhưng kỳ thực cũng là viết cho chính mình để mình tự đọc lại, ngẫm lại và lọc lại các kiến thức, coi như đó là một trải nghiệm cá nhân để được thanh xuân hóa ký ức.
Bìa sách Kể chuyện Tết Nguyên đán. |
- Các phong tục từ sắm sửa, nghi lễ thờ phụng, ăn chơi Tết… được anh lựa chọn theo tiêu chí nào để đưa vào sách?
- Tôi chọn lấy các hoạt động diễn ra trong phạm vi từ ngày 23 tháng Chạp âm lịch (ngày ông Táo về chầu trời) đến ngày “Khai hạ” (ngày hạ cây nêu khoảng mồng 7 tháng Giêng âm lịch). Đó là khoảng thời gian trước và sau các ngày Tết Nguyên đán chính thức, lúc mà mọi người tập trung tâm sức cho kỳ lễ lớn nhất trong năm.
Các phong tục sẽ được chọn từ những hoạt động phổ biến nhất, quan trọng nhất, kèm theo đó là những sự tích nho nhỏ gắn với phong tục, tạo ra màu sắc tâm linh và đưa ra cách giải thích cho bản chất tự nhiên của các hoạt động.
- Những phong tục ngày Tết gắn liền với nhiều chuyện mang màu sắc cổ tích, mỗi vùng miền lại có những biến thể riêng. Anh dựa vào những nguồn tài liệu nào cho chính xác để viết sách?
- Tôi có tham khảo một số tài liệu đã xuất bản, nhất là các sách in vào nửa đầu thế kỷ 20 của các học giả như Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Huyên hoặc muộn hơn như Nhất Thanh, Toan Ánh, Sơn Nam. Đó là những tài liệu của các tác giả từng trải qua các hoạt động Tết cổ truyền thời kỳ làng xã vẫn còn bảo lưu các nếp sống cũ một cách kỹ lưỡng.
Một số tài liệu rất đáng chú ý như Kỹ thuật của người An Nam qua các bản khắc do Henri Oger xuất bản năm 1909 hay cả kho tàng truyện cổ tích Việt Nam cũng có một dữ liệu đáng kể về các tục lệ ngày Tết.
Có rất nhiều tài liệu mà trong đó ta có thể tham khảo được các yếu tố liên quan như cách tổ chức làng xã, các lễ hội gắn với các đền chùa hay các nghi thức cúng tế của các triều đình xưa được ghi lại trong các bộ sử.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý đang trải nghiệm tại một số nước Đông Nam Á, nhưng vẫn chọn trở về Hà Nội dịp Tết. Ảnh: Minh Trang |
- Sách về phong tục tập quán ngày Tết đã có một số công trình nghiên cứu nổi tiếng, vậy cuốn sách của anh có điểm gì đặc biệt?
- Các cuốn sách nghiên cứu thường phục vụ cho mục đích khảo cứu dân tộc học hoặc thưởng lãm phong tục qua sự thống kê và mổ xẻ các công đoạn nghi thức truyền thống. Cuốn sách nhỏ này trước hết là một cuốn sách tranh, với cái nhìn hiện đại hóa của họa sĩ Kim Duẩn trên cơ sở bố cục nội dung được thống nhất giữa người viết và các biên tập viên.
Nó sẽ ưu tiên các hoạt động mà các bạn nhỏ ngày nay vẫn được tham gia như là những chủ thể văn hóa, cũng như những nghi thức “nhất thiết nên có” truyền lại từ xưa đến giờ.
Cuốn sách không đi quá sâu vào các mổ xẻ chiết tự, các sự biến thể của hội hè lễ Tết mà cố gắng cung cấp một cái nhìn tổng quan về Tết theo tiến trình thời gian của hai tuần trước và sau ngày mồng một tháng Giêng âm lịch. Dùng số lượng chữ ngắn gọn để khái quát các hoạt động Tết là một việc hơi giống như tìm cách đưa ra một định nghĩa cơ bản nhất.
Làm mới cũng là một cách lưu giữ văn hóa
- Anh tham khảo các nguồn tư liệu, quan sát, nghiên cứu thực tế ra sao để có những cập nhật khi miêu tả về phong tục tập quán Tết của ngày hôm nay?
- Có nhiều cuốn sách cùng nói về một nghi thức của Tết, song mỗi sách có một vài biến thể nho nhỏ, lúc này ta nên chọn phương án nào? Một tham chiếu quan trọng chính là sự thực hành ngày nay của chúng ta.
Chẳng hạn, câu thành ngữ quen thuộc: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy” ở dạng văn vần bốn chữ, có biến thể khác là cặp lục bát “Mồng một là tết mẹ cha/ Mồng hai tết chú, mồng ba tết thầy”. Mỗi một câu phản ánh mức độ sâu đậm của tinh thần dòng tộc hay sự cầu kỳ của lề thói qua chính thể thơ được vận dụng.
Tôi chọn phương án có ngày “Tết mẹ”, tức việc đi chúc Tết gia đình đằng ngoại, ở đấy vai trò nguồn cội của người mẹ được nhấn mạnh hơn.
Tuy nhiên, những lối diễn đạt dân gian này chỉ là sự phảng phất một hành vi có tính nguyên tắc, chứ trên thực tế và nhất là ngày nay, việc thăm hỏi chúc tụng hoàn toàn điều chỉnh phù hợp hoàn cảnh.
Phong tục chỉ có tác dụng khi chúng đáp ứng được nhu cầu và tâm tình của con người trong cộng đồng, mà ở đây giúp cho mỗi con người cảm thấy ấm áp khi mình được thuộc về cộng đồng yêu thương của họ.
Tranh của họa sĩ Kim Duẩn trong sách. |
- Kiến thức về văn hóa, phong tục, tập quán ngày Tết hiện nay có rất nhiều trên mạng. Vậy vai trò lớn nhất mà “Kể chuyện Tết nguyên đán” mang lại là gì?
- Có lẽ là sự cố gắng truyền đạt chân thực và cô đọng về một ngày lễ cổ truyền trong một cuốn sách tranh mỏng. Truyền thống luôn luôn được tạo ra, lưu giữ và làm mới. Làm mới cũng là một cách lưu giữ, vì thế cuốn Kể chuyện Tết nguyên đán như một cách nói chuyện nhẹ nhàng xinh xắn cho thế hệ trẻ, giống như những bức tranh Tết của các làng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, vừa diễn tả một vẻ đẹp nhuần nhị, vừa cung cấp những vốn văn hóa của cộng đồng một cách cô đọng.
- Nhiều bạn trẻ chọn dịp Tết để đi du lịch, khám phá thế giới, anh nghĩ sao về xu hướng này? Điều gì khiến anh trở về quê hương dịp Tết mà không phải đi khám phá một vùng đất khác?
- Tôi nghĩ việc đi du lịch dịp Tết cũng là một dòng chảy tự nhiên khi thu nhập người Việt tăng lên và nhu cầu đa dạng hóa trải nghiệm sống được kích thích nhờ truyền thông, các phương tiện thông tin nghe nhìn tiếp sức cho sự hấp dẫn của những nền văn hóa bên ngoài. Có một phần nữa là giới trẻ (chủ yếu đô thị) cũng có phần sợ các ràng buộc của nghi thức Tết, nên họ tìm đến việc đi chơi xa.
Hiện tôi đang dành thời gian trải nghiệm cuộc sống ở một vài nước Đông Nam Á dọc sông Mê Kông như Thái Lan hay Lào. Trong tôi cũng có sự xung đột của hai dòng tâm trạng: muốn về Hà Nội thưởng thức không khí Tết và e ngại sự mệt mỏi của các phong tục Tết đem lại.
Tuy nhiên, quê hương vẫn là nơi có gia đình, bố mẹ, anh chị em và bạn bè, những điều trong ngày Tết được tắm trong một không khí chia sẻ gắn kết cộng đồng sâu đậm, nên tâm trạng về nhà vẫn thắng thế.
Tết xét cho cùng vẫn là một đặc sản của người Việt, của Hà Nội, với tất cả lo toan bộn bề lắng xuống, để mỗi người cảm thấy một mầm xanh đang mọc tiếp từ cội rễ trong mình.