Con cháu chúc ông bà, các bậc bề trên nhân ngày Tết Nguyên đán. |
Trong tâm thức người Việt, khoảnh khắc tiễn biệt năm cũ, đón chào năm mới rất linh thiêng. Vì thế, những nghi lễ đón Tết Nguyên đán (buổi rạng đông khởi đầu năm mới) được xem là quan trọng nhất trong năm.
Sử sách nước ta xưa đã ghi lại không ít những luật tục, nghi đón Tết Nguyên đán được tổ chức trang trọng ở chốn cung đình và trong chúng dân xưa. Bên cạnh đó là những ghi chép của các giáo sĩ, thương nhân phương Tây, người Pháp hoạt động ở Việt Nam trong khoảng thời gian từ thế kỷ 17-19.
Những ghi chép này giúp không chỉ cho chúng ta biết thêm những thông tin về nghi lễ, tập tục trong Tết Nguyên đán, mà cho biết cả tâm lý người Việt Nam xưa trong dịp Tết này, qua góc nhìn của người ngoại quốc.
Tết Nguyên đán thời Lê - Trịnh qua ghi chép của giáo sĩ, thương nhân phương Tây
Trong cuốn Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, giáo sĩ Alexandre de Rhodes, người từng sống ở Đàng Ngoài những năm 1627-1630 (thời vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng) cho biết nghi thức chính yếu trong dịp Tết Nguyên đán ở Đàng ngoài là lễ tịch điền.
Theo đó, vào ngày mồng 3 Tết, quan quân tề tựu đông đủ tại cung điện để tháp tùng vua Lê và chúa Trịnh đi hành lễ tại một địa điểm ngoài kinh thành. Đám rước vua chúa được cử hành rất long trọng. Đi đầu là hàng nghìn binh sĩ tập hợp từ khắp nước, tất cả đều mang khí giới với hàng lối nghiêm chỉnh. Tiếp theo là sĩ quan và hàng quý tộc, một phần đi ngựa cảnh, một phần cưỡi voi, ước chừng ba trăm người.
Người Việt vốn dĩ rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, vì thế ban thờ ngày Tết Nguyên đán rất được chăm chút. Ảnh chụp mâm ngũ quả của gia đình người Việt vào ngày Tết năm 1929. Ảnh tư liệu. |
Đi sau hàng quý tộc là chúa ngồi ở trong chiếc xe thếp vàng. Theo sau là một cỗ voi phủ áo sang trọng. Sau đó là các ông nghè, ông cử, ông tú... Cuối cùng là vua ngự trên ngai vàng lộng lẫy nhiều người khiêng (ngai phủ một tấm thảm thêu vàng và xanh, màu sắc dành riêng cho một mình ngài).
Khi đám rước tới một cánh đồng rộng xa kinh thành chừng một dặm, nơi nhiều người dân có mặt từ sớm để chờ giờ hành lễ, nhà vua bước xuống ngai, làm lễ tế trời đất, rồi đi xuống ruộng cầm cán cày (được trang hoàng nhiều màu sắc và chạm trổ kỳ công) cày mấy phút và mở một luống trong thửa ruộng, để dạy cho dân biết cách làm việc.
Cũng trong cuốn Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài Alexandre de Rhodes còn đề cập tới phong tục trồng cây nêu trong dịp Tết Nguyên đán của người Đàng Ngoài. Theo mô tả của ông thì vào cuối năm, người Đàng Ngoài dựng gần cửa nhà một cột vướt quá mái nhà, trên ngọn buộc một cái giỏ hay một cái túi đục nhiều lỗ, bên trong đựng thoi vàng giấy, bạc giấy để cha mẹ quá cố vào cuối năm có thể trả nợ khi cần thiết…
Alexandre de Rhodes cũng đề cập đến tục đòi nợ cuối năm ở các làng quê. Ông cho biết những người khất nợ quá hạn trong năm rất sợ chủ nợ đến đòi nợ và có những lời lẽ xúc phạm đến tổ tiên của mình trong dịp này. Họ cũng lo phải trả nợ trước cuối năm vì sợ ngày mồng một Tết chủ nợ đến đòi và trong ngày đó họ phải xuất tiền ra trả, họ tin rằng điều không hay này sẽ khiến họ bị giông cả năm và làm ăn không được thuận lợi.
Cũng đề cập đến Tết Nguyên đán ở Đàng Ngoài thời Lê – Trịnh (nhưng cách thời Alexandre de Rhodes hơn thế kỷ), Samuel Baron (một thương nhân người Anh, ở Đàng Ngoài trong khoảng thời gian từ 1768 - 1785) trong cuốn Mô tả vương quốc Đàng Ngoài cho biết đây là lễ hội lớn nhất trong năm, thường diễn ra vào khoảng 25 tháng 1 tây lịch và kéo dài khoảng 30 ngày.
Con cháu chúc ông bà và các bậc bề trên trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh tư liệu. |
Theo Samuel Baron, vào ngày 25 tháng chạp, ấn triện được lật ngược lên và cất vào trong hộp trong đúng 1 tháng. Trong khoảng thời gian đó, công đường đóng cửa, không có hoạt động gì, tất cả các vụ án lớn nhỏ đều chờ đến ngày khai ấn mới đem ra xét xử.
Vào ngày đầu tiên của năm mới, quan lại sẽ vào chúc Tết vua và chúa hết sức đúng giờ và lễ phép. Còn trong chúng dân, vào dịp này, họ tất bật chuẩn bị sao cho có một lễ Tết trọng hể nhất. Chẳng ai chịu kém cạnh ai, từng gia đình, tùy theo năng lực tổ chức ít nhất ba bốn bữa. Quan niệm của người Đàng Ngoài, Tết là thời điểm ăn chơi thả cửa, vì thế không tiệc tùng thết đãi họ hàng và bằng hữu (dù có phải đi ăn mày) thì họ sẽ bị tiếng là đồ bần tiện.
Theo Samuel Baron, vào ngày mùng 1 Tết, người dân kiêng ra ngoài (sợ gặp điều xui), chỉ đóng cửa ngồi nhà, không tiếp khách, trừ khi đó là họ hàng thân thuộc. Nhiều người còn thẳng thừng từ chối cho người khác dù một ngụm nước, hay một viên than củi và sẽ vô cùng giận giữ với những ai xin xỏ họ trong ngày đầu năm mới, bởi họ mê tín rằng sẽ gặp điều rủi ro, cả năm sẽ phải cho liên tiếp và cuối cùng rơi vài cảnh ăn mày. Phải sang đến ngày mùng 2 Tết, người ta mới đi thăm hỏi và chúc Tết nhau.
Ghi chép về Tết Nguyên đán dưới thời vua Nguyễn của người Pháp
Ngày Tết Nguyên đán dưới thời vua Gia Long được Micheal Đức Chaigneau (con trai của Jean Baptiste Chaigneau, tên Việt là Nguyễn Văn Thắng, làm quan dưới triều Gia Long và Minh Mệnh) mô tả trong cuốn Những hồi ức về Huế (Souvenirs de Hue) xuất bản năm 1867 tại Pháp.
Theo Micheal Đức Chaigneau, điểm đặc trưng của Tết dưới thời vua Gia Long là quà biếu. Theo thông lệ, hàng năm, nhân dịp đón năm mới vua Gia Long tặng quà cho các quan đại thần. Quà thường là vải vóc, hay quần áo dệt ở Trung Quốc.
Lễ trồng cây nêu ngày Tết tại một gia đình người Việt, năm 1929. Ảnh tư liệu. |
Thể thức tặng quà cũng đặc biệt, quà được đựng trong hộp sơn màu vàng, được quân lính trong cung mang đến tận nhà người được tặng quà. Người lính cầm hộp quà đi trước, đi sau là một người lính khác cầm lọng theo, không phải để che nắng cho hộp quà, mà là tăng thêm tính trang trọng của nghi thức tặng quà.
Có một điều rất đặc biệt là thời vua Gia Long, chỉ có vua tặng quà quan lại, tuyệt nhiên không có chuyện quan lại tặng quà vua, mà họ chỉ vào cung để chúc tụng vua vào ngày đầu tiên của năm mới. Theo mô tả của Micheal Đức Chaigneau thì sáng mùng 1 Tết, bá quan mặc phẩm phục đại triều, tập hợp ở cung điện, quan nhất phẩm đứng hàng đầu, quan nhị phẩm đứng hàng hai, cứ thế theo thứ tự cho đến quan phẩm thấp hơn. Các quan quỳ xuống và chúc tụng nhà vua. Sau lời chúc này, vua tiếp các đại thần rồi sau đó ai về nhà nấy.
Đó là một số nét đặc trưng của Tết dưới thời vua Gia Long, còn Tết Nguyên đán trong chúng dân diễn ra như thế nào. Trong cuốn Làng xã của người An Nam ở Bắc Kỳ. Paul Ory (công sứ Pháp làm việc tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ vào thế kỷ 19) cho biết, vào hôm trước ngày Tết, người An Nam làm lễ trồng cây nêu ngày Tết. Lễ này gợi nhớ đến chiến thắng của thần Thiện trước thần Ác. Người ta vẽ một cây cung trên mặt đất và cắm một cây cột ở cửa nhà để chứng tỏ nhà của mình đã được Phật bảo hộ.
Vào đầu năm mới, nhiều nơi tổ chức các trò chơi, các cuộc thi. Trong ảnh là thi đánh đu tại một làng quê miền Bắc, năm 1929. Ảnh tư liệu. |
Cũng trong ngày này, quan viên làng xã tới ở miếu thờ tổ. Họ vận lễ phục, bái lạy theo phong tục, dâng lễ vàng mã, hoa quả, thịt gà. Sau khi rời miếu thờ tổ, họ tiến ra đình, rồi ra chùa để thực hiện những nghi lễ tương tự.
Vào ngày mùng 1 Tết, người dân có thể ra đình và tham dự vào cỗ làng do các quan viên tổ chức, mỗi người ngồi vào vị trí cho mình theo thứ hạng quy định trong “sổ hàng xã”. Nhưng những cuộc tụ họp kiểu này hiếm khi thu hút đông người đến dự, bởi vì vào ngày này, nhà nào cũng phải lo cúng tổ tiên và tiếp anh em họ hàng đến thăm viếng, và ai nấy đều thành kính tuân thủ những quy tắc lễ nghi theo phong tục. Theo Paul Ory tục thờ cúng duy nhất được người An Nam coi trọng hơn cả.
Ông cũng cho biết, trong những ngày đầu năm mới, bên cạnh các nghi lễ đón Tết, người dân nhiều nơi còn tổ chức các lễ hội, các cuộc thi và rất nhiều trò chơi dân gian…